Chia sẻ tại Hội nghị Ban chấp hành mở rộng của Hiệp hội doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ Hà Nội (Hansiba) diễn ra sáng 13/10, ông Nguyễn Hoàng, Chủ tịch Hansiba cho biết hiện nay các doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ đang gặp phải rất nhiều khó khăn. Đặc biệt, việc đầu tư, xây dựng phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn thành phố Hà Nội lại càng khó khăn do chi phí thuê mặt bằng sản xuất, nhân công và một số dịch vụ khác tăng cao.
Bên cạnh đó, theo ông Nguyễn Hoàng, dù đã có hệ thống chính sách ưu đãi tương đối hoàn thiện nhưng dường như các doanh nghiệp còn chưa tiếp cận được do các chính sách này còn có nhiều vướng mắc trong khâu thực hiện, một số quy định ưu đãi còn chung chung khiến các cơ quan thừa hành cấp dưới lúng túng trong triển khai đến các doanh nghiệp.
Xuất phát từ những tồn tại đối với sự phát triển của ngành công nghiệp hỗ trợ hiện nay, theo Chủ tịch Hansiba, các doanh nghiệp rất mong muốn trong thời gian tới các cơ quan chức năng sẽ quan tâm, xem xét các đề xuất, kiến nghị xuất phát từ thực tế hoạt động gồm:
Thứ nhất, đề xuất Chính phủ sớm xây dựng Luật Công nghiệp hỗ trợ và trình Quốc hội sớm ban hành trong nhiệm kỳ này.
Thứ hai, đề xuất các cơ quan chức năng xem xét thành Ban chỉ đạo cấp Nhà nước do Phó Thủ tướng Chính phủ làm trưởng ban với sự tham gia của một số Bộ ban ngành và các địa phương cùng đại diện các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ để thống nhất chỉ đạo thúc đẩy giải quyết các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ.
Thứ ba, cần quy hoạch cụ thể từng vùng kinh tế để phát triển từng lĩnh vực cụ thể trong ngành công nghiệp hỗ trợ, tránh tình trạng nhà nhà, tỉnh nào cũng đua nhau phát triển công nghiệp hỗ trợ nhằm hạn chế việc lãng phí nguồn lực đầu tư của cả nhà nước và doanh nghiệp.
Thứ tư, cần có gói giải pháp cấp thiết, đặc thù về vốn gồm lãi suất và thời gian, hạn mức vay,… do hiện nay các quy định về điều kiện vay vốn của các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ vẫn chưa thật phù hợp. Có thể nghiên cứu thành lập quỹ tài chính riêng cho các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ dưới dạng quỹ mở để thu hút nhiều nguồn lực cả trong và ngoài nước.
Thứ năm, có thể nghiên cứu cho phép các doanh nghiệp tư nhân thuộc ngành công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp hỗ trợ công nghệ cao được tiếp cận vay vốn ODA để đầu tư mua thiết bị, máy móc, công nghệ của nước ngoài để có khả năng sản xuất, liên kết tham gia chuỗi sản xuất, giá trị toàn cầu.
Thứ sáu, nghiên cứu thành lập các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước hoặc nhà nước cổ phần với các doanh nghiệp tư nhân để sản xuất các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ then chốt phục vụ dân sinh và quốc phòng. Sau khi thành công có thể sẽ bán đấu giá các công ty 100% vốn nhà nước này cho tư nhân quản lý.
Thứ bảy, cần tập trung nâng cao hoạt động kết nối các doanh nghiệp, tập đoàn quốc tế lớn đang có mặt tại Việt Nam nhằm thúc đẩy việc các ông lớn FDI này có thể “kèm cặp”, đặt hàng các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước nhằm thúc đẩy sự phát triển và hiện đại hóa ngành công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam.