Trong khoảng thời gian chuẩn bị cho World Cup 2022, nước chủ nhà Qatar bị cho là sử dụng thể thao để "gột rửa danh tiếng" trước những tranh cãi từ phương Tây (sportwashing).
Thất bại 0-2 trước tuyển Ecuador ngay trong trận ra quân đã khiến họ trở thành đội chủ nhà đầu tiên thua trận mở màn tại một kỳ World Cup. Chưa đầy một tuần sau đó, nước chủ nhà Qatar tiếp tục có trận thua 1-3 trước tuyển Senegal, khiến nước này tiếp tục trở thành đội chủ nhà đầu tiên bị loại từ vòng bảng do Hà Lan đã hòa Ecuador 1-1.
Chia sẻ với Zing, tiến sĩ Kristian Coates Ulrichsen, nghiên cứu viên về khu vực Trung Đông tại Viện Baker (Mỹ), nhận định kết quả này có thể kéo theo những tác động chính trị.
Tiến sĩ Kristian Coates Ulrichsen, nghiên cứu viên về khu vực Trung Đông tại Viện Baker. Ông tập trung nghiên cứu sự thay đổi của các quốc gia vùng Vịnh trong trật tự toàn cầu, cũng như sự xuất hiện của các thách thức phi quân sự, dài hạn đối với an ninh khu vực. Ảnh: Viện Baker.
“Một mặt, thất bại có thể củng cố quan điểm của một số người theo chủ nghĩa hoài nghi trong nước, cho rằng Qatar không đủ khả năng tổ chức World Cup”, ông Ulrichsen nhận định.
Tuy nhiên, giáo sư Edward Lynch (Đại học Hollins, Mỹ) lại cho rằng Qatar không bước vào giải đấu năm nay với kỳ vọng chiến thắng.
“Tôi không tin Qatar đã làm việc chăm chỉ như vậy để đăng cai giải đấu vì họ nghĩ đội Qatar có cơ hội vô địch. Đó sẽ là không tưởng tưởng”, ông nhận định với Zing. Ông đồng thời nói thêm rằng truyền thông đang thổi phồng vấn đề sportswashing ở Qatar.
“Qatar được trao quyền đăng cai World Cup 2022 vào năm 2010, khi quốc gia này không phải là đối tượng bị chỉ trích ở châu Âu hay Mỹ. Các nhà lãnh đạo Qatar không có lý do gì để nghĩ rằng họ cần cải thiện hình ảnh của mình với World Cup”, ông nói.
Trong khi đó, ông Ulrichsen cho rằng khi kỳ World Cup 2022 khép lại, có khả năng chính quyền Qatar sẽ tập trung vào vai trò một nhà cung cấp năng lượng và trung gian hòa giải để hướng sự chú ý trở lại các vấn đề có lợi hơn cho quốc gia vùng Vịnh nhỏ bé này.
Điều Qatar không lường trước
Theo giáo sư Stephen Ross, Giám đốc điều hành của Trung tâm nghiên cứu thể thao trong xã hội thuộc Đại học Bang Pennsylvania (Mỹ), “sportwashing” (sử dụng các sự kiện thể thao nổi tiếng để gột rửa và đánh bóng tên tuổi) được nhiều quốc gia xem là cách cải thiện hình ảnh ít rủi ro.
Có nhiều cách để các quốc gia nâng cao vị thế của họ, song “tài trợ cho một sự kiện thể thao lớn dường như ít rủi ro hơn so với việc trang bị vũ khí cho quân đội nước ngoài hoặc tài trợ cho những chính quyền tham nhũng”, giáo sư Ross nhận định với Zing.
Giáo sư Stephen Ross, Giám đốc điều hành của Trung tâm nghiên cứu thể thao trong xã hội thuộc Đại học Bang Pennsylvania. Ảnh: PSU.
Một số nhà phê bình cho rằng Qatar cũng đang lựa chọn chiến lược này. Họ gọi lễ khai mạc World Cup 2022 diễn ra ở Qatar vào cuối tuần trước là một chiến thắng của “sportwashing”.
