Có thể nói, hai ngành dệt may và da giày trong những năm gần đây luôn trong tình trạng thiếu nhân công, không có lao động trẻ bổ sung. Sau 2 năm dịch bệnh Covid - 19, tình trạng còn tệ hơn nhiều khi số lao động bỏ việc hoặc chuyển sang ngành khác ngày càng tăng trong khi tuyển mới rất khó khăn. Điều này đang ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp. Với một số ngành khác, ví dụ như lĩnh vực điện tử, khoảng 60% số công ty cũng đang thiếu lao động có kỹ năng.
Đỏ mắt tuyển dụng người lao động
Dệt may, da giày là hai ngành hàng sử dụng nhiều lao động nhất trong các ngành kinh tế của Việt Nam. Trong đó, dệt may cần khoảng hai triệu lao động, chiếm 25% toàn ngành chế biến, chế tạo. Con số này ở ngành da giày là hơn 1,4 triệu, chiếm tỷ lệ trên 18%.
Chỉ tính riêng tại TP.HCM, theo số liệu của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động (Falmi), giai đoạn 2022 - 2026, bình quân mỗi năm, hai ngành phát sinh 20.000 - 22.000 vị trí việc làm mới. Tuy nhiên, ghi nhận các năm qua, lao động có nhu cầu tìm việc nhóm dệt may, da giày mỗi năm chỉ hơn 1.000 người.
Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, Phó tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), cho biết tình hình đơn hàng xuất khẩu của các doanh nghiệp trong ngành hiện ổn định và có chiều hướng tăng trưởng tốt. Nhiều doanh nghiệp có đơn hàng xuất khẩu để làm việc kéo dài đến hết quý 3. Tuy nhiên, hiện nay khó khăn đối với các doanh nghiệp là không tuyển thêm được lao động để thực hiện đơn hàng gia tăng. “Một số doanh nghiệp nhận thấy việc tuyển thêm lao động quá khó khăn nên đã không dám nhận thêm đơn hàng mới của nhà nhập khẩu,” bà Mai cho biết.
Đây là thực tế khó khăn của nhiều doanh nghiệp trong ngành dệt may khiến các đơn vị liên tục đăng tin tuyển dụng lao động với mức lương và phụ cấp cao cùng với nhiều ưu đãi hấp dẫn khác nhằm thu hút công nhân về làm việc. Có thể kể đến như Công ty Cổ phần dệt may Gia Định đang tuyển dụng 300 lao động phổ thông, thợ may với mức lương 5,5 - 15 triệu đồng/tháng. Tương tự, Tổng Công ty May 10 đang có nhu cầu tuyển 200 công nhân ở các vị trí như may, cắt, là… với những chế độ đãi ngộ hấp dẫn. Người lao động làm việc tại công ty sẽ có thu nhập từ 7 - 15 triệu đồng/tháng.
Tại Đồng Nai, Công ty TNHH Cibao (TP.Long Khánh) là một trong những doanh nghiệp đang có nhu cầu tuyển lao động phổ thông số lượng lớn với 3,2 ngàn lao động. Liên tục đăng tuyển ở nhiều kênh với các chế độ đãi ngộ nhưng công ty vẫn khó tìm được lao động nhằm đáp ứng việc sản xuất các đơn hàng mới trong năm. Hiện, công ty đang bố trí phòng nhân sự về các huyện trong tỉnh để tuyển dụng và nhờ các địa phương hỗ trợ việc tuyển dụng lao động nông thôn. Những lao động này vào làm việc sẽ được đào tạo nghề trực tiếp tại xưởng và hưởng mức lương khoảng 5 triệu đồng/tháng nếu được nhận vào làm việc chính thức.
Dệt may, da giày là hai ngành hàng sử dụng nhiều lao động nhất trong các ngành kinh tế của Việt Nam.
Thiếu lao động, khó tuyển mới cũng là tình trạng của nhà máy Pou Yuen Việt Nam (quận Bình Tân) - doanh nghiệp gia công giày đông công nhân nhất tại TP.HCM. Sau dịch Covid - 19, công ty cần tuyển mới 8.800 lao động nhưng đến nay chỉ lấp đầy được 65%. Chưa kể, mỗi tháng lại phát sinh 500 - 650 trường hợp xin nghỉ việc. Phía doanh nghiệp cho hay không còn đặt nặng mục tiêu tuyển đủ người vì biết rõ không thể nào đạt được".
Tương tự, Công ty TNHH MTV giày dép Vĩnh Phong (Hóc Môn, TP.HCM) với cơ ngơi nhà xưởng rộng 10.000 m2, cần khoảng hơn 1.000 lao động. Thế nhưng, hiện chỉ gần 300 công nhân đang làm việc. "Không thể tìm ra người", bà Phan Thị Minh Thu, Phó giám đốc công ty nói. “Nếu trước đây, một tuần nhà máy có thể tuyển 50 công nhân có tay nghề, giờ đây cả tháng, sử dụng đủ kênh chỉ kiếm được 10 người, đa phần là lao động lớn tuổi".
