Cách đây không lâu, Baemin khai trương văn phòng mới với tổng diện tích sử dụng 1.900 m2 tại Khu đô thị Sala thuộc Khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Ông Jinwoo Song - CEO Baemin Việt Nam cho biết đã mất gần nửa năm để cải tạo từ một tòa nhà thô trở thành văn phòng trụ sở mới. Trong đó, doanh nghiệp dành 2 tháng để khảo sát và lựa chọn địa điểm.
"Việc dời trụ sở văn phòng từ trung tâm quận 1 sang nơi này nhằm tối ưu chi phí, cải thiện gần 50% so với chi phí thuê văn phòng cũ. Trong khi đó, diện tích văn phòng mới rộng hơn 30%, đảm bảo sự thuận tiện và không gian rộng rãi. Việc sở hữu toàn bộ tòa nhà làm trụ sở văn phòng cũng giúp chúng tôi tự chủ trong công tác tổ chức sự kiện theo phong cách riêng", ông Jinwoo Song lý giải.
Những doanh nghiệp "tiên phong"
Từ cuối năm ngoái, cao ốc văn phòng Sofic Tower bên trong Sala với tổng diện tích sử dụng 21.000 m2 cũng đi vào hoạt động.
Ngay sau đó, một số doanh nghiệp lớn đã chuyển trụ sở chính về đây, điển hình là hãng logistics quốc tế Maersk và công ty chuyển phát nhanh từ Indonesia - J&T Express. LG Electronics và Vivo cũng đã đặt văn phòng mới ở tòa nhà này.
Trước đó, Sala chỉ có các căn chung cư, nhà phố và shophouse. Trục đường chính Nguyễn Cơ Thạch được ví là phố nội thất của TP.HCM với hàng loạt showroom của các thương hiệu nội thất, thiết bị nhà bếp, vật liệu công trình...
Nhưng hiện tại, khu vực này đã có sự xuất hiện của nhiều chi nhánh, phòng giao dịch ngân hàng như Vietcombank, Techcombank, BIDV, Shinhan, Sacombank, Nam Á Bank, VietinBank, ACB... Bên cạnh đó là văn phòng, phòng giao dịch của một số công ty tư vấn, môi giới bất động sản và đầu tư chứng khoán.
Trước Baemin, một công ty công nghệ khác là Be cũng đã đặt văn phòng và điểm tiếp đón tài xế tại đây. Theo khảo sát, giá thuê shophouse, nhà phố tại khu vực này khá đắt đỏ, dao động 4.500-8.000 USD/tháng, tùy diện tích và vị trí.
Cách đó không xa, hai tòa nhà văn phòng hạng A The Mett và The Hallmark thuộc dự án The Metropole Thủ Thiêm cũng sắp vận hành chính thức. Giá thuê của hai tòa văn phòng này dao động khoảng 40-50 USD/m2, tùy diện tích, vị trí trong tòa nhà và thời điểm thuê, chưa bao gồm phí dịch vụ.
Đây được coi là mức giá thuê cao nhất trong số các dự án văn phòng hiện hữu ở khu vực quận 2 cũ.
Tuy nhiên, trên thực tế, khu vực Thủ Thiêm vẫn chủ yếu là bất động sản nhà ở. Mặc dù một số quán ăn, cà phê đã mọc lên theo làn sóng dịch chuyển văn phòng, số lượng nhìn chung vẫn chưa thể đáp ứng nhu cầu của những người làm việc ở đây. Giá cả cũng ở mức cao do chịu chi phí mặt bằng lớn.
Thực trạng này buộc một số doanh nghiệp có quy mô văn phòng lớn như Baemin bố trí khu vực căng tin với giá cả phải chăng. Nhiều công ty khác hợp tác với các nhà hàng, quán ăn để giao cơm trưa đến văn phòng, hoặc nâng hỗ trợ cơm trưa cho nhân viên sau khi chuyển văn phòng về khu vực này.
Có phải lựa chọn tối ưu?
Theo bà Từ Thị Hồng An, Giám đốc cấp cao Bộ phận cho thuê thương mại Savills TP.HCM, đa số doanh nghiệp chuyển văn phòng về Thủ Thiêm thời gian qua đều là để chuyển cách làm việc từ truyền thống sang hybrid, tức kết hợp giữa làm việc tại văn phòng và từ xa.
