Ngày 24/2, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức hội nghị trực tuyến đánh giá kết quả các hoạt động chăm lo cho đoàn viên, người lao động nhân dịp Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023.
Báo cáo trung tâm tại hội nghị nêu rõ: Tính từ tháng 9/2022 đến hết tháng 1/2023 đã có khoảng 1.300 doanh nghiệp (tại 50 tỉnh, thành phố) gặp khó khăn, bị cắt, giảm đơn hàng nên phải giảm giờ làm của 546.835 người lao động.
Trong đó, giảm giờ làm hoặc đang ngừng việc có hưởng lương là 491.212 người (chiếm 89,82% tổng số người bị ảnh hưởng); tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương là 7.000 người (chiếm 1,28%); chấm dứt hợp đồng lao động với 48.623 người (chiếm 9% tổng số người bị ảnh hưởng).
Số lao động bị ảnh hưởng phần lớn ở các doanh nghiệp FDI (chiếm 75% tổng số lao động bị ảnh hưởng), tập trung trong 3 ngành dệt may, da giầy, chế biến gỗ (chiếm 77% tổng số lao động bị ảnh hưởng); chủ yếu ở các tỉnh, thành phố khu vực phía nam như: TP.HCM, Long An, Tây Ninh, Đồng Nai, Bình Dương, An Giang... (chiếm 70% tổng số người lao động bị ảnh hưởng của toàn quốc).
Đại diện Tổng Liên đoàn Lao động cho biết , có 36 doanh nghiệp ở 16 tỉnh/thành phố, nợ 74,29 tỷ đồng tiền lương của 5.979 người lao động, bình quân nợ 12,42 triệu đồng/người; đến nay đã giải quyết 17,83 tỷ đồng tiền lương của 486 người lao động; chưa giải quyết 56,45 tỷ đồng tiền lương của 5.493 người lao động.
So với năm 2021, số doanh nghiệp, người lao động và tổng số tiền nợ đều giảm nhưng mức nợ lương bình quân tính trên lao động cao hơn (năm 2021 là 62 doanh nghiệp nợ 79,39 tỷ đồng tiền lương của 8.300 người lao động, bình quân nợ 9,56 triệu đồng/người).
Bên cạnh đó, tính trong tháng 12/2022 và hết tháng 1/2023, cả nước xảy ra 26 cuộc tranh chấp lao động, ngừng việc tập thể tại 6 tỉnh, thành phố, giảm 25 cuộc so với dịp Tết Nguyên đán năm 2022 (xảy ra 51 cuộc).
Tính chất, quy mô các cuộc ngừng việc tập thể không phức tạp so với các năm trước. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tranh chấp, ngừng việc là do doanh nghiệp chậm trả lương, người lao động không đồng tình với mức thưởng tết, đề nghị đảm bảo chất lượng bữa ăn ca, thái độ của quản lý đối với người lao động không phù hợp.
Sau Tết, trong ngày 27/1/2023 (tức mùng 6 tháng Giêng) khoảng 60% doanh nghiệp, người lao động đã quay lại sản xuất, kinh doanh, làm việc bình thường.
Đến ngày 31/1/2023 (tức ngày 10 tháng Giêng), hơn 96% người lao động đã quay trở lại làm việc, hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp diễn ra bình thường. Khoảng 4% số công nhân còn lại chủ yếu ở các tỉnh, thành xa nghỉ phép thêm ngày (các doanh nghiệp thiếu đơn hàng kết hợp cho người lao động nghỉ phép hoặc nghỉ hưởng lương tối thiểu thêm ngày) hoặc quay lại làm việc trong tháng 2/2023.
Với sự chia sẻ của người lao động và nỗ lực tổ chức sản xuất, kinh doanh, chăm lo cho người lao động của người sử dụng lao động nên tình hình tranh chấp lao động, ngừng việc tập thể trong phạm vi cả nước trước, trong và sau Tết năm 2023 giảm so với Tết năm 2022.
Theo báo cáo của các địa phương, đơn vị, trong dịp Tết Nguyên đán 2023 đã có hơn 8,64 triệu lượt đoàn viên, người lao động được thụ hưởng các hoạt động chăm lo của tổ chức Công đoàn với tổng kinh phí hơn 6.110 tỷ đồng.
Trong đó, hỗ trợ quà và tiền mặt cho hơn 7,63 triệu lượt đoàn viên, người lao động với tổng số tiền hơn 5.467 tỷ đồng; hỗ trợ 163.409 vé tàu/xe/máy bay cho đoàn viên, người lao động với số tiền là gần 91 tỷ đồng; bố trí 2.920 chuyến xe để đưa 130.825 đoàn viên, người lao động về quê đón Tết với số tiền gần 39 tỷ đồng; tổ chức trao tặng 800 căn nhà "Mái ấm Công đoàn" với tổng số tiền hơn 30 tỷ đồng; các hình thức hỗ trợ khác với 715.509 lượt người với tổng số tiền hơn 483 tỷ đồng.