Đảm bảo nguồn cung hàng hóa dịp Tết
Cuối năm thời điểm các đơn vị, doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất phục vụ nhu cầu mua sắm, nhất là dịp Tết Nguyên đán. Hiện nay, các doanh nghiệp tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đã lên phương án sản xuất, đảm bảo nguồn cung hàng hóa.
Bà Lê Trúc My - Giám đốc Công ty TNHH MTV My Tỷ Mai (Vĩnh Long) cho biết, ngay từ tháng 10, doanh nghiệp đã chuẩn bị sẵn sàng cho mùa sản xuất cuối năm. Tuy nhiên, doanh nghiệp cũng đang lo lắng vì thị trường tiêu thụ dịp cuối năm nay rất khó đoán. Đồng thời cũng gặp khó trong việc tiếp cận các nguồn vốn vay phục vụ nhu cầu sản xuất kinh doanh.
“Năm nay giá cả nguyên liệu đầu vào tăng nên chi phí sản xuất tăng, giá sản phẩm cũng sẽ tăng theo. Giá sản phẩm có thể tăng chút ít so với năm 2021, do đó thị trường tiêu thụ rất có thể được dự báo sẽ giảm hoặc bằng so với mọi năm”- bà My chia sẻ.
Tại An Giang, Giám đốc siêu thị Tứ Sơn Tạ Minh Sơn và Giám đốc miền Công ty Cổ phần Dịch vụ thương mại tổng hợp Wincommerce Nguyễn Thanh Quang đều khẳng định đảm bảo cân đối cung - cầu và có thể tăng sản lượng trong những ngày Tết Nguyên đán 2023 so ngày thường, không để đứt gãy nguồn hàng với giá cả phù hợp và không tăng giá bất hợp lý, để góp phần bình ổn thị trường trên địa bàn tỉnh, đảm bảo tốt nhu cầu mua sắm của người dân.
Phó Giám đốc Sở Công Thương An Giang Nguyễn Thành Huân cho biết, đến nay đã có 21 DN chủ lực của An Giang đã đăng ký tham gia bình ổn thị trường những tháng cuối năm 2022 và Tết Nguyên đán năm 2023. Tổng số tiền dự trữ dự kiến khoảng 4.191 tỷ đồng, tăng 4,6% so kế hoạch năm 2021 (4.000 tỷ đồng).
So với năm 2021 kế hoạch bình ổn thị trường hàng hóa năm nay có nhiều nét mới nhằm phát huy vai trò của doanh nghiệp trong việc chủ động dự trữ hàng hóa đảm bảo cân đối cung - cầu các mặt hàng thiết yếu. Ông Nguyễn Thành Huân cho biết: “Nếu như những năm trước sau khi nhận được thông báo, các đơn vị doanh nghiệp đăng ký để Sở Công Thương nắm thì năm nay, đơn vị đã chủ động tổ chức đoàn đến trực tiếp làm việc với lãnh đạo quản lý của các nhà phân phối, tập đoàn lớn cung ứng sản phẩm, hàng hóa cho tỉnh, đảm bảo cung - cầu ổn định thị trường hiệu quả hơn”.
Ông Hà Vũ Sơn - Giám đốc Sở Công Thương thành phố Cần Thơ, hiện 17 doanh nghiệp đăng ký tham gia bình ổn với tổng giá trị hàng hóa dự trữ là hơn 2.236 tỷ đồng, phục vụ trong giai đoạn từ tháng 10/2022 đến tháng 3/2023; trong đó giá trị hàng hóa chuẩn bị cho 3 tháng cuối năm 2022 là 998 tỷ đồng còn 3 tháng đầu năm 2023 là 1.237 tỷ đồng.
Các mặt hàng dự trữ chủ yếu gồm nhóm hàng lương thực, thực phẩm, bánh kẹo, nước uống, giải khát, sản phẩm phục vụ nhà bếp... với 16 doanh nghiệp đăng ký. Bên cạnh đó, có 2 doanh nghiệp đăng ký dự trữ khẩu trang, nước sát khuẩn, giấy vệ sinh và quần áo may mặc với giá trị hơn 1,3 tỷ đồng.
Giữ giá cả ổn định
Ông Nguyễn Thành Huân - Phó Giám đốc Sở Công Thương An Giang cho biết, để chủ động nắm tình hình, đơn vị thường xuyên theo dõi sát diễn biến thị trường, cung cầu hàng hóa, nhất là các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu mua sắm của nhân dân. Đồng thời, phối hợp Cục Quản lý thị trường tỉnh thường xuyên kiểm tra, giám sát thị trường; nắm tình hình chuẩn bị nguồn hàng hóa phục vụ bình ổn thị trường và việc thực hiện các quy định về kinh doanh. Từ đó, có biện pháp kiểm soát, ngăn chặn tình trạng buôn lậu và gian lận thương mại và tăng cường kiểm soát các hành vi vi phạm pháp luật về giá, chất lượng sản phẩm, các hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá trái pháp luật trên địa bàn tỉnh. Cùng với đó đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, tổ chức các sự kiện khuyến mại nhằm kích cầu tiêu dùng.
Ông Nguyễn Văn Hồng - Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Cần Thơ cho biết, qua báo cáo của các siêu thị, hệ thống cửa hàng tiện lợi cũng như các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu cho thấy hàng hóa phục vụ người dân trong dịp Tết dồi dào, đa dạng, đảm bảo đủ số lượng, giá cả bình ổn. Một số siêu thị lớn, giá cả một số mặt hàng có thể giảm 15-20% so với năm ngoái.
Riêng với mặt hàng gạo, ông Phạm Thái Bình - Tổng giám đốc Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An - cho biết mặc dù thị trường thế giới có nhiều biến động nhưng hệ thống cửa hàng bán lẻ của công ty cam kết giữ nguyên giá các loại gạo ăn như từ đầu năm; đồng thời, trong kho của Trung An vẫn còn vài chục nghìn tấn, đảm bảo đáp ứng kịp thời nhu cầu của thành phố.