“Mặc dù hoạt động sản xuất kinh doanh đang trên đà phục hồi, nhưng bối cảnh thế giới vẫn còn đang diễn biến hết sức phức tạp, khó lường, phía trước vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ và thách thức.
Đó là nguy cơ dịch bệnh Covid-19 và một số dịch bệnh mới bùng phát trong khi vấn đề biến đổi khí hậu, lũ lụt diễn biến phức tạp, bất thường sẽ tiếp tục ảnh hưởng lớn đến sản xuất kinh doanh.
Ngoài ra, sự phục hồi chậm và khó khăn của các đối tác thương mại lớn, khả năng xảy ra suy thoái kinh tế thế giới trong ngắn hạn đang gia tăng, lạm phát tăng cao và các điều chỉnh chính sách tiền tệ nhanh hơn, mạnh hơn của các quốc gia cũng sẽ tiềm ẩn rủi ro đến ổn định thị trường tài chính, tiền tệ toàn cầu cũng như của Việt Nam. Đặc biệt, xung đột tại Ukraine có thể kéo dài hay mới đây là ở khu vực biển Đông sẽ không chỉ ảnh hưởng đến giá xăng dầu, chi phí vận tải, logistics, chuỗi cung ứng sản xuất, tiêu dùng, mà còn tiềm ẩn rủi ro đến ổn định chính trị khu vực, toàn cầu; nguy cơ khủng hoảng an ninh năng lượng, lương thực.
Sự dịch chuyển chuỗi cung ứng, xu hướng thị trường theo hướng sản xuất và tiêu dùng bền vững cũng đặt ra những thách thức cần phải đổi mới của các doanh nghiệp Việt Nam để bắt kịp xu thế, mô hình kinh doanh mới nếu không sẽ bị giảm sức cạnh tranh và bị mất cơ hội tham gia và tiến sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Trong khi đó, hiện nay, nhiều doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa nhận thức đúng vai trò và tầm quan trọng của công nghệ, chuyển đổi số, chưa làm chủ được các công nghệ lõi, công nghệ nền tảng.
Trong bối cảnh này, để hỗ trợ các doanh nghiệp chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng việc hỗ trợ doanh nghiệp trong thời gian tới cần tập trung vào 3 quan điểm chính.
Thứ nhất, hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp phát triển, coi việc tháo gỡ các rào cản, khó khăn cho doanh nghiệp là nhiệm vụ chính trị quan trọng của các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương. Trong đó, nêu cao tinh thần đồng hành, chia sẻ, sát cánh cùng cộng đồng doanh nghiệp; tập trung triển khai ngay các giải pháp nhằm tháo gỡ những vấn đề cấp bách của doanh nghiệp để khơi thông các điểm nghẽn, tạo đà phục hồi nhanh và phát triển bền vững.
Thứ hai, cần bám sát tình hình, chủ động, linh hoạt, quyết liệt, nghiêm túc triển khai thực hiện nhanh, hiệu quả, thực chất toàn diện các chính sách, giải pháp nhằm giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, đồng thời chống suy giảm đà phục hồi, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; tạo môi trường ổn định, thuận lợi cho các doanh nghiệp yên tâm đầu tư sản xuất kinh doanh.
Thứ ba, chủ động xây dựng chính sách và chuẩn bị các nguồn lực cần thiết triển khai các giải pháp dài hạn hỗ trợ doanh nghiệp chủ động thích ứng với các biến động trong tương lai, đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, đón đầu các xu hướng kinh doanh mới, xu hướng thị trường mới để có thể vươn lên, bắt kịp và tiến cùng với thế giới”.
“Ngân hàng Nhà nước và ngành ngân hàng nói chung rất chia sẻ với khó khăn của doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp trong thời gian qua bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Trong suốt giai đoạn 2020 – 2021, từ nguồn lực của chính hệ thống, ngành ngân hàng đã có chính sách miễn, giảm lãi suất, phí cho doanh nghiệp với tổng số tiền khoảng 50.000 tỷ đồng.
Mặt khác, thông qua chính sách cho phép các tổ chức tín dụng cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ, nhiều doanh nghiệp vẫn có thể tiếp tục vay vốn, qua đó đảm bảo dòng tiền để thực hiện hoạt động sản xuất kinh doanh.
Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp. Tuy nhiên, chúng tôi cũng cảm nhận áp lực từ nhiều phía.
