Đế chế thời trang nhanh của Trung Quốc vướng vào nhiều tranh cãi trong những năm qua. Ảnh: Shein.
Cuộc điều tra mới của đài truyền hình Channel 4 (Vương quốc Anh) đã bóc trần những mặt tối trong hoạt động kinh doanh của công ty Shein.
Theo The Cut, nhà đài này đã cử người đến bí mật ghi lại hình ảnh bên trong 2 nhà máy ở thành phố Quảng Châu - nơi cung cấp quần áo cho gã khổng lồ thời trang nhanh của Trung Quốc.
Tại một nhà máy, Channel 4 phát hiện công nhân nhận được mức lương cơ bản là 4.000 nhân dân tệ/tháng (khoảng 556 USD) để may 500 chiếc quần áo mỗi ngày. Tiền lương tháng đầu tiên bị giữ lại.
Ở một nhà máy khác, công nhân cũng nhận được số tiền bèo bọt (tương đương 4 xu) cho mỗi mặt hàng. Công nhân ở cả 2 cơ sở đều làm việc tới 18 giờ/ngày và chỉ được nghỉ một ngày trong tháng.
Channel 4 cho biết công nhân nữ phải tranh thủ gội đầu trong giờ nghỉ trưa và bị phạt 2/3 tiền lương hàng ngày nếu mắc lỗi đối với một mặt hàng quần áo.
Bên trong một nhà máy cung cấp quần áo cho Shein ở Quảng Châu. Ảnh: Public Eye.
Giờ giấc và điều kiện làm việc tại Shein nhiều lần bị tố là vi phạm luật lao động của Trung Quốc.
Tháng 11 năm ngoái, Public Eye, nhóm giám sát của Thụy Sĩ, thuê người theo dõi quá trình sản xuất và đóng gói của Shein ở Trung Quốc và châu Âu.
Tại Quảng Châu, nhiều nhà máy sản xuất cho công ty được thiết lập trong các tòa nhà dân cư. Một số còn không có lối thoát hiểm, theo Business of Fashion.
“Tôi không dám tưởng tượng điều gì sẽ xảy ra nếu một đám cháy bùng phát ở đó”, một nhà nghiên cứu cho biết.
Các công nhân nói rằng họ phải ngồi trước máy may 12 giờ/ngày, làm việc khoảng 75 giờ/tuần và chỉ được nghỉ một ngày trong tháng. Tại cơ sở đóng gói của Shein ở thành phố Phật Sơn, người lao động cũng cho biết họ làm việc 12-14 giờ/ngày và 28 ngày/tháng.
Trong khi đó, luật lao động Trung Quốc quy định tuần làm việc không được vượt quá 40 giờ và thời gian tăng ca không được vượt quá 36 giờ/tháng. Người lao động cũng phải được nghỉ một ngày mỗi tuần.
Những năm trước, khi bị cáo buộc về hành vi bóc lột sức lao động, công ty từng nói với Business Insider: “Mọi hành vi không tuân thủ quy định sẽ được xử lý nhanh chóng. Chúng tôi sẽ chấm dứt quan hệ với đối tác không đáp ứng các tiêu chuẩn của công ty”.
Ngoài điều kiện làm việc kém, Shein nhiều lần bị chỉ trích vì hàm lượng hóa chất độc hại cao trong sản phẩm, sao chép mẫu mã của các nhà thiết kế độc lập và xử lý sai dữ liệu khách hàng.
Tuy nhiên, giá thành rẻ và quy trình sản xuất cực nhanh vẫn giúp thương hiệu chiếm được cảm tình của Gen Z (sinh năm 1997-2012). Đây vẫn là một trong những công ty thời trang nhanh lớn nhất thế giới với mức định giá cao hơn cả Zara và H&M cộng lại.