Ông Đoàn Hồng Việt - Chủ tịch Digiworld (DGW) mới đây chia sẻ doanh nghiệp vẫn thu được trên 4.800 tỷ đồng và có lãi sau thuế 140 tỷ đồng trong quý II, lần lượt tăng 14% và 20% so với cùng kỳ năm trước.
Như vậy, tính lũy kế từ đầu năm, công ty chuyên phân phối hàng hóa này ghi nhận doanh thu tăng trưởng 28% lên 11.810 tỷ đồng và lãi sau thuế tăng 57% lên mức 351 tỷ đồng, tăng 57% so với cùng kỳ năm trước. So với kế hoạch năm, công ty đã thực hiện được 45% chỉ tiêu đề ra.
Theo cơ cấu hàng hóa, mảng điện thoại chiếm lớn nhất khi tăng trưởng 31% lên mức 6.522 tỷ đồng. Tiếp đến là mảng laptop ghi nhận tăng 24% đạt 3.361 tỷ đồng, thiết bị văn phòng tăng 28% ở 1.763 tỷ và hàng tiêu dùng nhích nhẹ 2% lên 164 tỷ đồng .
Lãnh đạo Digiworld cho biết thông thường, kết quả đạt được nửa đầu năm chiếm dưới 40% kế hoạch cả năm nên doanh nghiệp đang tự tin đạt được chỉ tiêu kinh doanh 2022 (doanh thu 26.300 tỷ và lợi nhuận sau thuế 800 tỷ đồng).
Lý giải về quy mô có phần suy giảm so với quý đầu năm, ông Việt cho hay xu hướng tiêu dùng trong quý II đã có sự sụt giảm, nhất là trong ngành hàng laptop.
Nguyên nhân được vị này chỉ ra là do nhu cầu đã bùng nổ trong năm 2021 và đầu năm 2022 nên đã dịu xuống trong quý vừa qua. Chưa kể, do mở cửa du lịch trong quý II, người dân tập trung vào các dịch vụ giải trí nhiều hơn so với mua sắm sản phẩm điện tử.
Chủ tịch Digiworld kỳ vọng tiêu thụ laptop sẽ tăng trở lại trong quý III khi mùa tựu trường đang đến. Bên cạnh đó, ngành hàng chăm sóc sức khỏe và tiêu dùng nhanh (FMCG) cũng dự kiến tăng trưởng tốt.
"Đối với Digiworld, chúng tôi vẫn lạc quan vì dù quý II nhu cầu thị trường sụt giảm thấy rõ nhưng chúng tôi vẫn có mức tăng trưởng khá ấn tượng", ông Việt nói.
Người đứng đầu doanh nghiệp phân phối hàng hóa tin rằng nhu cầu tiêu dùng nội địa về cuối năm sẽ tốt hơn khi so sánh với mức nền thấp của cùng kỳ năm ngoái bị giãn cách, người dân không có điều kiện mua sắm.
Ngoài ra, kinh tế vĩ mô dần tốt hơn với mức tăng trưởng GDP cao và việc làm quay trở lại, giúp thu nhập của người dân tốt hơn. Ông Việt đánh giá câu chuyện lạm phát ở Việt Nam không quá nhiều chỉ khoảng 2-3% nên không ảnh hưởng nhiều đến cầu tiêu dùng trong nước.
"Nếu bạn có tiền mua iPhone mà lạm phát có 2% thì bạn vẫn cứ mua, không có nghĩa các bạn không mua nữa. Hay những người có thu nhập thấp mua điện thoại chỉ 3 triệu thì khi điện thoại hỏng thì họ vẫn phải mua mới. Những sản phẩm khác như bàn chải đánh răng hay kem đánh răng hết thì bạn vẫn phải mua", vị này bình luận.
Tuy nhiên, ông Việt lưu ý quan điểm trên là từ quan sát các ngành hàng mà Digiworld đang kinh doanh không có sự thay đổi đáng kể. Đối với các ngành kinh doanh khác có thể bị ảnh hưởng bởi lạm phát rõ ràng hơn thì cầu tiêu dùng sẽ ít đi.