Ví dụ, đối với vấn đề lãi suất, doanh nghiệp muốn giảm nhưng người dân gửi tiền lại muốn tăng. Đặc biệt trong bối cảnh lạm phát như hiện nay, ngân hàng cũng khó thể giảm lãi suất do việc này khiến giá trị VND rẻ hơn, gây ra tình trạng găm giữ ngoại tệ.
Đối với vấn đề tỷ giá, có doanh nghiệp xuất khẩu đề nghị phá giá VND. Trong khi đó, do Việt Nam có độ mở nền kinh tế lớn, nguyên vật liệu phục vụ sản xuất trong nước phụ thuộc nhiều vào nguồn nhập khẩu từ nước ngoài, nên các doanh nghiệp nhập khẩu lại phản ánh nếu VND phá giá thì làm cho họ bị thiệt hại. Thực tế, trong lịch sử, khi VND giảm giá 9,2% thì hàng loạt doanh nghiệp phải phân bổ, điều chỉnh tỷ giá trong nhiều năm.
Đối với vấn đề về tín dụng, có ý kiến muốn tháo gỡ cho thị trường bất động sản, song các doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh cũng đang chờ vốn vay ngân hàng. Thậm chí, có ý kiến đề nghị nới chỉ tiêu chung lên 15-16%, nhưng tỷ lệ tín dụng/GDP của Việt Nam đã ở mức 124%, thuộc hàng cao nhất thế giới. Ngoài ra, khi đầu tư công tăng tốc, áp lực lạm phát chắc chắn nặng thêm. Do đó, trước mắt Ngân hàng Nhà nước vẫn điều hành chính sách tiền tệ trên cơ sở tăng trưởng tín dụng cả năm ở mức 14%.
Từ góc độ như vậy, Ngân hàng Nhà nước với vai trò là ngân hàng Trung ương điều hành chính sách tiền tệ sẽ điều hành làm sao để kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định thị trường ngoại hối, đồng thời giữ đảm bảo an toàn hoạt động cho các tổ chức tín dụng”.
“Tại hội nghị này, Thủ tướng đặt ra vấn đề chủ động thích ứng như thế nào? Các doanh nghiệp đã nói về những cách thức tháo gỡ khó khăn, vướng mắc như đứt gãy chuỗi giá trị, hay vấn đề cạnh tranh, độc lập, tự chủ, khủng hoảng năng lượng, phụ thuộc về nguyên liệu sản xuất… vấn đề biến đổi khí hậu cũng là thách thức lớn. Đằng sau những thách thức, doanh nghiệp cũng tìm thấy cơ hội để thích ứng, phát triển.
Theo tôi, phải tập trung xác định đúng và trúng vấn đề ưu tiên, việc triển khai phải dựa trên Nghị quyết của Đảng, các nghị quyết của Quốc hội, các chiến lược quy hoạch.
Vậy vượt qua thách thức thế nào thì cần phải tính toán kỹ, quan trọng nhất là phải chủ động nắm bắt, làm chủ được các công đoạn, nâng cao chất lượng và hiệu quả kinh tế. Mỗi ngành, lĩnh vực có tính chất riêng, tiêu chuẩn riêng, nhất là liên quan đến chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn để tạo ra giá trị mới.
Về môi trường, nếu theo các FTA, các công ước tham gia và Luật Bảo vệ môi trường 2020, vấn đề đặt ra là làm sao chúng ta hài hòa được hệ thống tiêu chuẩn, tiêu chí để tham gia thương mại toàn cầu, vượt qua các hàng rào thương mại.
Bộ Tài nguyên và Môi trường luôn đồng hành với doanh nghiệp nhưng có một vấn đề cần lưu ý. Đó là nếu chúng ta không có được tiêu chuẩn, quy chuẩn phù hợp với các thị trường khác về môi trường thì sẽ khó khăn và phát sinh các hàng rào như về biến đổi khí hậu và một số vấn đề khác nữa.
Tôi muốn nhấn mạnh môi trường Việt Nam, chất lượng sản phẩm về môi trường của Việt Nam phải hài hòa với các thị trường chúng ta trao đổi, làm ăn. Nếu có vướng mắc từ phía Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ sẵn sàng đối thoại cùng doanh nghiệp và tiếp thu, sửa đổi. Tương tự các vấn đề quan trọng khác như đất đai cũng làm việc trên tinh thần cầu thị, mạnh mẽ, kiên định như vậy”.
