Tính đến hiện tại, đã có hơn 40 doanh nghiệp (DN) bất động sản niêm yết công bố BCTC quý 3/2023 với bức tranh sụt giảm mạnh. Tổng lợi nhuận của 40 DN BĐS trên giảm hơn 31% so với quý 2/2022. Nhân sự cũng cắt giảm hàng ngàn người.
Những DN đứng đầu danh sách sụt giảm
Đứng đầu danh sách sụt giảm là CTCP Đầu tư LDG (LDG) khi doanh thu thuần quý 3/2023 ghi nhận âm 0,6 tỷ, cùng kỳ đạt 6,8 tỷ đồng. Không còn hoạt động tài chính, theo đó Công ty báo lỗ sau thuế 65 tỷ.
Luỹ kế 9 tháng, LDG đạt 0,5 tỷ doanh thu thuần - giảm 99,99%, Công ty lỗ ròng 209 tỷ đồng (cùng kỳ năm 2022 lãi 8,3 tỷ). Kết quả này diễn ra sau thông tin LDG vướng lùm xùm liên quan đến dự án KDC Tân Thịnh.
Đứng thứ hai có Thuduc House (TDH), 9 tháng đầu năm Công ty đang lỗ 12 tỷ đồng, so với cùng kỳ lãi 46 tỷ đồng. Đáng nói, năm 2023 Công ty đề kế hoạch lãi khủng cao gấp 18 lần lên 88 tỷ. Cơ sở cho chỉ tiêu này là doanh thu chưa thực hiện từ việc chuyển nhượng dự án Phú Mỹ tại Bà Rịa - Vũng Tàu, dự kiến ban đầu hoàn thành trong quý 3/2023. Dù vậy, đến nay TDH vẫn còn cách khá xa kế hoạch ĐHĐCĐ giao.
Doanh thu quý 3 của CTCP Dịch vụ bất động sản Đất Xanh (DatXanh Services, DXS) giảm 25% còn 509 tỷ. Chi phí tăng khiến lợi nhuận sau thuế giảm 87%, từ mức 200 tỷ chỉ còn 25 tỷ đồng.
Lũy kế 9 tháng, DXS đạt doanh thu hơn 1.500 tỷ, giảm 53%. Trừ chi phí, Công ty lỗ gần 36 tỷ, cùng kỳ còn lãi 671 tỷ đồng. Giải trình, phía DXS cho biết nguyên nhân chủ yếu do tình hình khó khăn chung, đồng thời áp lực lãi vay đã ảnh hưởng đến lĩnh vực BĐS, khiến doanh thu cũng như lợi nhuận DN giảm mạnh.
DN địa ốc khác có lợi nhuận "rơi" từ vài trăm tỷ về hơn chục tỷ đồng là Tổng CTCP Địa ốc Sài Gòn (SGR). Quý 3/2023, lợi nhuận Công ty giảm 90% xuống còn chưa đến 19 tỷ đồng.
Lũy kế 9 tháng, doanh thu thuần của SGR đạt 47 tỷ, giảm gần 92% so với cùng kỳ. Khấu trừ chi phí, lợi nhuận sau thuế Công ty thu về 49 tỷ, giảm 76% so với cùng kỳ. Theo giải thích của ban lãnh đạo SGR, doanh thu thuần giảm do giảm doanh thu dự án tại công ty mẹ.
Hay CTCP Đầu tư Hải Phát (HPX) cũng giảm lãi từ mức trăm tỷ chỉ còn 4,3 tỷ trong quý 3/2023, giảm 95%. Lũy kế 9 tháng, HPX ghi nhận 1.196 tỷ, báo lãi sau thuế chỉ còn 61 tỷ, giảm một nửa so với cùng kỳ.
Trong tài liệu gửi cổ đông hồi cuối tháng 9 năm nay, lãnh đạo HPX cho biết đang gặp khó về dòng tiền. Năm 2023 Công ty khó tiếp cận được các nguồn vốn từ các tổ chức tín dụng, không phát hành được trái phiếu và đến hiện tại vẫn còn nợ một số khoản. Trong các khoản vay của HPX, hiện chủ yếu vẫn là trái phiếu.
Cắt giảm hàng ngàn nhân sự
Từng là ngành tuyển dụng CTV/nhân viên bán hàng ồ ạt, thời gian qua các DN liên tục cắt giảm nhân sự. Tình hình tiếp diễn sang quý 3. Mạnh tay cắt giảm nhân sự phải kể đến DatXanh Services (DXS). Đến ngày 30/9/2023, DXS còn 2.249 nhân viên, tức giảm hơn 1.000 người so với đầu năm. So với thời điểm cuối quý 3 năm trước, DXS đã cắt giảm hơn 4.100 nhân sự.
Theo đó, trong kỳ DXS tiết giảm đáng kể chi phí hoạt động. Đáng chú ý, giảm mạnh nhất phải kể đến chi phí tiền lương trong bối cảnh nhân sự DXS ngày càng "teo tóp".
Trong kỳ, TDH cũng tiếp tục cắt giảm nhân sự. Tổng nhân sự Công ty đến cuối quý 3/2023 là 52 người, giảm 46% so với cuối quý 3 năm trước.
Cũng giảm một nửa nhân sự còn có CTCP Phát triển BĐS Phát Đạt (PDR), từ mức 420 người (30/9/2022) chỉ còn 254 người. Trong kỳ, doanh nghiệp này chi ra gần 5 tỷ đồng để trả thù lao cũng như lương cho các cán bộ cấp cao trong quý vừa qua, con số này đã giảm gần một nửa so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, ông Nguyễn Văn Đạt, Chủ tịch HĐQT Phát Đạt đã nhận thù lao gần 485 triệu trong quý 3/2023, tương đương 161 triệu đồng/tháng. Mức thù lao của ông Nguyễn Văn Đạt đã giảm 84% so với cùng kỳ năm trước trong bối cảnh thị trường bất động sản khó khăn.