Về diễn biến thị trường xăng dầu, từ tháng 2-6/2022, giá xăng dầu thế giới tăng hơn 62%. Cùng với đó, do giá khí đốt tăng cao, nhu cầu dầu diesel phục vụ sản xuất điện tăng mạnh đã đẩy giá dầu diesel cao hơn giá xăng. Cùng với việc chuỗi cung ứng đứt gẫy, chi phí vận chuyển xăng dầu tăng vọt cũng đẩy giá xăng dầu tăng cao.
Tuy nhiên, sau khoảng thời gian tăng nóng, giá xăng dầu trên thị trường thế giới vào tháng 7/2022 đã giảm giá 20% so với tháng 6 và tháng 8 lại giảm tiếp 8% so với tháng trước đó.
Bất cập trong điều hành, người dân và doanh nghiệp chịu thiệt
Giá xăng dầu Việt Nam phụ thuộc rất lớn vào biến động địa chính trị và giá xăng dầu thế giới, nên giá xăng dầu Việt Nam liên tục thay đổi. Năm 2022, giá xăng dầu thế giới tăng khiến giá xăng dầu Việt Nam tăng theo, gây khó khăn cho hệ thống kinh doanh xăng dầu, cho người sử dụng và cho nền kinh tế.
Cùng với đó, khi giá xăng dầu thế giới giảm mạnh cũng gây khó khăn lớn hơn cho hệ thống sản xuất và kinh doanh xăng dầu. Bởi các nhà máy lọc dầu thực hiện ký kết các các hợp đồng kỳ hạn nhập khẩu dầu thô cho sản xuất với giá cao từ các đối tác và phải chấp nhận chi phí sản xuất thậm chí cao hơn giá bán sản phẩm ra thị trường.
Trước những bất cập của việc điều hành xăng dầu năm vừa qua, rất nhiều vấn đề được đặt ra trong đó có nhu cầu sửa đổi Nghị định 95/2021/NĐ-CP ngày 1/11/2021 và Nghị định 83/2014/NĐ-CP ngày 3/9/2014 về kinh doanh xăng dầu.
Do giá bán lẻ xăng dầu tại Việt Nam được các cơ quan quản lý xác định theo giá thế giới nên khi giá xăng dầu thế giới hạ thì khi ngay hàng nhập cảng, nhận hóa đơn hàng nhập khẩu, các doanh nghiệp đầu mối đã có thể tính toán doanh nghiệp lỗ bao nhiêu cho chuyến hàng nhập khẩu.
Vì vậy, khi xem xét sửa đổi sửa đổi Nghị định 95/2021/NĐ-CP và 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu, cần xuất phát từ tình hình thực tế về kinh doanh xăng dầu, Việt Nam đang trong quá trình xây dựng một thị trường xăng dầu thực thụ. Về lâu dài, cần đưa thị trường xăng dầu hoạt động đúng thực chất kinh tế thị trường.
Tuy nhiên, hiện nay Nhà nước vẫn coi xăng dầu là mặt hàng chiến lược cần quản lý, đưa xăng dầu vào nhóm mặt hàng bình ổn giá. Nhà nước phải can thiệp để điều chỉnh giá xăng dầu, tránh những cú sốc cho nền kinh tế. Vì vậy, trong giai đoạn trước mắt cần có các biện pháp quản lý phù hợp.
Với các nội dung trong dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 95/2021/NĐ-CP và Nghị định 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu, tôi xin có một số ý kiến đóng góp về đầu mối quản lý thị trường xăng dầu; công thức giá và điều hành giá xăng dầu; thời gian điều hành, công bố giá; Quỹ bình ổn giá xăng dầu; quy định mức chiết khấu tối thiểu trong kinh doanh xăng dầu và cho phép các đại lý bán lẻ xăng dầu được lấy từ nhiều nguồn; phương thức phân giao tổng nguồn xăng dầu tối thiểu và dự trữ lưu thông bắt buộc.
Đưa đầu mối quản lý về Bộ Công thương
Về đầu mối quản lý thị trường xăng dầu, việc giao quản lý toàn bộ thị trường cho Bộ Công Thương là hợp lý, bởi đây là bộ quản lý chuyên ngành về kinh doanh xăng dầu. Hơn nữa, việc xuất nhập khẩu, quản lý cung cầu thị trường, quan hệ mua bán với nhà máy lọc dầu trong nước, tổ chức bán lẻ đều do Bộ Công Thương quản lý.
Do đó, Bộ Công Thương phải là cơ quan giúp cho các doanh nghiệp đầu mối, doanh nghiệp trung gian và các doanh nghiệp bán lẻ xây dựng hệ thống tổ chức sản xuất kinh doanh sao cho đơn giản, phù hợp nhất và đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ chính trị đề ra.
Với việc sửa đổi Luật Giá trong thời gian tới, giá của những mặt hàng mang tính đặc thù Nhà nước hiện đang quản lý như: giá xăng dầu, giá dịch vụ y tế, giá vật tư thiết bị y tế, giá của các dịch vụ về giáo dục đào tạo… sẽ do các bộ chủ quản xây dựng và quyết định.
Việc giao quản lý toàn bộ cho Bộ Công Thương để từ đó xác định mức giá cả trong từng khâu trung gian hoặc bán lẻ, lúc đó việc điều phối của Bộ Công Thương với các doanh nghiệp mới phù hợp và mới đi sát vào thị trường và thực tiễn...
PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh.
"Bảo đảm tính đúng, tính đủ sẽ là động lực để các doanh nghiệp có chi phí cao hơn mức trung bình tiết giảm chi phí và nâng cao năng lực cạnh tranh, hạ giá bán sản phẩm.
Hơn nữa, dù có gần 40 doanh nghiệp đầu mối nhưng thị trường vẫn do hai doanh nghiệp lớn là Petrolimex, PV Oil chiếm thị phần thống lĩnh, nên rất khó có cạnh tranh bình đẳng giữa các doanh nghiệp.
Một khi các doanh nghiệp chiếm thị phần thống lĩnh “bắt tay” nhau thì giá xăng dầu sẽ khó kiểm soát, gây ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng và cả nền kinh tế".