“Thế giới quay cuồng đối phó với dịch bệnh, khủng hoảng dẫn đến gãy nguồn cung, lạm phát giá cả tăng cao, chính trị-xã hội bất ổn. Trong khi ở Việt Nam chúng ta dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, chúng ta duy trì tốt các chuỗi cung ứng, giá cả cơ bản ổn định, kinh tế tiếp tục có những bước tăng trưởng, ngân sách thu cao, xuất nhập khẩu các tháng đầu năm được 450 tỷ USD. Năm nay khả năng cao sẽ là 1 trong 10 nước có cán cân thương mại tốt nhất thế giới.
Để thực hiện nhiệm vụ Chính phủ giao, thời gian tới chúng tôi cùng với các bộ, ngành tập trung vào một số giải pháp để tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp như sau: hoàn thiện các cơ chế, chính sách trong lĩnh vực năng lượng, nghiên cứu sửa đổi cơ cấu biểu giá bán lẻ điện, đề xuất phương án tính giá điện đối với các cơ sở lưu trú du lịch bằng với giá điện sản xuất; hoàn thiện trình Chính phủ phê duyệt các Chiến lược than, năng lượng…; tổ chức thực hiện tốt Chiến lược phát triển dệt may, da giày sau khi được Chính phủ phê duyệt.
Phối hợp với các bộ, ngành tạo thuận lợi hóa trong các thủ tục hành chính cho doanh nghiệp, đẩy nhanh các thủ tục hoàn thuế VAT, thủ tục thông quan xuất nhập khẩu, cấp chứng nhận CO… thông qua việc ứng dụng số hóa nhằm tiết kiệm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp.
Bảo đảm các điều kiện sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp: tiếp tục thực hiện các giải pháp ổn định sản xuất, bảo đảm các cân đối lớn, cung cầu các hàng hóa cơ bản, thiết yếu như: xăng dầu, phân bón, điện, than… với giá cả phù hợp hỗ trợ phát triển của doanh nghiệp. Theo dõi sát diễn biến giá xăng dầu, phối hợp với Bộ Tài chính điều hành giá phù hợp.
Hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc tìm kiếm nguồn cung nguyên vật liệu thay thế với giá cả phù hợp để đảm bảo đủ nguyên, nhiên, vật liệu phục vụ cho sản xuất. Tổ chức mạnh mẽ việc kết nối các doanh nghiệp trong nước tham gia vào chuỗi giá trị của doanh nghiệp FDI và các tập đoàn đa quốc gia.
Tập trung hỗ trợ doanh nghiệp khai thác tốt các FTA đã ký kết để tăng tốc sản xuất, xuất khẩu và đẩy mạnh tiêu thụ trong nước. Hướng dẫn các doanh nghiệp chủ động tận dụng cơ hội khi nhu cầu thế giới đang tăng đối với các sản phẩm, hàng hóa Việt Nam có thế mạnh, nhất là mặt hàng nông sản và lương thực để đẩy mạnh xuất khẩu.
Phối hợp với các địa phương và doanh nghiệp trong lĩnh vực phân phối, logistics tập trung khai thác tốt thị trường nội địa vẫn còn dư địa gia tăng, là trụ đỡ trong bối cảnh thị trường nước ngoài đang có xu hướng bị thu hẹp do nhu cầu giảm. Hỗ trợ các doanh nghiệp ứng dụng số hóa, thương mại điện tử trong xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường, tiêu thụ sản phẩm.
Chú trọng công tác cung cấp thông tin, thị trường, giá cả, sự thay đổi các chính sách của các nước nhập khẩu để doanh nghiệp nắm thông tin chủ động, linh hoạt trong sản xuất, kinh doanh. Hỗ trợ đẩy mạnh số hóa hoạt động của doanh nghiệp, góp phần tiết giảm thời gian, chi phí.
Bộ Công Thương đề nghị Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch Điện VIII; phê duyệt cơ chế xác định giá bán điện gió, điện mặt trời đối với các dự án chuyển tiếp trên cơ sở tiến hành đàm phán giá điện, hợp đồng mua bán điện với EVN trong khung giá phát điện và hướng dẫn do Bộ Công Thương ban hành; đề nghị Thủ tướng Chính phủ có quyết định bãi bỏ Quyết định 13/2020/QĐ-TTg về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời và Quyết định số 37, 39 về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện gió; ban hành Quyết định thí điểm cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện từ năng lượng tái tạo với khách hàng sử dụng điện lớn để giúp cho các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp FDI đang mong muốn điều này; phê duyệt đề án nâng mức dự trữ quốc gia về xăng dầu; phê duyệt chiến lược dệt may, da giày và đặc biệt là phê duyệt Nghị định về chức năng, nhiệm vụ của Bộ Công Thương.