Theo CSMonitor, Qatar có thể tạm thắng trong 4 tuần tới, khi hàng trăm triệu người hâm mộ trên toàn thế giới hướng đến vận mệnh đội tuyển quốc gia của họ, thay vì những câu hỏi về nhân quyền và các vấn đề khác.
Song trong dài hạn, World Cup 2022 có thể mang đến một câu chuyện khác. Những cuộc tranh luận chính trị xoay quanh giải đấu năm nay cho thấy dấu hiệu mới nhất về một sự thay đổi quan trọng: “Sportwashing” đã không còn hiệu quả, khi tiêu chuẩn đánh giá các nước chủ nhà của người hâm mộ ngày càng được nâng cao.
“Sportwashing được cho là có hiệu quả khi bóng đá vẫn được coi là trọng tâm, chứ không phải khi sự chú ý hướng đến các vấn đề khác như trong giải đấu ở Qatar”, tiến sĩ Ulrichsen nhận định.
Tuyển Qatar thua Senegal trong trận đấu vòng bảng World Cup 2022 hôm 25/11. Ảnh: Reuters.
“Nước chủ nhà Qatar đang nhận ra một điều rằng họ có thể kể chuyện với thế giới thông qua thể thao, nhưng việc mọi người tiếp nhận thông điệp như thế nào lại là điều không thể kiểm soát”, ông nói.
“Chính phủ Qatar có thể không lường trước được rằng các vấn đề như tình trạng lao động nhập cư có thể trở thành tâm điểm chú ý, khi họ tranh quyền đăng cai giải đấu vào năm 2010”, ông cho biết thêm.
Đồng tình với quan điểm này, giáo sư Ross cũng cho rằng Qatar dường như không lường trước được phản ứng dữ dội đối với vấn đề nhân quyền ở nước này.
Trên thực tế, phản ứng của người hâm mộ bóng đá đã tác động đến ít nhất một khía cạnh trong nền chính trị Qatar.
Chẳng hạn, quốc gia này đã bãi bỏ hệ thống “kafala” ràng buộc thị thực lao động nhập cư với một công việc cụ thể, khiến nhóm lao động này không thể thay đổi công việc hoặc rời khỏi đất nước nếu không có sự chấp thuận của người sử dụng lao động. Song, điều đó dường như chưa đủ trước những lời chỉ trích từ các đội bóng và người hâm mộ nước ngoài.
Đối lập với quan điểm của giáo sư Ross, ông Lynch cho rằng “còn quá sớm để đưa ra kết luận với tác động về mặt quan hệ công chúng của World Cup khi giải đấu chỉ mới bắt đầu”.
“Chắc chắn đã có rất nhiều lời chỉ trích Qatar trong năm qua, nhưng một giải đấu thành công có thể giảm thiểu tác động từ các phản ứng dư luận không tốt. Nhiều người trên thế giới không hiểu rõ thực tế tại Qatar, do đó, những gì quốc gia này thực sự phải làm để tạo dựng danh tiếng tốt trên toàn cầu là cho thấy thực tế đó”, ông nói.
Theo giáo sư Lynch, hình ảnh trên truyền hình về Doha sẽ cho thấy sự đa dạng hơn so với các quốc gia Arab khác.
“Những người xem các trận đấu sẽ nhìn thấy phụ nữ trong đủ loại quần áo, từ burka đến trang phục phương Tây. Họ sẽ nhìn thấy những con đường sôi động, cửa hàng, thậm chí cả tắc đường. Nói cách khác, đó là một thành phố bình thường ở một đất nước bình thường”, ông giải thích.
“Cuối cùng, người Qatar tin rằng quảng cáo truyền miệng tích cực từ hàng chục nghìn du khách sẽ có giá trị hơn nhiều so với các mẩu tin tức, bất kể tiêu cực đến đâu”, ông nói thêm.
Gió đổi chiều ở vùng Vịnh
Qatar phải đối mặt với nhiều lời chỉ trích liên quan đến World Cup 2022, từ việc giành quyền đăng cai gây tranh cãi đến các vấn đề về người lao động nhập cư, phụ nữ và cộng đồng LGBTQ.
