Thông tin từ Cục Đăng ký kinh doanh - Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, tháng 6/2023, cả nước có 13.904 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với số vốn đăng ký là 138.746 tỷ đồng, tăng 4,8% về số doanh nghiệp và tăng 14,6% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2022.
Tháng 6/2023 ghi nhận có 7.098 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, mức cao nhất trong giai đoạn 6 tháng đầu năm, tăng 215% so với cùng kỳ năm 2022. Ngược lại, trong tháng 6/2023, cả nước có 12.333 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 3,1% so với cùng kỳ năm 2022.
Từ số liệu tình hình đăng ký doanh nghiệp 6 tháng đầu năm cũng cho thấy, kinh doanh bất động sản tiếp tục là lĩnh vực chịu áp lực và ảnh hưởng nặng nề.
Trong đó, số doanh nghiệp gia nhập thị trường và số vốn đăng ký của doanh nghiệp thành lập mới trong lĩnh vực này đều có mức sụt giảm rất mạnh so cùng kỳ năm ngoái (giảm lần lượt 58,9% và 54,1%). Đáng chú ý, số doanh nghiệp kinh doanh bất động sản rút lui khỏi thị trường lại có xu hướng tăng cao (tăng 40,4% so cùng kỳ năm 2022, mức tăng cao nhất trong 17 lĩnh vực).
Điều này, đối lập với mức tăng trưởng ấn tượng về số doanh nghiệp gia nhập thị trường của lĩnh vực này trong giai đoạn 6 tháng đầu năm 2021 so 2020 (44,8%).
Đánh giá về hoạt động doanh nghiệp trong tháng 6 và 6 tháng đầu năm nay, Cục Đăng ký kinh doanh nhìn nhận, tình hình đăng ký doanh nghiệp trong tháng 6 ghi nhận những tín hiệu tích cực, số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường đạt mức cao nhất từ trước đến nay. Trong tháng 6/2023, số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường đạt mức cao nhất trong tháng 6 từ trước đến nay.
Trong 6 tháng đầu năm có hơn 113.000 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại thị trường. Bình quân mỗi tháng có gần 19.000 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động.
Trong 6 tháng đầu năm 2023 cũng ghi nhận khoảng 100 .000 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, trung bình mỗi tháng có 16.600 doanh nghiệp rút khỏi thị trường.
"Con số này đã giảm so với mức bình quân doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong một tháng của giai đoạn 5 tháng đầu năm 2023 (17,6 nghìn doanh nghiệp) và giai đoạn 4 tháng đầu năm 2023 (hơn 19 nghìn doanh nghiệp). Đây là những tín hiệu tích cực trong bối cảnh hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn", Cục Đăng ký kinh doanh cho biết.
Trước đó, tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XV, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, trong năm 2022, cả nước có 143.198 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 19,5% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó có một số ngành có số lượng doanh nghiệp rút lui tăng cao như: Kinh doanh bất động sản (tăng 42,4%); Tài chính ngân hàng và bảo hiểm (tăng 35,4%); Khoa học, công nghệ; dịch vụ tư vấn, thiết kế; quảng cáo và chuyên môn khác (tăng 31,6%); Giáo dục và đào tạo (tăng 31,2%); Thông tin và truyền thông (tăng 28,5%)...
Báo cáo của Bộ trưởng nêu rõ, doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường đa phần có quy mô nhỏ (từ 0 - 10 tỷ đồng) chủ yếu thuộc nhóm ngành dịch vụ với 101.732 doanh nghiệp, chiếm 71% tổng số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 19,6% so với năm 2021. Nhóm ngành công nghiệp và xây dựng có 38.924 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, chiếm 27,2% tổng số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 20,1% so với năm 2021.
Trong 5 tháng đầu năm 2023, con số được Bộ trưởng cung cấp là có 88.040 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 22,6% so với cùng kỳ năm 2022. Tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực kinh doanh bất động sản (tăng 47,1%); Y tế và hoạt động trợ giúp xã hội (tăng 42%); Dịch vụ lưu trú và ăn uống (tăng 32,8%); Vận tải kho bãi (tăng 28,6%); Xây dựng (tăng 25,5%),…
“Số liệu về tình hình đăng ký doanh nghiệp cho thấy Kinh doanh bất động sản tiếp tục là lĩnh vực chịu áp lực và ảnh hưởng nặng nề nhất khi số doanh nghiệp kinh doanh bất động sản rút lui khỏi thị trường có xu hướng tăng mạnh trong năm 2022 (tăng 42,4% so với năm 2021) và trong 5 tháng đầu năm 2023 (tăng 47,1% so với cùng kỳ năm 2022)”, Bộ trưởng nhận định.