Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 9 tháng đầu năm nay, số lượng doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản thành lập mới là 7.124 doanh nghiệp, tăng 31,9%; số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động là 1.769 doanh nghiệp, tăng 77,3% so với cùng kỳ năm trước.
"Số liệu đó cho thấy hoạt động của các doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản đã dần phục hồi so với thời điểm năm 2021, khi mọi hoạt động đầu tư, kinh doanh bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh. Tuy nhiên, các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản vẫn còn nhiều khó khăn", Bộ Xây dựng nhận định về các con số thống kê trên.
Tính đến 31/8/2022, dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 777.235 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ tín dụng đối với các dự án đầu tư xây dựng khu đô thị, dự án phát triển nhà ở đạt 185.406 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 23,85% tổng dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản…
Khó khăn phổ biến nhất khi triển khai thực hiện dự án là vướng mắc trong thủ tục đầu tư, pháp lý của dự án, đặc biệt là việc chấp thuận chủ trương đầu tư và thủ tục giao đất, tính tiền sử dụng đất.
Ngoài ra, với việc kiểm soát chặt chẽ về tín dụng, phát hành trái phiếu, cổ phiếu nên các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản đang gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn để triển khai dự án.
Lãi suất cho vay, tỷ giá ngoại tệ, giá xăng dầu, giá vật liệu xây dựng... đều tăng, dẫn đến chi phí của doanh nghiệp cũng tăng cao, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Trong số các doanh nghiệp bất động sản thành lập mới và quay trở lại hoạt động thời gian gần đây, có lượng lớn các sàn giao dịch bất động sản. Ở 2 quý đầu năm, thị trường bất động sản có hiện tượng phát triển nhanh về giá và lượng giao dịch ở nhiều phân khúc và tại nhiều địa phương đã kéo theo sự phục hồi, hoạt động trở lại của các sàn giao dịch bất động sản.
Tuy nhiên, sang quý 3, thị trường đã có sự điều chỉnh mạnh, lượng giao dịch bất động sản giảm nhanh so với thời điểm đầu năm, dẫn đến quy mô của các sàn giao dịch bất động sản cũng như số lượng môi giới bất động sản giảm theo. Hiện còn khoảng 1.100 sàn đang hoạt động.
Trong 9 tháng đầu năm 2022, tổng giá trị trái phiếu phát hành khoảng 323.000 tỷ đồng, trong đó đối với nhóm bất động sản thì giá trị phát hành là khoảng 93.000 tỷ đồng, chiếm 28,87% tổng giá trị phát hành trái phiếu.
Nguồn: Báo cáo của Bộ Tài chính
Đánh giá chung về thị trường bất động sản trong 3 quý đầu năm, Bộ Xây dựng cho biết nhìn chung, số lượng nhà ở trong các dự án đưa ra giao dịch (nguồn cung) hạn chế trong khi nhu cầu đầu tư, mua sử dụng của người dân vẫn cao. Đồng thời, thị trường vẫn tiềm ẩn những yếu tố gây bất ổn, cơ cấu hàng hóa chưa phù hợp với nhu cầu thị trường, thiếu trầm trọng nhà ở xã hội và nhà ở thương mại giá rẻ.
Ngoài ra, có hiện tượng các sàn giao dịch bất động sản câu kết với nhau “ôm hàng”, “làm giá”, “tạo sóng”, “thổi giá”, gây “sốt ảo” ăn chênh lệch làm nhiễu loạn thị trường. Giá bất động sản tăng cao gây khó khăn cho những người mua có nhu cầu ở thực.