Northvolt, công ty được xem là niềm hy vọng lớn của châu Âu trong cuộc chiến pin xe điện toàn cầu, khởi đầu là một startup chỉ tập trung phát triển ở châu Âu. Nhưng giờ đây, công ty Thụy Điển này - được Volkswagen, BMW và Goldman Sachs đầu tư - đang muốn mở rộng sản xuất sang Mỹ.
Quyết định này của Northvolt nhằm tận dụng cơ hội lớn từ Luật Giảm lạm phát (IRA) mà Mỹ mới thông qua hồi tháng 8. Đạo luật này dành tới 369 tỷ USD đầu tư vào các chính sách khí hậu và năng lượng, trong đó, trợ cấp cho các nhà máy năng lượng xanh tại Mỹ khoảng 600-800 triệu USD. Đây là con số khổng lồ so với mức ưu đãi chỉ khoảng 155 triệu Euro (gần 160 triệu USD) vẫn đang được thảo luận ở Đức.
“IRA đang dịch chuyển động lực từ châu Âu sang Mỹ”, CEO của Northvolt, ông Peter Carlsson, nói với Financial Times, và cho biết thêm rằng đạo luật này đang không chỉ thu hút các doanh nghiệp châu Âu. “Nhiều công ty từ châu Á cũng đang tính toán lại kế hoạch chiến lược của mình và chuyển đầu tư tới Bắc Mỹ”.
Chật vật vì chi phí năng lượng
Trong khi nhận được ưu đãi lớn ở Mỹ, tại châu Âu, các doanh nghiệp đang chật vật với chi phí năng lượng tăng cao. Dù giá khí đốt ở châu Âu gần đây đã giảm nhưng vẫn ở mức cao gấp 5 lần so với tại Bắc Mỹ.
Làn sóng dịch chuyển đầu tư sang Mỹ để hưởng gói trợ cấp khổng lồ của Mỹ và tránh chi phí năng lượng cao ở châu Âu đang gióng lên hồi chuông cảnh báo tại các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU).
“Tôi cho rằng châu Âu cần tỉnh táo trong vấn đề này”, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nói với các giám đốc công ty công nghiệp trong nước như hãng sản xuất kính Saint-Gobain và hãng sản xuất xi măng Lafarge trong một sự kiện tuần trước.
Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck mô tả gói hỗ trợ của Mỹ là “thái quá” và “đang hút mất vốn đầu tư từ châu Âu".
Mới đây, EU cũng cáo buộc Washington vi phạm quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và đã thành lập một nhóm đặc biệt để làm việc với chính quyền Tổng thống Biden nhằm giải quyết các mâu thuẫn. Khối này yêu cầu Mỹ thay đổi 9 điều khoản liên quan tới các chương trình trợ cấp với tổng giá trị 231 tỷ USD bởi cho rằng điều này đang châm ngòi cho một “cuộc đua xuống đáy” liên quan tới trợ cấp dành cho doanh nghiệp.
Brussels ước tính EU cần phải tăng đầu tư khoảng 520 tỷ Euro (gần 534 tỷ USD) mỗi năm trong thập kỷ tới để đạt được các mục tiêu về bảo vệ môi trường và giảm phát thải carbon của mình.
Tổng thống Joe Biden phát biểu trong một sự kiện kỷ niệm việc thông qua Đạo luật Giảm lạm phát - Ảnh: Getty Images
Dù IRA phủ rộng tới nhiều lĩnh vực từ sản xuất máy móc tiên tiến cho tới công nghiệp nặng, các nhà lãnh đạo EU đặc biệt lo ngại về tác động của đạo luật này với lĩnh vực ô tô. Theo đạo luật, xe điện được sản xuất ở Bắc Mỹ với linh kiện từ chuỗi cung ứng tại đây sẽ được giảm thuế tới 7.500 USD.
Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), châu Âu hiện chiếm hơn 25% sản lượng xe điện toàn cầu và 20% chuỗi cung ứng sản xuất xe điện. Trong khi đó, Mỹ chỉ chiếm 10% sản lượng xe điện và 7% sản lượng pin xe điện.
“Đạo luật của Mỹ đã phát đi một tín hiệu nguy hiểm và điều này có thể khiến những khu vực tài phán khác triển khai các biện pháp bảo hộ”, bà Luisa Santos, phó tổng giám đốc tổ chức vận động hành lang tại châu Âu BusinessEurope, nhận xét về IRA.
Phản ứng trước những cáo buộc từ phía EU, Đại diện thương mại Mỹ Katherine Tai nói rằng khối này nên đưa ra nhiều ưu đãi hơn cho các nhà sản xuất xe điện. Trong khi đó, tháng trước, Bộ Tài chính Mỹ Janet Yellen nói rằng bà đã biết về những quan ngại của EU nhưng loại bỏ khả năng sẽ có điều chỉnh đối với Đạo luật Giảm lạm phát đã được ban hành.
