Báo cáo kết quả kinh doanh của nhóm doanh nghiệp trong ngành hàng không năm 2022 đã cho thấy bức tranh với hai gam màu khác biệt. Trong khi các doanh nghiệp hạ tầng dịch vụ đã có lãi trở lại sau hai năm chịu tác động tiêu cực từ dịch Covid-19, các hãng bay vẫn đang chồng chất khó khăn.
Trong năm 2022, Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV) đã ghi nhận kết quả kinh doanh khởi sắc nhờ sự phục hồi của ngành hàng không. Theo đó, lũy kế cả năm 2022, doanh nghiệp này ghi nhận hơn 13.800 tỷ đồng doanh thu thuần và báo lãi trước thuế hơn 8.800 tỷ đồng.
Năm 2022, công ty đặt kế hoạch doanh thu gần 10.300 tỷ đồng và 2.566 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Như vậy, ông chủ vận hành phần lớn sân bay tại Việt Nam đã hoàn thành vượt 34% mục tiêu doanh thu và vượt 244% chỉ tiêu lợi nhuận cả năm. Nếu so với kết quả ghi nhận năm liền trước, mức doanh thu và lợi nhuận kể trên của ACV cũng đã tăng gấp nhiều lần.
Dịch vụ hàng không lãi đậm
Lý giải về kết quả kinh doanh tích cực kể trên, ACV cho biết doanh thu thuần tăng mạnh trong năm 2022 là nhờ thị trường hàng không dần hồi phục trong năm. Bên cạnh đó, các chính sách giá dịch vụ của tổng công ty đưa ra để hỗ trợ các hãng hàng không, các đơn vị kinh doanh dịch vụ tại cảng trong giai đoạn ảnh hưởng của dịch bệnh cũng dần quay trở lại mức bình thường giúp tăng nguồn thu cho ACV.
Bên cạnh đó, ACV cũng ghi nhận tăng thu từ các công ty liên doanh liên kết do nhóm doanh nghiệp này ghi nhận hoạt động sản xuất kinh doanh tích cực trong giai đoạn phục hồi của thị trường hàng không.
Với kết quả kể trên, hoạt động kinh doanh của ACV đã gần như quay lại thời điểm trước dịch với doanh thu tương đương năm 2018 và lợi nhuận xấp xỉ năm 2019.
Cũng ghi nhận kết quả kinh doanh tích cực năm qua là Công ty CP Dịch vụ Hàng không Sân bay Tân Sơn Nhất (Sasco - SAS) của gia đình ông Johnathan Hạnh Nguyễn.
Công ty quản lý và vận hành chuỗi cửa hàng miễn thuế tại sân bay Tân Sơn Nhất trong quý cuối năm 2022 đã thu về khoản lợi nhuận trước thuế đạt 105 tỷ đồng, cao gấp 38 lần cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế công ty đạt được là 89 tỷ đồng, cũng tăng tới 32 lần.
Lũy kế cả năm 2022, doanh thu thuần của Sasco đạt 1.400 tỷ đồng, tăng 4,4 lần so với năm liền trước và lợi nhuận sau thuế tăng tới 70 lần, đạt hơn 210 tỷ đồng. Kết quả kinh doanh này của Sasco tương đương khoảng 50% doanh thu và gần 60% lợi nhuận năm 2019 (trước khi dịch Covid-19 bùng phát).
Còn nếu so với hai năm liền trước, kết quả kinh doanh năm 2022 là mức cao nhất mà công ty dịch vụ hàng không của ông Johnathan Hạnh Nguyễn ghi nhận được.
Một doanh nghiệp dịch vụ hàng không khác cũng đã có lãi trở lại năm qua là Công ty CP Suất ăn hàng không Nội Bài (NCS) với mức lãi 5,3 tỷ đồng. Dù chỉ tương đương 1/6 mức lợi nhuận công ty ghi nhận được trong giai đoạn trước dịch, kết quả kinh doanh năm 2022 của NCS vẫn tích cực hơn nhiều so với khoản lỗ gần 77 tỷ đồng trong năm 2021.
