Thống kê tại TP.HCM, doanh thu bán lẻ 3 tháng đầu năm ước đạt gần 164.000 tỉ đồng, tăng 9,1% so với cùng kỳ, trong đó doanh thu lương thực, thực phẩm chiếm đến 20,4%. Điều đáng nói là sức mua hàng hóa tiêu dùng tăng nhưng xu hướng tăng không bền vững do giỏ hàng hóa bị mất cân xứng, tức là chỉ tập trung vào nhóm hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu, các mặt hàng khác bị cắt giảm mạnh.
TP.HCM: Kỳ vọng tăng sức mua
Ghi nhận của VnEconomy, hầu hết tiểu thương các chợ trên địa bàn TP.HCM đều phản ánh về tình trạng buôn bán ế ẩm. Riêng tại các kênh phân phối hiện đại, sức mua có tăng nhưng mức tăng không cao và không ổn định. Ông Nguyễn Ngọc Toàn, Giám đốc thu mua MM Mega Market Việt Nam, cho biết 3 tháng đầu năm tăng trưởng của hệ thống là 14,8%. Còn theo bà Nguyễn Thị Thu Hiền, Giám đốc đối ngoại Tập đoàn Central Retail Việt Nam, sức mua trong quý 1 tăng 10% so với cùng kỳ nhưng chưa ổn định.
Đánh giá về thị trường lúc này, Sở Công thương TP.HCM nhấn mạnh đến yếu tố hàng hóa bị tồn, không tiêu thụ được là khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp. Để tăng sức mua và cơ chế giá tốt nhất cho người tiêu dùng, ngay từ đầu quý 2/2023, nhiều đơn vị sản xuất kinh doanh, nhà bán lẻ trên địa bàn TP.HCM đã tung ra hàng loạt hoạt động kích cầu tiêu dùng và đổi mới mô hình kinh doanh đáp ứng xu hướng thị trường.
Trước mắt, Chương trình bình ổn thị trường năm 2023 – Tết Giáp Thìn năm 2024 đã được TP.HCM tiếp tục triển khai, thu hút 44 doanh nghiệp ngành hàng lương thực thực phẩm. Các hệ thống phân phối lớn đều đăng ký tham gia, bao gồm cả các doanh nghiệp có quy mô lớn như: Vinamilk, Nutifood, TH, Vissan, Vĩnh Thành Đạt, Vinamit…
Đơn cử, hệ thống trung tâm MM Mega Market triển khai chương trình “Giá sỉ” như giá ở chợ đầu mối dành cho hơn 40 mặt hàng thực phẩm tươi sống nhờ vào việc thu mua trực tiếp từ vùng trồng trọt và chăn nuôi theo mô hình khép kín “từ trang trại đến bàn ăn”.
Song song đó là chương trình “Khóa giá” dành cho hơn 500 mặt hàng thực phẩm và nhu yếu phẩm thiết yếu. Đây là chương trình MM kết hợp cùng các Nhà cung cấp lớn trong nước thực hiện, khách hàng hoàn toàn có thể yên tâm mua sắm sản phẩm chất lượng với giá thành tốt nhất trong ba tháng 4, 5 và 6, kể cả trong trường hợp xảy ra biến động thị trường.
Tương tự, hệ thống Big C và GO! phối hợp với nhà phân phối thực hiện chương trình “Giá luôn rẻ” mang lại cho khách hàng trên 1.000 sản phẩm rẻ hơn từ nay đến cuối năm. Hệ thống siêu thị Co.opnart, Co.opXtra tham gia bình ổn giá ở 11 nhóm hàng với cam kết giảm giá 5 - 10% so với giá thị trường... Tổng Công ty thương mại Sài Gòn - TNHH MTV (SaTra) cũng tham gia chương trình kích cầu với các mặt hàng như: thịt heo, gà, trứng gia cầm… có mức giảm giá từ bình ổn giảm xuống 20 -25%.