Mỹ trở nên "hấp dẫn hơn nhiều"
Carlos Tavares, người đứng đầu hãng sản xuất ô tô liên doanh Pháp-Ý Stellantis, là một trong nhiều giám đốc hãng xe lên tiếng kêu gọi châu Âu xem xét các biện pháp đối ứng hoặc thay đổi các quy định của mình. Ví dụ, áp dụng trợ cấp dành cho ô tô điện của Chính phủ Pháp cho tất cả các phương tiện, bất kể nguồn gốc hay nhà sản xuất.
Tuy nhiên, theo một nguồn tin của Financial Times, các quan chức EU vẫn do dự trong việc đưa ra các trợ cấp tương tự như Mỹ bởi điều này “không phù hợp với các quy định về trợ cấp của WTO cũng như của quốc gia”.
“Chúng tôi thiết kế các quy định để cởi mở với tất cả và không ưu ái các công ty châu Âu. Giờ đây chúng tôi trở thành nạn nhân của sự thuần túy của chính mình”, các quan chức này nói.
“Chúng tôi sẽ không ngăn cản các công ty ở châu Âu thoái vốn và chuyển sang Mỹ bằng cách tham gia vào một cuộc chiến trợ cấp, mà bằng cách tạo ra những điều kiện thực sự tuyệt vời cho nhà đầu tư ở châu Âu”, Bộ trưởng Tài chính Đức Christian Lindner nói với Financial Times.
Trong khi đó, Pháp hối thúc EU đưa ra một đạo luật riêng để đưa sân chơi trở lại theo hướng có lợi cho khối.
“Châu Âu không thể là nơi duy nhất trên thế giới không có Đạo luật Mua hàng châu Âu và là nơi duy nhất trên thế giới vẫn có một hệ thống viện trợ quốc gia với các quy tắc được đặt ra như thể không hề có sự cạnh tranh nào từ bên ngoài”, Tổng thống Pháp Macron phát biểu tuần trước.
Tổ chức vận động hành lang Bàn tròn Công nghiệp châu Âu cho rằng cách tiếp cận của Washington có thể giúp Mỹ vượt qua châu Âu trong việc ứng dụng công nghệ xanh. Tổ chức này cũng nhận định sự thiếu chắc chắn về các quy định ở EU đang cản trở công nghệ xanh, đồng thời kêu gọi các nước phối hợp để thúc đẩy đầu tư vào năng lượng tái tạo trong khối.
"Nhiệm vụ của tôi là đảm bảo mọi khoản đầu tư của công ty đều khả thi về mặt kinh tế. Vấn đề không chỉ là vượt qua mùa đông năm nay. Một vấn đề lớn hơn đang diễn ra, đó là khả năng cạnh tranh của Pháp và châu Âu".
Olivier Andriès, CEO của Safran
Công ty Iberdrola của Tây Ban Nha, một trong những hãng năng lượng lớn nhất thế giới, dự kiến nâng mức đầu tư tại Mỹ lên gần chiếm khoảng 50% tổng mức đầu tư toàn cầu của mình giai đoạn 2023-2025. Trong khi đó, tỷ trọng đầu tư của công ty này vào EU chỉ là khoảng 23%.
“Mỹ đã trở thành một địa điểm đầu tư hấp dẫn hơn rất nhiều", ông Ignacio Galán, chủ tịch Iberdrola, nhận xét. “Ví dụ, đối với hydro được sản xuất bằng năng lượng tái tạo, theo IRA, Mỹ hỗ trợ cho các doanh nghiệp tới 100 tỷ USD, trong khi đó mức hỗ trợ của EU chỉ là 5 tỷ USD”.
Một áp lực nữa mà các doanh nghiệp châu Âu đang phải đối mặt là chi phí năng lượng leo thang. Điều này khiến nhà sản xuất động cơ và linh kiện máy bay Safran của Pháp cũng như nhiều công ty khác phải xem xét lại kế hoạch đầu tư của mình.
Safran trước đó có kế hoạch xây dựng nhà máy thứ hai tại thành phố Lyon của Pháp, tập trung vào sản xuất hệ thống phanh carbon siêu nhẹ và biến đây trở thành một trung tâm nghiên cứu công nghệ. Tuy nhiên, giờ đây công ty này đang chuyên nhiều hoạt động sản xuất thiết bị hạ cánh sang châu Á và Mỹ, đồng thời trì hoãn kế hoạch xây dựng nhà máy mới ở Pháp trong ít nhất 18 tháng nữa.
“Nhiệm vụ của tôi là đảm bảo mọi khoản đầu tư của công ty đều khả thi về mặt kinh tế”, CEO của Safran, ông Olivier Andriès, nói.
Ông cho biết, bất chấp những nỗ lực phòng ngừa, chi phí điện năng của Safran tại Pháp chắc chắn sẽ tăng gần gấp 5 lần trong giai đoạn năm 2019-2023. Trong khi đó, chi phí này ở Mỹ và Malaysia - nơi Safran cũng đang có nhà máy sản xuất phanh carbon - vẫn duy trì ổn định.
“Vấn đề không chỉ là vượt qua mùa đông năm nay. Một vấn đề lớn hơn đang diễn ra, đó là khả năng cạnh tranh của Pháp và châu Âu”, ông nói.