Không chỉ với ngành dệt may, da giày, kết quả sơ bộ của cuộc khảo sát doanh nghiệp mới nhất do VCCI thực hiện với sự hỗ trợ của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) cho thấy, khoảng 60% số doanh nghiệp được hỏi cho rằng tình trạng thiếu lao động có kỹ năng là một thách thức từ mức độ trung bình đến nghiêm trọng trong lĩnh vực điện tử. Trong bối cảnh đó, việc đảm bảo lực lượng lao động gắn bó, năng suất ổn định và sự phát triển bền vững của các doanh nghiệp sản xuất cần phải được coi là ưu tiên hàng đầu.
Doanh nghiệp cần có kế hoạch dài hơi
Tại hội thảo “Phát triển chuỗi cung ứng lao động ổn định sau đại dịch Covid-19” do Ban Kinh tế Trung ương và Chính phủ tổ chức mới đây, ông Nguyễn Trung Tiến, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, cho biết lực lượng lao động, số người có việc làm trong quý 2/2022 tăng so với quý 1 và so với cùng kỳ năm ngoái, đặc biệt lao động ngành dịch vụ tăng đáng kể so với quý 1.
Giai đoạn 2022 - 2026, bình quân mỗi năm, hai ngành dệt may, da giày phát sinh 20.000 - 22.000 vị trí việc làm mới. Tuy nhiên, ghi nhận các năm qua, lao động có nhu cầu tìm việc mỗi năm chỉ hơn 1.000 người.
Theo Falmi
Về lâu dài, ông Nguyễn Trung Tiến nhấn mạnh, đây là thời điểm rất tốt để các bộ, ngành nghiên cứu, xây dựng các kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực có trình độ đáp ứng yêu cầu phát triển. Doanh nghiệp cần chủ động kết hợp với trung tâm đào tạo và các địa phương để đạt kết quả cao, bởi không có gì nhanh bằng sự hỗ trợ của doanh nghiệp trong việc đào tạo nhân sự chất lượng.
Theo các chuyên gia nhân sự, trong tình hình mới, việc đào tạo và tuyển dụng nhân sự cần thay đổi để thích ứng. Bà Thanh Lê, Giám đốc Quốc gia Adecco Việt Nam, nhận xét: “Sự bất ổn do dịch bệnh Covid-19 gây ra và tình hình lạm phát gần đây khiến các nhân sự thận trọng hơn khi tìm hiểu về văn hóa làm việc, phúc lợi bổ sung về sức khỏe và các phúc lợi khác, con đường sự nghiệp cũng như khả năng tăng lương. Người lao động cũng quan tâm nhiều hơn đến mô hình làm việc kết hợp. Việc áp dụng mô hình này có thể khả thi đối với các ngành dịch vụ và công nghệ, ngược lại, các ngành sản xuất và bán lẻ sẽ khó thực hiện hơn”.
Khoảng 60% doanh nghiệp cho rằng tình trạng thiếu lao động có kỹ năng là một thách thức từ mức độ trung bình đến nghiêm trọng trong lĩnh vực điện tử.
Ở góc độ khác, TS.Nguyễn Thị Lan Hương, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Lao động, cho rằng trong bối cảnh mới, một số ngành nghề có khả năng thiếu hụt lao động, để giữ chân lao động cần có kế hoạch dài hơi. Điểm nghẽn lớn nhất bây giờ là chất lượng nguồn lao động. Vì vậy, phải quan tâm đến việc đào tạo, đào tạo lại để phù hợp với sự phục hồi và mở rộng của thị trường, đồng thời cần gắn với nhu cầu của doanh nghiệp, yêu cầu phát triển kinh tế của từng vùng. Hệ thống trung tâm đào tạo việc làm phải có những cải cách tốt, tăng nhu cầu kết nối việc làm trên diện rộng hơn để người lao động có thể nắm bắt.
Dưới góc độ doanh nghiệp, đại diện Hội Da giày TP.HCM, cho rằng các doanh nghiệp cần chủ động tăng cường lực lượng lao động đã qua đào tạo. "Hiện chỉ cần 300 lao động giày da được đào tạo nhưng khi hỏi các trường đều không đáp ứng đủ. Do đó doanh nghiệp đang phải đẩy mạnh liên kết với trường nghề để đào tạo cấp tốc, đồng thời hỗ trợ chỗ ở để kêu gọi lao động”, ông Nguyễn Văn Khánh, Phó chủ tịch Hội Da giày TP.HCM cho biết.
Ngoài ra, theo ông Khánh, các doanh nghiệp cần tăng cường cơ giới hóa để tăng năng suất, tiết giảm nhân công. Thậm chí, trước khi xây dựng nhà máy, doanh nghiệp cần khảo sát trước nguồn lao động tại chỗ, liên kết với chính quyền để đặt hàng, đào tạo trước lao động.