Theo báo cáo của Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA), tổng giá trị trái phiếu đáo hạn đến hết tháng 1 là gần 17.500 tỷ đồng, mức khá cao trước khi giảm nhẹ vào các tháng phía sau.
Áp lực đáo hạn chủ yếu tại nhóm doanh nghiệp bất động sản với khoảng 10.500 tỷ đồng, chiếm 60% giá trị trái phiếu đến hạn. Nhóm xây dựng có khoảng 5.900 tỷ đồng, chiếm 34% giá trị đến hạn.
Sau giai đoạn tháng 1, thị trường trái phiếu doanh nghiệp có phần dễ thở hơn khi giá trị đáo hạn không còn quá đột biến. Tuy nhiên, áp lực thanh toán trái phiếu sẽ bắt đầu dồn dập trở lại kể từ tháng 5 đến tháng 9 với con số đến hạn vượt hơn 1 tỷ USD.
VBMA cũng thống kê trong tháng 12/2022, các doanh nghiệp đã có 11 đợt phát hành trái phiếu riêng lẻ với tổng giá trị 1.700 tỷ đồng, giúp tổng giá trị phát hành cả năm 2022 đạt hơn 337.700 tỷ đồng.
Riêng giá trị phát hành trái phiếu riêng lẻ chiếm 244.565 tỷ đồng, giảm 66% so với cùng kỳ và đóng góp khoảng 96% tổng giá trị phát hành. Giá trị phát hành ra công chúng chiếm gần 10.600 tỷ đồng, giảm 65% so với cùng kỳ và có tỷ trọng 4%.
Cũng trong tháng 12/2022, các doanh nghiệp đã đẩy mạnh mua lại trước hạn 39.542 tỷ đồng trái phiếu, tăng 39% so với cùng kỳ. Giá trị mua lại trong cả năm ngoái đạt hơn 210.573 tỷ đồng, tăng 46% so năm 2021.
Đối với kế hoạch phát hành năm 2023, số liệu thống kê mới nhất ghi nhận ngân hàng Bắc Á muốn chào bán ra công chúng hơn 2.564 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 7-8 năm, lãi suất thả nổi theo công thức từ Lãi suất tham chiếu + 1,1%/năm đến Lãi suất tham chiếu + 1,5%/năm.
Ngân hàng BIDV cũng có kế hoạch chào bán ra công chúng đợt 2 với tổng giá trị 6.790 tỷ đồng trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền và không có tài sản đảm bảo, kỳ hạn 7-10 năm ngay trong tháng 1.