Bên cạnh đó, hầu hết công ty đa quốc gia đều theo đuổi các tiêu chí bền vững, vì vậy họ phải tìm kiếm những tòa nhà hỗ trợ được cam kết về ESG. Và các dự án văn phòng ở Thủ Thiêm do được phát triển sau này và được đầu tư lớn nên đa số đều đáp ứng các xu hướng mới này.
Tuy nhiên, ông Will Tran, Giám đốc Khối tư vấn cho thuê văn phòng khu vực TP.HCM của JLL Việt Nam, duy trì trụ sở chính ở trung tâm quận 1 vẫn là ưu tiên hàng đầu của các tập đoàn quốc tế - vốn là nhóm khách thuê chính của các văn phòng hạng A.
"Chúng tôi vẫn thực hiện nhiều giao dịch mở rộng văn phòng vệ tinh hoặc chi nhánh ở khu vực cận trung tâm cho các khách hàng này, nhưng văn phòng chính vẫn phải ở trung tâm với quy mô diện tích từ vài trăm đến vài nghìn m2", ông Will Tran chia sẻ.
Thực tế, lãnh đạo một đơn vị môi giới tiết lộ có trường hợp doanh nghiệp đang có văn phòng ở Bitexco Financial Tower (quận 1), lãnh đạo ở Việt Nam đã ưng ý một địa điểm mới ở Thủ Thiêm nhưng không được tập đoàn chấp thuận.
Tỷ lệ lấp đầy các tòa nhà mới trong khu vực hiện chỉ 10-15%, trong khi các tòa nhà khác ở quận 1 dù không có chất lượng tương xứng vẫn được các doanh nghiệp giành giật.
Lãnh đạo một đơn vị chuyên môi giới văn phòng
"Họ thấy Thủ Thiêm không phải trung tâm TP.HCM, họ không rõ đây là khu vực như thế nào, cách hoạt động của các cơ quan chức năng ở TP Thủ Đức có khác ở quận 1 TP.HCM hay không...
Đó là lý do tỷ lệ lấp đầy các tòa nhà mới trong khu vực hiện chỉ 10-15%, trong khi các tòa nhà khác ở quận 1 dù không có chất lượng tương xứng vẫn được các doanh nghiệp giành giật", người này nói.
Bà cho rằng mấu chốt là các chủ tòa nhà, môi giới cần có chiến lược truyền thông, quảng bá tốt hơn cho khu đô thị Thủ Thiêm đến với những doanh nhân, chuyên gia nước ngoài đang làm việc ở Việt Nam và đối với các doanh nghiệp đa quốc gia.
Đồng quan điểm, bà Từ Thị Hồng An nhấn mạnh xét về vị trí và tính kết nối với các khu vực khác, các tòa nhà văn phòng ở Thủ Thiêm không quá khác biệt so với quận 1.
Chưa kể, nếu chuyển về Thủ Thiêm, các doanh nghiệp còn có điều kiện thuê diện tích lớn lên đến 1.600 m2/sàn, trong khi nguồn cung ở quận 1 đang ngày càng khan hiếm và không thể đáp ứng diện tích tương đương.
"Những doanh nghiệp tiên phong cũng sẽ được hưởng nhiều lợi ích khuyến khích từ chủ đầu tư", bà An nói thêm.
Với ông Jinwoo Song, mỗi địa điểm đều có những mặt tích cực và hạn chế riêng, do đó ông cho rằng các doanh nghiệp cần tự đánh giá nhu cầu để đưa ra sự ưu tiên hợp lý.
Vị CEO tại Baemin Việt Nam cho rằng lợi điểm của văn phòng mới ở Thủ Thiêm là nhân viên có thể tận hưởng nhiều không gian xanh hơn, với tần suất giao thông thoáng đãng và không bị tắc đường như trước. Họ cũng dễ dàng tập luyện thể dục sau giờ làm tại khu đô thị.
Theo báo cáo mới nhất của Cushman & Wakefield, khu vực Thủ Thiêm sẽ có ít nhất 1 triệu m2 diện tích văn phòng tính đến năm 2050. Bên cạnh The Mett và The Hallmark sắp đi vào hoạt động, nơi này dự kiến có thêm hơn 86.000 m2 sàn văn phòng từ Empire City và 188.500 m2 từ Lotte Eco Smart.