Trong khối ASEAN, từ năm 2015, Việt Nam đã vượt qua Malaysia để trở thành nước tiếp nhận nguồn vốn đầu tư nước ngoài (FDI) lớn thứ 3 trong khu vực, sau Singapore và Indonesia. Tính luỹ kế đến tháng 8/2022, cả nước có 35.539 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký trên 430 tỷ USD.
"Ốc đảo" FDI
Đánh giá về những thành quả trong việc thu hút FDI tại Việt Nam, TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), cho biết khối doanh nghiệp FDI đã tạo ra trên 50% sản lượng công nghiệp trên toàn quốc và tạo ra trên 70% giá trị xuất khẩu của Việt Nam và đưa Việt Nam tham gia vào sân chơi toàn cầu… Nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã chọn Việt Nam là quê hương thứ hai và gắn bó lâu dài.
Tuy nhiên, TS. Vũ Tiến Lộc cho rằng, trong hơn 1/3 thế kỷ qua, nền công nghiệp của Việt Nam với sự trợ giúp và tham gia của 50% cộng đồng doanh nghiệp FDI, nhưng về căn bản chỉ mới dừng lại ở trình độ lắp ráp, gia công, giá trị gia tăng không lớn. Đặc biệt, đã không kết nối được với các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở trong nước, mà tồn tại như những “ốc đảo”.
Các nhà doanh nghiệp Việt Nam rất khó tham gia vào các chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp FDI, không cung ứng được các nguyên liệu vật tư, phụ tùng cần thiết cho doanh nghiệp FDI.
Còn các doanh nghiệp FDI họ cũng cho rằng rất khó tìm được các nhà cung ứng ở Việt Nam, do các nhà cung ứng của Việt Nam không đáp ứng được những tiêu chuẩn cần thiết và những công nghệ cần thiết để có thể trở thành nhà cung ứng cho họ. Do đó, phần lớn các nguyên liệu, vật tư vẫn phải nhập từ nước ngoài.
"Trong hơn 1/3 thế kỷ qua, nền công nghiệp của Việt Nam với sự trợ giúp và tham gia của 50% cộng đồng doanh nghiệp FDI, nhưng về căn bản chỉ mới dừng lại ở trình độ lắp ráp, gia công, giá trị gia tăng không lớn.
Các doanh nghiệp Việt Nam rất khó tham gia vào các chuỗi cung ứng của doanh nghiệp FDI, không cung ứng được các nguyên liệu vật tư, phụ tùng cần thiết cho doanh nghiệp FDI".
“Người ta nói nhiều đến nền kinh tế 2 tốc độ, ở Việt Nam chính là tốc độ của khu vực FDI và khu vực kinh tế trong nước, hai tốc độ này không bắt nhịp được với nhau và chúng ta chưa thực sự có được một cuộc “kết hôn” giữa các doanh nghiệp trong nước với các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài để cùng nhau tiến sâu vào các chuỗi cung ứng toàn cầu”, ông Lộc nói.
Về phía chính quyền, bà Mai Phong Lan, đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM, cho biết nhiều năm TP.HCM là điểm sáng về thu hút vốn FDI của cả nước. Chính quyền thành phố đã tạo điều kiện thuận lợi và luôn đồng hành cùng doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư thông qua các hoạt động đối thoại với doanh nghiệp, thành lập tổ công tác đầu tư… Cùng với cả nước thành phố đã có nhiều cố gắng và nỗ lực để hội nhập với nền kinh tế toàn cầu.
Điều này thể hiện trong việc những năm qua, TP.HCM đã rất thành công trong thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Đến nay, thành phố có 10.925 dự án có vốn FDI, với tổng số vốn đầu tư 78,32 tỷ USD.
Nhà đầu tư cần gì?
