Thanh toán bằng tiền mặt ngày càng trở thành một việc "cồng kềnh" ở Argentina. Tại đây, người ta phải đem ra rất nhiều tiền mặt để chi trả cho một thứ gì đó. Trong khi đó, chính phủ Argentina không phát hành các tờ tiền có mệnh giá lớn, bất chấp lạm phát tăng phi mã và được dự báo sẽ sớm chạm mốc 100%.
Giống như Venezuela trước đây, đà lao dốc mạnh của đồng peso Argentina trên các thị trường ngoại hối đang khiến các hoạt động mua sắm trên cả nước trở nên khó khăn. Vấn đề càng khiến người tiêu dùng khó chịu hơn là tờ tiền có mệnh giá lớn nhất ở nước này có giá trị chưa đến 4 USD.
Chênh lệch tỷ giá giữa peso và các đồng tiền tệ khác đã khiến khách du lịch cũng như người dân địa phương muốn giao dịch bằng USD tìm đến thị trường chợ đen.
Vấn đề "bén rễ" từ việc tờ tiền có mệnh giá cao nhất Argentina là 1.000 peso. Theo tỷ giá chính thức, tờ tiền này tương đương 6,43 USD. Tuy nhiên, do dòng vốn được kiểm soát chặt chẽ, người dân Argentina và khách du lịch nước ngoài thường đổi USD theo tỷ giá chợ đen thường được gọi là "dollar blue", mà 1.000 peso chỉ đổi được 3,44 USD. Trả lời Bloomberg News, NHTW Argentina cho biết họ đang tập trung xây dựng các hệ thống thanh toán điện tử, thay vì thúc đẩy việc sử dụng tiền mặt.
Oscar Salem và 9 người bạn đã phải mang một số tiền mặt chồng chất để thanh toán cho nhà hàng bít tết ở Buenos Aires. Họ đã gọi nhiều món ăn khác nhau, như thịt lợn ăn cỏ, rượu vang hạng nhất và món tráng miệng. Theo bức ảnh Salem chia sẻ trên Twitter, bữa ăn tiêu tốn của họ trung bình 50 USD/người.
Hình ảnh được Salem chia sẻ trên Twitter.
Hầu hết người nước ngoài đến Argentina đều tìm đến chợ đen để mua peso. Song, họ vẫn hưởng lợi lớn khi đến thăm những địa điểm du lịch hấp dẫn với mức giá chỉ bằng một phần nhỏ so với con số họ phải trả ở các quốc gia khác.
Salem - nhà sáng lập công ty tư vấn BCM Partners ở Montclair (New Jersey), cho biết: "Khách du lịch không nên thanh toán bằng thẻ tín dụng vì phí đắt hơn đến 50%." Anh nói thêm, thanh toán bằng tiền mặt là điều không cần phải suy nghĩ, khi bữa ăn tương tự ở New York phải có giá 3.000 USD.
Thực tế, lựa chọn thanh toán điện tử như các điểm bán hàng di động, mã QR và chuyển khoản trực tiếp, đã trở nên phổ biến với người Argentina trong đại dịch. Số lượng giao dịch thanh toán chuyển khoản tăng 53% trong tháng 8 so với năm trước. Tuy nhiên, hình thức này lại không được ưa chuộng với khách du lịch hay người dân địa phương đổi USD để né tránh tác động từ việc đồng nội tệ mất giá.
Cho đến nay, NHTW Argentina vẫn chưa có quy định khuyến khích du khách mang tiền mặt đến quốc gia này thông qua các kênh chính thức.
Giá trị lưu thông tiền mặt tại Argentina gần gấp 3 lần năm 2018 (đơn vị: nghìn tỷ peso).
Trong một văn bản trả lời câu hỏi về khả năng ban hành các đồng tiền tệ có mệnh giá lớn hơn, Chủ tịch NHTW Argentina Miguel Pesce cho biết 98% người trưởng thành ở quốc gia này đã có tài khoản ngân hàng (số liệu của WB là 71%).
Ông Pesce nói: "Chìa khoá ở đây là sự phát triển của các hệ thống thanh toán điện tử. NHTW đang thúc đẩy các phương thanh toán đó như thẻ ghi nợ, thẻ tín dụng, chuyển khoản tự động, hoá đơn điện tử, ví ngân hàng và phi ngân hàng."
Trong bối cảnh đó, đồng peso sụt giá tiếp tục là yếu tố thu hút người du lịch nước ngoài. Eduardo Bolsonaro - con trai của Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro, là một trong số những du khách chia sẻ trên mạng xã hội về việc anh dùng rất nhiều tiền mặt để thanh toán tại một nhà hàng.
Ngoài ra, một khách du lịch người Hà Lan với 250.000 người theo dõi trên TikTok đã đăng tải đoạn video cười lớn trong khách sạn ở Buenos Aires với 1.000 tờ tiền đang rơi xuống.