Theo Luật Kinh doanh bảo hiểm số 24/2000/QH10 (đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 61/2010/QH12 và Luật số 42/2019/QH14), doanh nghiệp bảo hiểm được sử dụng vốn nhàn rỗi của mình để đầu tư kinh doanh bất động sản.
Tuy nhiên, Luật Kinh doanh bất động sản số 66/2014/QH13 và Nghị định số 02/2022/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Kinh doanh bất động sản quy định, tổ chức, cá nhân kinh doanh bất động sản phải thành lập doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp hoặc hợp tác xã theo quy định của pháp luật về hợp tác xã, có ngành nghề kinh doanh bất động sản.
Vì vậy, dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) lần này đã bãi bỏ quy định về việc cho phép doanh nghiệp bảo hiểm được sử dụng vốn nhàn rỗi của mình để kinh doanh bất động sản. Thậm chí còn cấm doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài, chi nhánh doanh nghiệp tái bảo hiểm nước ngoài đầu tư trực tiếp bất động sản, trừ trường hợp mua, đầu tư sở hữu bất động sản bao gồm quyền sử dụng đất để sử dụng làm trụ sở kinh doanh, địa điểm làm việc hoặc cơ sở kho tàng phục vụ trực tiếp cho các hoạt động nghiệp vụ của doanh nghiệp.
Liên quan tới vấn đề này, mặc dù đồng thuận với việc bãi bỏ việc doanh nghiệp bảo hiểm được sử dụng vốn nhàn rỗi của mình để "kinh doanh bất động sản", nhưng Hiệp hội Bất động sản TP. HCM (HoREA) đề nghị cho phép doanh nghiệp bảo hiểm được sử dụng vốn nhàn rỗi của mình để "đầu tư bất động sản".
Theo ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch HoREA, việc cho phép doanh nghiệp bảo hiểm dùng "vốn nhàn rỗi từ dự phòng nghiệp vụ" để "đầu tư tài chính, đầu tư vốn" vào một số lĩnh vực là cần thiết, trong đó có lĩnh vực bất động sản (nhưng không được thực hiện hoạt động kinh doanh bất động sản).
Hiện ở một số nước trên thế giới đã cho phép doanh nghiệp bảo hiểm dùng vốn nhàn rỗi (từ dự phòng nghiệp vụ) để đầu tư tài chính, đầu tư vốn vào một số lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực bất động sản (nhưng không được thực hiện hoạt động kinh doanh bất động sản); tương tự như nhiều nước cho phép doanh nghiệp bảo hiểm được đầu tư tài chính.
Trong khi nguồn vốn bảo hiểm cũng là nguồn vốn xã hội hóa rất lớn, nếu được khai thác, sử dụng hiệu quả sẽ bổ sung một nguồn vốn đầu tư, góp phần chia sẻ áp lực cho các tổ chức tín dụng. Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 15/1/2019 của Bộ Chính trị về nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng và phát huy các nguồn lực của nền kinh tế đã đặt mục tiêu, đến 2035 nguồn vốn huy động cho nền kinh tế của các doanh nghiệp bảo hiểm chiếm 20% - 30% tổng nguồn vốn đầu tư dài hạn và đến 2045 nguồn vốn này chiếm 30% - 50% tổng nguồn vốn đầu tư dài hạn.
“Do vậy, Dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) quy định doanh nghiệp bảo hiểm không được phép đầu tư bất động sản là chưa phù hợp với chủ trương khuyến khích các doanh nghiệp bảo hiểm đầu tư trở lại nền kinh tế, nên cần bổ sung quy định cho phép doanh nghiệp bảo hiểm đầu tư trở lại nền kinh tế vào bản Dự thảo sửa đổi. Nhà nước cần khuyến khích, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài, tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô đầu tư trở lại nền kinh tế, tái đầu tư, xây dựng thị trường bảo hiểm. Điều này cần sớm được thể chế hóa, đi vào triển khai, phát huy nguồn lực cho nền kinh tế”, ông Châu nhấn mạnh.
Hơn nữa theo ông Châu, việc cho phép doanh nghiệp bảo hiểm dùng vốn nhàn rỗi từ dự phòng nghiệp vụ để đầu tư tài chính, đầu tư vốn vào lĩnh vực bất động sản vẫn đảm bảo phù hợp với quy định "không cho phép doanh nghiệp bảo hiểm được sử dụng vốn nhàn rỗi của mình để kinh doanh bất động sản".
Về mức vốn doanh nghiệp bảo hiểm được phép đầu tư vào lĩnh vực bất động sản, HoREA cho rằng quy định "doanh nghiệp bảo hiểm được sử dụng vốn nhàn rỗi của mình để đầu tư tài chính, góp vốn vào lĩnh vực bất động sản với mức tối đa 10% đối với doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, tối đa 20% đối với doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ" là phù hợp và vẫn phải đảm bảo thực hiện nguyên tắc doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm "tự chịu trách nhiệm về hoạt động đầu tư, bảo đảm tính an toàn, hiệu quả và thanh khoản" nhằm tránh gây ra những hệ quả trên thị trường tài chính và nền kinh tế.