Theo Sở Công thương TP.HCM, tháng 6/2023 tới đây, thành phố tổ chức chương trình khuyến mại tập trung “Mùa mua sắm năm 2023”. Dự kiến, sẽ có hàng nghìn sản phẩm được giảm giá, khuyến mãi sâu kỳ vọng tạo động lực mới kích cầu tiêu dùng cho ngành thương mại dịch vụ của thành phố. Ngoài ra, thành phố tiếp tục đẩy mạnh triển khai công tác bình ổn thị trường hàng hóa, nhằm hạn chế trình trạng tăng giá hàng hóa tiêu dùng, nhất là đối với các mặt hàng thiết yếu lương thực, thực phẩm...
Hà Nội: Cắt giảm chi phí trong chuỗi cung ứng
Thông tin từ Sở Công Thương Hà Nội cho biết thời gian qua, thành phố đã thực hiện tốt công tác bình ổn thị trường, góp phần tích cực cho tăng trưởng ngành thương mại, dịch vụ. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 3 ước tính đạt 60,9 nghìn tỷ đồng, tăng 1,5% so với tháng trước và tăng 13,6% so với cùng kỳ năm trước. Ước tính quý 1/2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 184,4 nghìn tỷ đồng, tăng 12,6% so với cùng kỳ năm trước.
Bà Hoàng Thị Diệu Hồng, Trưởng Phòng quản lý thương mại, Sở Công Thương Hà Nội, cho biết thời gian qua, Hà Nội đã tập trung triển khai các công tác kết nối thương mại như tổ chức kết nối giao thương Hà Nội – Singapore; giao thương Hà Nội với các tỉnh trên cả nước… Thời gian tới, Hà Nội sẽ tập trung vào nắm bắt tình hình thị trường để tham mưu kịp thời cho thành phố để thực hiện tốt chương trình bình ổn thị trường, dự kiến sẽ triển khai từ tháng 4/2023 đến tháng 4/2024.
Về phía doanh nghiệp, ông Furusawa Yasuyuki, Tổng Giám đốc Công ty Aeon Việt Nam, cho hay Aeon nỗ lực giữ ổn định giá các mặt hàng thiết yếu, tăng cường hơn nữa chương trình "Giá tốt mỗi ngày" theo hướng ưu tiên cho nhóm hàng hóa được khách hàng lựa chọn nhiều nhất.
Theo đại diện các doanh nghiệp bán lẻ, giải pháp quan trọng là cắt giảm chi phí trong chuỗi cung ứng, thực hiện nhiều chương trình giảm giá để cải thiện sức mua. Phía đại diện WinMart/WinMart+ thông tin, hệ thống đã ứng dụng công nghệ vào xây dựng hệ thống logistics nội bộ, bước đầu giúp giảm 13% chi phí cung ứng trên mỗi sản phẩm. Bên cạnh đó, cũng triển khai các chương trình khuyến mại 2 tuần/kỳ, khuyến mại lên tới 50% áp dụng cho nhiều ngành hàng, có gian hàng không lợi nhuận để hỗ trợ nông dân tiêu thụ sản phẩm.
Đại diện các nhà bán lẻ, doanh nghiệp đều cho rằng năm 2023 là năm mà kinh tế Việt Nam gặp khó khăn, nhưng dự báo vẫn duy trì tăng trưởng tốt, riêng mức độ cạnh tranh trong thị trường bán lẻ dự đoán ngày càng gay gắt hơn với sự tham gia và mở rộng hoạt động của các nhà bán lẻ trong nước và quốc tế, đặc biệt một số nhà bán lẻ đến từ Thái Lan và Hàn Quốc.
Đồng thời, đại diện các hệ thống siêu thị đánh giá, thói quen tiêu dùng đã có những thay đổi, mua số lượng nhỏ nhiều hơn là mua số lượng lớn; xu hướng giảm sút ở kênh bán hàng trực tiếp đã xuất hiện... Dự báo, trong quý 2, người tiêu dùng sẽ tiếp tục thắt chặt hầu bao, giảm hoặc không mua hàng hóa không cần thiết, chọn mua hàng có giá rẻ hơn, chuyển sang kênh mua bán trực tuyến với giá “mềm” hơn…