Phiên giao dịch việc làm dành cho người lao động đi làm việc theo Chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài (Chương trình EPS) và thực tập sinh IM Japan về nước, kết nối trực tuyến Hà Nội, Bắc Ninh, Thanh Hóa ngày 17/11 thu hút gần 60 đơn vị tuyển dụng với nhiều chỉ tiêu việc làm hấp dẫn.
Nhiều lĩnh vực "khát" nhân sự, thiếu lao động có tay nghề
Tham dự phiên giao dịch việc làm có 59 đơn vị, doanh nghiệp với tổng nhu cầu tuyển dụng là 4.235 chỉ tiêu. Trong tổng số 59 doanh nghiệp tham gia có 28 doanh nghiệp thuộc lĩnh vực sản xuất, chiếm tỷ lệ cao nhất với 47,4%, còn lại thuộc lĩnh vực khác như: Thương mại – dịch vụ, công nghệ thông tin, may mặc…
Theo thống kê của Ban tổ chức, những lĩnh vực ngành nghề của các doanh nghiệp đăng kí tham gia cho thấy việc khan hiếm lao động đang diễn ra trên nhiều lĩnh vực. Điều này tạo điều kiện cho người lao động, đặc biệt là các lao động trở về từ Hàn Quốc, Nhật Bản đã có tay nghề trong sản xuất, có khả năng giao tiếp bằng ngoại ngữ và có tính kỷ luật trong công việc cao phù hợp với nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp.
Riêng tại sàn việc làm Hà Nội có 39 doanh nghiệp tham gia, nhu cầu tuyển dụng 1.108 chỉ tiêu, tập trung chủ yếu ở các ngành nghề như: Kỹ thuật CNC, phiên dịch, thợ vận hành máy, công nhân sản xuất…, với mức lương từ 5 đến trên 15 triệu đồng.
Nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư từ Hàn Quốc và Nhật Bản với nhu cầu tuyển dụng đa dạng cùng mức lương hấp dẫn hoàn toàn phù hợp cho đối lượng lao động những người đi làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình EPS và thực tập sinh đi thực tập kỹ thuật tại Nhật Bản theo chương trình IM Japan về nước.
Với 13 doanh nghiệp tham gia tại Sàn việc làm Bắc Ninh tập trung nhu cầu tuyển dụng ở các ngành nghề như: Giày da, cơ khí, may mặc…, điển hình như Công ty TNHH H&S TECH có nhu cầu tuyển dụng số lượng lớn công nhân sản xuất linh kiện điện tử và không yêu cầu cao về tay nghề. Đây là cơ hội lớn cho lực lượng lao động phổ thông trên địa bàn, cũng như các tỉnh, thành phố lân cận.
Tại Sàn Giao dịch việc làm Thanh Hóa, nhu cầu tuyển dụng tập trung ở các vị trí việc làm dành cho lao động đã có tay nghề như: Công nhân may, công nhân lắp ráp điện tử, công nhân giày da... với mức lương hấp dẫn. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng đòi hỏi ứng viên phải chăm chỉ, nhanh nhẹn, chịu được áp lực, có trách nhiệm với công việc và ý thức cầu tiến.
Tại phiên khai mạc sáng 17/11, ông Hoàng Thành Thái, Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Hà Nội, đánh giá phiên giao dịch việc làm là cơ hội thuận lợi dành cho người lao động, đặc biệt là lao động làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình EPS và thực tập sinh IM Japan về nước tìm được việc làm ổn định, phù hợp với năng lực, cũng như các doanh nghiệp tìm kiếm được đúng nguồn lao động phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh của mình.
Theo ông Thái, việc còn gặp khó khăn trong tìm kiếm việc làm phù hợp vẫn trở thành một trong những lý do, khiến nhiều lao động Việt Nam ở Hàn Quốc lo lắng khi sắp hết hạn hợp đồng, sẽ không tìm được việc làm ở quê hương. “Do vậy, hỗ trợ việc làm trong nước để người lao động sau khi hết thời hạn hợp đồng làm việc ở Hàn Quốc có thể yên tâm quay về là vô cùng quan trọng”, ông Thái nhấn mạnh.
Đẩy mạnh hoạt động kết nối, hỗ trợ tạo điều việc làm
Dưới góc độ đơn vị trực tiếp tuyển chọn, đào tạo và phái cử lao động sang làm việc tại Hàn Quốc và Nhật Bản, ông Đặng Huy Hồng, Giám đốc Trung tâm Lao động ngoài nước (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội), cho biết trong hơn 18 năm qua, đã có gần 120.000 lượt người lao động được phái cử đi làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình EPS, trên 8.000 lượt người lao động sang thực tập kỹ thuật tại Nhật Bản theo chương trình IMJapan.
Các chương trình đã mang lại cơ hội việc làm tốt, thu nhập cao, giúp nâng cao đời sống cho người lao động và gia đình người lao động, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Đến nay, đã có gần 90.000 người lao động tham gia 2 chương trình này về nước.
“Đây là lực lượng lao động có kinh nghiệm với nhiều ngành nghề khác nhau. Qua thời gian sống và làm việc tại Hàn Quốc, Nhật Bản, những người lao động này có khả năng giao tiếp bằng tiếng Hàn, tiếng Nhật, am hiểu văn hóa Hàn Quốc, Nhật Bản, cách thức làm việc của các doanh nghiệp Hàn Quốc và Nhật Bản”, ông Đồng khẳng định.
Đáng chú ý, trong số những người lao động đã về nước có rất nhiều người bằng kiến thức, kinh nghiệm và số vốn tích luỹ được đã khởi nghiệp thành công, hoặc đảm nhiệm những vị trí việc làm quan trọng trong các doanh nghiệp.
Tuy nhiên, ông Đồng cũng thừa nhận còn nhiều người lao động khác còn gặp khó khăn trong tìm kiếm một việc làm, phù hợp để phát huy khả năng và kinh nghiệm của mình.
Do đó, trong 10 năm qua, đơn vị này đã phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức nhiều hoạt động tư vấn, hỗ trợ giới thiệu việc làm, kết nối lao động chương trình EPS, thực tập sinh chương trình IM Japan về nước với các doanh nghiệp có vốn đầu tư của Hàn Quốc, Nhật Bản tại Việt nam và các doanh nghiệp khác tại Việt Nam có nhu cầu tuyển dụng nguồn nhân lực này.
Trong thời gian qua, Trung tâm lao động ngoài nước đã phối hợp tổ chức 62 Hội chợ và phiên giao dịch việc làm dành cho người lao động từ Hàn Quốc trở về, để kết nối cung cầu lao động giữa người lao động đã về nước và các doanh nghiệp.
Các Hội chợ và các phiên giao dịch việc làm này đã thu hút sự tham gia của gần 1.500 lượt doanh nghiệp và hơn 6.500 lượt người lao động, kết nối việc làm thành công cho gần 3.100 người lao động.
“Hoạt động hỗ trợ giới thiệu việc làm đã giúp người lao động chương trình EPS, và thực tập sinh chương trình IM Japan về nước tìm được việc làm ổn định sau khi về nước, các doanh nghiệp tìm kiếm được đúng nguồn lao động phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh của mình”, ông Hồng nhấn mạnh.