Theo dữ liệu trên chuỗi khối, độ khó khai thác Bitcoin giảm thêm 5%. Đợt sụt giảm độ khó mạng lưới Bitcoin kéo dài suốt 3 tháng, từ mốc đỉnh 31,25 T xuống còn 27,69 T.
Độ khó mạng lưới (Network Difficulty) là công cụ đảm bảo tính hợp pháp của các giao dịch được xác thực bằng phần cứng. Độ khó giảm đồng nghĩa với việc các thợ khai thác dễ dàng xác thực giao dịch.
Trong lúc độ khó đào giảm sâu từ đỉnh, nhiều thợ khai thác bắt đầu bật máy trở lại. Theo dữ liệu từ Blockchain.com, tổng tỷ lệ băm đã tăng 3,2% vào giữa tháng 7. Ở mốc đỉnh, tỷ lệ băm Bitcoin đạt mức cao nhất mọi thời đại là 231,4 EH/s.
Các nhà phê bình thường chỉ trích Bitcoin vì cần sử dụng lượng điện lớn để khai thác, gây hại cho môi trường. Theo nghiên cứu gần đây của Bitcoin Mining Council, 60% lượng điện được sử dụng để khai thác BTC đến từ các nguồn bền vững.
Bên cạnh đó, nghiên cứu cho thấy lượng khí thải carbon của các mỏ khai thác thải ra chỉ chiếm 0,09% khí thải toàn cầu. Đồng thời, Bitcoin Mining Council cho biết việc đào Bitcoin chỉ tiêu thụ 0,15% nguồn cung năng lượng toàn cầu.
Giữa tháng 5, Trung Quốc đã quay trở lại vị trí quốc gia đào Bitcoin lớn thứ 2 thế giới bất chấp lệnh cấm của chính phủ vào năm 2021. Trong khi đó, Mỹ tiếp tục giữ vững vị trí số một.
Theo thống kê giai đoạn tháng 9/2021-1/2022 từ Trung tâm Tài chính Thay thế Cambridge (CCAF), chỉ số hashrate - sức mạnh tính toán của các mạng Bitcoin đã có biến động mạnh. Sau lệnh cấm khai thác Bitcoin vào tháng 6/2021, tỷ lệ hashrate ở Trung Quốc đã sụt mạnh về 0 trong suốt 2 tháng sau đó.
Tuy nhiên, đến tháng 9/2021, chỉ số này bất ngờ tăng lên 30,47 TH/s, đưa Trung Quốc trở thành khu vực đứng thứ hai toàn cầu, chiếm 22,29% tổng thị trường. Tuy chỉ số hashrate tại quốc gia này có biến động nhẹ, tính đến cuối tháng 1/2022, Trung Quốc vẫn là trung tâm khai thác Bitcoin lớn với 21,11%.