“Tp.HCM, Hà Nội và Đà Nẵng là ba điểm đến phổ biến nhất của Việt Nam cho kỳ nghỉ dài vào cuối tháng này”, chia sẻ của ông Vũ Ngọc Lâm - Giám đốc Agoda Việt Nam – tại buổi chia sẻ mới đây.
Vị này cũng nhấn mạnh tín hiệu khả quan khi du lịch trong và ngoài nước đang hồi phục mạnh. Đặc biệt, du lịch nội địa không suy giảm nhiều. Khách có nhu cầu du lịch, thay vì có chuyến dự kiến đi nước ngoài hằng năm, nhưng vì dịch bệnh nên họ chuyển sang đi trong nước.
“Điều ngạc nhiên là sau đại dịch, lượng khách có nhu cầu đi du lịch càng nhiều hơn”, ông Lâm nói.
Nguyên nhân theo vị này một phần do trong năm dịch, số lượng người sử dụng thương mại điện tử tăng khá nhiều. Theo báo cáo Temasek, trước dịch, tỉ lệ người sống ở thành thị sử dụng thương mại điện tử sau dịch đã đạt 96% người sử dụng. Kể cả ngành du lịch, khách hàng đang dần tiếp cận được nhiều sản phẩm hơn. Xu hướng chuyển từ offline sang online của ngành du lịch bắt đầu cũng có sự chuyển dịch. Thay vì một công ty làm gói dịch vụ du lịch họ chỉ làm việc với một số khách sạn nhưng khi đặt online, bạn có hàng nghìn khách sạn để chọn.
Mặt khác, văn hóa Việt Nam chú trọng mối quan hệ gia đình tình thân, do vậy, du lịch nhóm/Gia đình là một trong những trọng tâm của hoạt động kinh doanh du lịch trực tuyến ngày trước và vẫn sẽ tiếp tục chiếm vị trí trọng điểm trong thời gian tới. Các gia đình Việt Nam rất thích đi du lịch, và xu hướng này không chỉ giới hạn ở mối quan hệ ruột thịt trong gia đình.
Khảo sát về Du lịch Gia đình của Agoda cho thấy, cứ 5 du khách thì có 4 người đang mong muốn lên kế hoạch cho kỳ nghỉ gia đình trong 12 tháng tới, đi cùng với các thành viên ruột trong gia đình hoặc với họ hàng.
Theo ông Lâm, trên Agoda có hơn 60.000 các lựa chọn lưu trú khác nhau tại Việt Nam, bao gồm các khách sạn thân thiện và phù hợp với cả gia đình với lựa chọn phòng thông nhau, các khu nghỉ dưỡng, homestay.
Dữ liệu khảo sát của Agoda còn cho thấy điều này không chỉ ở thị trường nội địa mà còn quốc tế. Các quốc gia khác trong khu vực, đặc biệt Singapore và Đài Loan, cho biết muốn được đi du lịch cùng các thành viên gia đình ngay trong năm nay. Ở quy mô toàn cầu, có đến 47% số người tham gia khảo sát cho biết họ mong muốn thực hiện các chuyến du lịch cùng gia đình trong năm tới.
Về du lịch nước ngoài, có thể suy thoái kinh tế đang diễn ra, Agoda vẫn cho rằng con người vẫn có nhu cầu du lịch, kể cả thị trường Việt Nam lẫn quốc tế. Ví dụ, thị trường Mỹ, vào năm dịch bệnh, họ không “lockdown” nhưng tăng trưởng vẫn mạnh. Lúc kinh tế Mỹ đi xuống với tỷ lệ thất nghiệp tăng cao, nhu cầu đi du lịch vẫn nhiều.
Đúng là khi khách ít tiền thì họ sẽ giảm bớt chi tiêu. Giá đóng vai trò quan trọng nhất, miễn là Agoda có thể cho họ những ưu đãi giá cạnh tranh. Lúc này, cạnh tranh ở đây là để làm sao Việt Nam sẽ cạnh tranh, hấp dẫn hơn so với các nước khác. Với con số 60.000 cơ sở lưu trú, hoặc hơn nhiều, thì nếu càng có nhiều đơn vị tham gia với hình ảnh tốt, giá cả tốt, tập trung vào thị trường mình nhắm đến, thì cho dù khách quốc tế có chi tiêu ít đi, mà chúng ta cho họ nhiều sự lựa chọn cạnh tranh, thì điều này cũng sẽ hỗ trợ du lịch Việt Nam.
“So với khu vực, không thể so sánh thị trường Việt Nam và Thái Lan. GDP đến từ ngành du lịch của Thái cao hơn Việt Nam, vì Thái Lan là một thị trường du lịch trọng điểm mà thế giới biết đến từ lâu rồi. Tuy nhiên, tại Việt Nam có rất nhiều sự kiện thu hút được khách du lịch nước ngoài, ví dụ như sự kiện bắn pháo hoa tại Đà Nẵng. Việt Nam cần nhiều sự kiện như thế. Và hiện Việt Nam không chỉ tập trung tổ chức ở các thành phố lớn, mà còn trải dài đến các thành phố nhỏ nữa”, ông Lâm cho biết.
Riêng Agoda, chiến lược Công ty sẽ không tập trung vào một thế hệ hay phân khúc khách sạn cụ thể. Theo cách nhìn của CEO, để mọi thứ chính xác phải nhìn vào số liệu nhiều hơn, ví dụ vùng này đang bắt đầu “nóng” lên, thì vùng đó sẽ cần tập trung vào nhiều hơn. Đó là một quy trình, vì như thế sẽ không theo cảm quan, cảm tính của mình.
“Làm cách nào để công ty cạnh tranh hơn, thay vì nhìn vào các bạn láng giềng đang làm gì. Bản thân công ty Agoda khá lớn, có khoảng hơn 6.000 người nhưng chia nhiều các bộ phận khác nhau. Ứng dụng và trang web sẽ được một nhóm chạy thử bằng rất nhiều bài test để mang lại cảm giác sử dụng mượt mà nhất cho khách hàng. Có những nhóm sẽ phỏng vấn khách hàng xem họ cần gì nhiều hơn. Mỗi bộ phận sẽ cải thiện từ từ.
Ở Việt Nam, về thanh toán, dưới 10% dân số có thẻ tín dụng. Tuy nhiên, lúc trước, để sử dụng sản phẩm của Agoda thì cần phải có thẻ tín dụng. Hiện tại, đã có những khách sạn chấp nhận tiền mặt, dùng phương thức thẻ ATM nội địa, chuyển khoản, Momo… Sẽ có bộ phận nghiên cứu bổ sung phương thức thanh toán, giúp tăng tỉ lệ chuyển đổi và cũng giúp Agoda tăng cạnh tranh hơn”, ông cho biết.
Dù vậy, trong cuộc chơi giữa các “agent booking online” như Agoda, Traveloka… để giữ chân và khai thác thêm khách hàng thì công ty cần có một lượng khách sạn trên trang web bắt mắt, cạnh tranh và cũng cần có phần mềm trải nghiệm để dễ dàng đặt khách sạn. Và một điều quan trọng là cần xây dựng tệp khách hàng. Agoda có 33 văn phòng toàn cầu và văn phòng tại các nước cũng cùng xây dựng để người dân ở đó biết đến và sử dụng ứng dụng.