Tại diễn đàn "Hỗ trợ đầu tư và tổng kết chuỗi sự kiện xúc tiến đầu tư năm 2022: Nhà đầu tư tìm kiếm gì từ thị trường TP.HCM" diễn ra vào sáng 15/9/2022, các doanh nghiệp và hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài cho biết để tiếp tục thu hút tốt nguồn lực FDI, TP.HCM cần cải thiện môi trường đầu tư, nhanh chóng hoàn thiện cơ sở hạ tầng giao thông, kết nối giao thông cảng biển, sân bay, hạ tầng công nghệ thông tin, đồng thời tăng cường đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao kỹ năng tay nghề, cải thiện năng suất lao động…
Ngoài ra, thành phố cần đẩy nhanh việc cấp phép cho lao động nước ngoài, gia hạn giấy phép đầu tư, tăng cường ứng dụng công nghệ số trong thủ tục hành chính, nộp hồ sơ trực tuyến...
Nêu những vướng mắc cụ thể, ông Leif Schneider, Trưởng Tiểu ban pháp luật Hiệp hội các doanh nghiệp Châu Âu tại Việt Nam (Eurocham), cho rằng các dự án đầu tư nước ngoài vẫn còn gặp khó khăn khi áp dụng quy định, quy tắc và thủ tục tại Việt Nam. Đặc biệt, nhà đầu tư thường phải đối mặt với thời gian không xác định của các thủ tục cấp phép (hoặc phê duyệt M&A).
Việt Nam có những ưu thế về lực lượng lao động lớn với chi phí tương đối thấp, đây là điểm thuận lợi, nhưng với trình độ học vấn tổng thể chưa cao, bất đồng về ngôn ngữ đã gây khó khăn trong quá trình giao tiếp và trực tiếp đến quá trình làm việc.
Ông Leif Schneider cũng cho biết thêm rằng các nhà đầu tư đang nhắm yếu tố con người là tiên quyết. Do đó, thị trường lao động của Việt Nam cần phải thích ứng với yêu cầu ngày càng cao trong giáo dục và đào tạo. Ngoài ra, chính quyền TP.HCM cần chủ động trong việc giao tiếp với các nhà đầu tư để tạo sự minh bạch, có thể biến “băng đỏ” thành “thảm đỏ”.
Hiện Việt Nam đang đứng trước làn sóng FDI thứ 3, với kỳ vọng sẽ tạo nên bước đột phá để có thể bứt phá vươn lên. Với những lợi thế về lực lượng lao động trẻ, đông đảo, sự ổn định về chính trị xã hội, lợi thế về vị trí địa lý, vị trí địa kinh tế rất thuận lợi, Việt Nam cũng luôn kết nối với các nền kinh tế trên thế giới. Ngoài ra, Việt Nam cũng có một thị trường xuất khẩu rộng lớn khi đã ký kết được các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới.
Tuy nhiên, TS Vũ Tiến Lộc cho rằng chúng ta vẫn chưa chuẩn bị thật tốt về mặt nhân lực, về cơ sở hạ tầng, về mặt thể chế để thực sự nâng cấp Việt Nam phát triển với chất lượng và giá trị gia tăng lớn để trở thành một đất nước phát triển. Và rõ ràng là chúng ta đã bỏ lỡ rất nhiều cơ hội.
“Việt Nam cần một giai đoạn mới của sự hợp tác đầu tư, hướng tới công đoạn cao hơn của chuỗi giá trị cung ứng. Điều này phù hợp cả với các doanh nghiệp FDI và của Việt Nam”, ông Lộc nhấn mạnh.
Còn theo ông Frederick R. Burke, Cố vấn cấp cao Baker & Mc Kenzie (Vietnam) Ltd., khung pháp lý luôn là mối quan tâm của nhà đầu tư . Thời gian qua, khi những quy định thay đổi đã khiến nhà đầu tư gặp khó khăn khi thực hiện đầu tư. “Việc đầu tư vốn là dài hạn. Vì vậy, nhà đầu tư mong muốn các quy định pháp luật là một công cụ giúp họ xác định tính khả thi cho việc đầu tư cũng như lãi/lỗ một cách tương đối”.