Trong một phản ứng gay gắt, BBC - hãng thông tấn Anh - đã bỏ qua lễ khai mạc World Cup 2022, thay vào đó phát sóng chương trình về cách Qatar đối xử với lao động nhập cư và người đồng tính, cũng như tham nhũng tại FIFA. Tuy nhiên, động thái này dường như tạo ra tác dụng ngược tại các quốc gia vùng Vịnh.
Ông Ulrichsen chỉ ra một thực tế rằng BBC từng phát sóng lễ khai mạc sự kiện thể thao tại một số quốc gia chịu chỉ trích tương tự.
“Do đó, việc nhà đài bỏ qua lễ khai mạc World Cup tại Qatar đang nhận được phản ứng tiêu cực từ thế giới Arab. Họ cho rằng đây là dấu hiệu cho thấy tiêu chuẩn kép của phương Tây, và điều này giúp Qatar nhận được mức độ ủng hộ đáng kể trong khu vực”, ông nói.
Edward Lynch, giáo sư và chủ nhiệm khoa khoa học chính trị tại Đại học Hollins. Giáo sư Lynch nhận bằng tiến sĩ tại Đại học Virginia. Ông là tác giả của 5 cuốn sách và nhiều bài báo. Ảnh: Đại học Hollins.
Về vấn đề này, giáo sư Lynch cho rằng nhiều người trong giới chính trị và truyền thông phương Tây lo lắng về vị trí của Qatar trên thế giới.
“Quốc gia này theo đuổi một chính sách đối ngoại độc lập, không thân phương Tây cũng không chống phương Tây. Thật khó để dự đoán. Và với tư cách một trong những quốc gia giàu nhất thế giới, Qatar gần như không thể bị đe dọa”, ông nói.
Không những vậy, màn trình diễn của các đội Arab tại World Cup làm thay đổi thái độ đối thủ của Qatar ở vùng Vịnh. Một số quốc gia đã chia sẻ sự phấn khích với chiến thắng của nước láng giềng.
Sau chiến thắng 2-1 của Saudi Arabia trước tuyển Argentina hôm 22/11, cảm xúc dâng trào đặc biệt khắp vịnh Ba Tư khi Quốc vương Qatar Emir Tamim bin Hamad al-Thani xuất hiện trong video vẫy cờ Saudi Arabia - điều không thể tưởng tượng được khi chỉ vài năm trước hai bên coi nhau như đối thủ.
Người dân Saudi Arabia ăn mừng chiến thắng của đội nhà trước tuyển Argentina ở trận ra quân. Ảnh: Reuters.
Người Hồi giáo và người Ả Rập ở khắp nơi đều vui mừng trước chiến thắng 2-1 đầy bất ngờ trên sân Lusail, coi đó là kỳ tích của chính họ.
Noora Fakhroo, người Qatar làm việc trong lĩnh vực viễn thông, từng nhận định “World Cup không còn chỉ là về người Qatar nữa".
“Nếu chúng tôi thất bại, thế giới Arab sẽ thất bại, và nếu chúng tôi thành công, đó là câu chuyện cho mọi người. Đó là tình thế hiện nay, đặc biệt với những lời chỉ trích chúng tôi đang hứng chịu”, Fakhroo nói với Guardian trước thềm World Cup 2022.
Theo ông Ulrichsen, sau khi World Cup kết thúc, Qatar sẽ tiếp tục mở rộng dự án khí đốt để đảm bảo là đối tác năng lượng quan trọng.
“Sau khi World Cup kết thúc, Qatar sẽ tập trung vào việc mở rộng các dự án khí đốt ở miền Bắc, dự kiến bắt đầu hoạt động trong khoảng thời gian 2025 -2027, và sẽ đảm bảo Qatar vẫn là một đối tác năng lượng quan trọng trong phần còn lại của thập kỷ, và thậm chí lâu hơn nữa”, ông nhận định.