Tính chung cả năm 2022, công ty chuyên cung cấp các suất ăn hàng không này ghi nhận gần 410 tỷ đồng doanh thu thuần, vượt kế hoạch và tăng gần 3 lần so với mức thực hiện năm 2021. Tuy vậy. So với năm 2019 trước dịch, mức doanh thu này cũng đã tương đương 60%.
Diễn biến tương tự cũng ghi nhận với nhóm doanh nghiệp dịch vụ hạ tầng hàng không khác như Công ty CP Dịch vụ Hàng không Taseco (AST); Công ty CP Dịch vụ Sân bay Quốc tế Cam Ranh (CIA); Công ty CP Dịch vụ Hàng không Sân bay Đà Nẵng (MAS) hay Công ty CP Dịch vụ Hàng không Sân bay Nội Bài (NAS)... đều ghi nhận có lãi dương trở lại sau hai năm thua lỗ liên tiếp trước đó.
Dù chưa thể ghi nhận tăng trưởng dương so với năm 2019, kết quả kinh doanh nhóm doanh nghiệp hạ tầng hàng không này thu về năm qua hầu hết đã tương đương 60-70% giai đoạn trước dịch.
Hãng bay vẫn chật vật
Trong khi các doanh nghiệp dịch vụ hạ tầng hàng không đã phần nào khắc phục được những khó khăn của hai năm trước đó, tình hình kinh doanh của các hãng bay vẫn chưa mấy khởi sắc bất chấp thị trường du lịch trong nước đã phục hồi gần như hoàn toàn.
Cụ thể, theo báo cáo kết quả kinh doanh năm 2022 của Vietnam Airlines, hãng hàng không này đã ghi nhận tổng doanh thu cả năm đạt gần 71.000 tỷ đồng, cũng tăng gấp 2,5 lần so với năm liền trước và tương đương trên 70% mức doanh thu trước dịch.
Tuy nhiên, các chi phí phát sinh trong kỳ vẫn cao vượt doanh thu khiến hãng hàng không quốc gia này chưa thể có lãi trở lại. Trong cả năm 2022, Vietnam Airlines đã lỗ thêm gần 10.400 tỷ đồng sau thuế.
Theo lý giải của Vietnam Airlines, kết quả doanh thu tăng mạnh nhưng công ty vẫn thua lỗ là do thị trường quốc tế phục hồi chậm, trong khi chi phí nhiên liệu tăng mạnh, cùng các biến động địa chính trị, tỷ giá và lãi suất tăng tác động xấu tới hoạt động kinh doanh của tổng công ty.
Tính đến hết năm 2022, Vietnam Airlines đã ghi nhận khoản lỗ lũy kế lên tới gần 34.200 tỷ đồng, qua đó khiến vốn chủ của hãng âm 10.200 tỷ. Tính riêng quý IV/2022, hãng bay này đã ghi nhận chuỗi thua lỗ kéo dài 12 quý liên tiếp, đẩy cổ phiếu HVN của Vietnam Airlines vào nguy cơ bị hủy niêm yết bắt buộc.
Với kết quả kinh doanh kể trên, có thể thấy dù đã bước qua thời kỳ dịch bệnh hơn một năm, nhưng bức tranh kinh doanh của hãng hàng không quốc gia này vẫn chưa thể khởi sắc.
Cùng chung diễn biến này, Vietjet Air cũng đã báo lỗ lần đầu tiên trong năm 2022 dù năm ngoái vẫn ghi nhận mức lãi dương 21 tỷ đồng.
Cụ thể, tính trong cả năm 2022, doanh thu của hãng hàng không giá rẻ này đã tăng hơn 3 lần, đạt 39.342 tỷ đồng nhờ biến chuyển tích cực ở mảng vận chuyển hàng không nội địa. Tuy nhiên, giá vốn tăng cao hơn nhiều doanh thu khiến hãng hàng không của nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo lỗ gộp gần 2.167 tỷ đồng năm vừa qua.
Bên cạnh đó, VietJet còn ghi nhận chi phí tài chính cả năm tăng thêm hơn 1.900 tỷ đồng, tiêu tốn của hãng hơn 2.700 tỷ đồng, qua đó trực tiếp khiến hãng thêm lỗ hàng nghìn tỷ đồng. Tính trong cả năm 2022, Vietjet Air báo lỗ sau thuế hơn 2.171 tỷ đồng.
Theo đánh giá của các chuyên gia phân tích, năm 2022, các hãng hàng không vẫn gặp khó khăn do chi phí nguyên liệu tăng cao bởi cuộc chiến Nga - Ukraine. Giá xăng máy bay năm 2022 và 2023 đã duy trì ở mức cao nhất kể từ năm 2015, gây nhiều khó khăn cho các hãng.
Bên cạnh đó, việc đồng USD tăng giá và lãi suất ngoại tệ tăng mạnh cũng tác động tiêu cực đến các doanh nghiệp thâm dụng vốn như các hãng hàng không.
Triển vọng nào cho ngành hàng không
Sau năm 2022 phục hồi tích cực của các doanh nghiệp dịch vụ hạ tầng hàng không, các chuyên gia phân tích tại Công ty Chứng khoán SSI đánh giá triển vọng của ngành hàng không năm 2023 sẽ tiếp tục tích cực khi dịch Covid-19 được hầu hết quốc gia coi là bệnh đặc hữu. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp ngành này còn được hỗ trợ bởi việc thị trường Trung Quốc mở cửa trở lại, giá nhiên liệu giảm, công suất khai thác cải thiện.
Cùng chung quan điểm, Công ty Chứng khoán VNDirect cho rằng thị trường hàng không quốc tế sẽ tăng trưởng mạnh mẽ trong năm nay nhờ xu hướng mở cửa trở lại của nhiều quốc gia, trong đó có Trung Quốc, kỳ vọng thúc đẩy lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam.
Các chuyên gia tại đây dự báo lượng khách quốc tế đến Việt Nam có thể phục hồi về mức 84% so với trước dịch trong quý II năm nay và đạt 100% trước dịch vào quý IV, giúp tổng sản lượng khách quốc tế tăng 195% so với năm 2022.
Do có độ tương quan cao với hàng không quốc tế, bán lẻ hàng không sẽ là ngành hưởng lợi nhất khi sản lượng khách quốc tế phục hồi nhờ rào cản gia nhập ngành cao cùng biên lợi nhuận vượt trội
Công ty Chứng khoán VNDirect
Ngoài ra, sản lượng khách nội địa dự báo tăng 231% so với năm 2022, tương đương mức tăng gần 31% so với mức 2019 cũng hỗ trợ nhóm doanh nghiệp ngành này phục hồi. Trong giai đoạn 2023-2025, VNDirect dự báo sản lượng khách du lịch nội địa sẽ ghi nhận mức tăng trưởng kép 8,9%/năm.
Do có độ tương quan cao với hàng không quốc tế, biên lợi nhuận cao vượt trội, bán lẻ hàng không sẽ là ngành hưởng lợi nhất trong thời gian tới khi sản lượng khách quốc tế phục hồi.
Cảng hàng không sẽ có tăng trưởng tương đối vững chắc nhưng có thể bị thu hẹp trong năm 2024 do công suất hạn chế.
Còn với các hãng hàng không, các chuyên gia phân tích đánh giá triển vọng tăng trưởng có thể bị cản trở bởi chi phí nhiên liệu cao, biến động tỷ giá và lãi suất tăng.
Các chuyên gia tại SSI cũng không khuyến nghị cổ phiếu của các hãng bay do tình hình cạnh tranh gay gắt về giá khi thị trường quốc tế mới mở cửa và rủi ro giá nhiên liệu biến động bất ngờ.