Đối với các địa phương, Bộ Công Thương đề nghị phối hợp với Bộ trong việc duy trì các chuỗi cung ứng để kiểm soát các loại giá. Giá xăng dầu đã được kiểm soát xuống, các loại giá khác không kiểm soát xuống theo được thì không ổn. Một mình Bộ Công Thương không làm được, đề nghị các địa phương cùng phối hợp.
Tiếp theo là việc phối hợp xuất khẩu chính ngạch do Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã trình Thủ tướng, đề nghị các bộ, ngành, địa phương có liên quan đồng lòng triển khai thực hiện.
Cuối cùng, đề nghị các địa phương giao cho các sở, ngành chức năng, đặc biệt là Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hàng tháng giao ban trực tuyến với thương vụ Việt Nam trên toàn thế giới để tiếp cận thị trường, khai thác đúng thị trường”.
“Sau các đợt dịch Covid-19 bùng phát, doanh nghiệp xây dựng Việt Nam hầu hết đều đẩy nhanh tốc độ sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, phần lớn doanh nghiệp trong ngành xây dựng dự kiến chỉ đạt 80-90% kế hoạch đặt ra về doanh thu và sản lượng. Nhưng điều đáng lo ngại là dòng tiền và hiệu quả kinh doanh sụt giảm mạnh vì chi phí lớn. Ngành xây dựng đối mặt với nhiều vướng mắc chính mong muốn được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tháo gỡ, trong đó có vấn đề nợ đọng xây dựng.
Doanh nghiệp xây dựng Việt Nam phần lớn là doanh nghiệp nhỏ và vừa, quy mô vốn dao động dưới 100 tỷ đồng. Nhóm doanh nghiệp lớn cũng chỉ phổ biến quy mô vốn từ 500-1.000 tỷ đồng. Chưa đến 10 doanh nghiệp có vốn trên 1.000 tỷ đồng. Trong khi đó, nợ đọng không thanh toán được khá phổ biến ở tất cả các doanh nghiệp.
Các tổng công ty, tập đoàn xây dựng hầu hết đều có nợ đọng từ vài trăm đến vài nghìn tỷ đồng, trong khi vốn eo hẹp phải vay ngân hàng để trang trải thi công với lãi suất thông thường khoảng 9-10%/năm, nên có những tập đoàn một quý năm 2022 đạt doanh thu đến 3.000 tỷ đồng nhưng hiệu quả chỉ đạt xấp xỉ 10 tỷ đồng.
Chính vì những khoản nợ đọng này nên các doanh nghiệp xây dựng, đặc biệt các doanh nghiệp nhỏ và vừa, đứng trước nguy cơ phá sản nếu không thu hồi được nợ.
Do đó, chúng tôi đề xuất, đối với nợ công trình vốn đầu tư công, đề nghị Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính rà soát lại các chủ đầu tư vốn ngân sách để thống kê chính xác số lượng nợ tồn xây dựng trong các năm trước, báo cáo Thủ tướng phương án cắt hết các nợ dồn toa để giải quyết dứt điểm cho các nhà thầu.
Đối với nợ vốn đầu tư ngoài ngân sách, đề nghị Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Xây dựng nghiên cứu chế tài yêu cầu chủ đầu tư phải có bảo lãnh thanh toán của ngân hàng cho 20% vốn thanh toán cuối dự án, khi dự án kết thúc để đảm bảo sự bình đẳng cho các nhà thầu với chủ đầu tư. Trước mắt, có chế tài cụ thể để cơ quan chức năng giải quyết cho các khoản nợ đọng, kể cả biện pháp công bố tình trạng chây ỳ thanh toán của một số chủ đầu tư”.
“Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa đưa ra 7 kiến nghị nhằm tháo gỡ khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Thứ nhất, thực hiện việc cấp bù lãi suất để thúc đẩy các ngân hàng mở rộng quy mô vốn vay cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, đặc biệt chú trọng các khoản vay tín dụng xuất khẩu, nông nghiệp nông thôn, đổi mới sáng tạo, công nghiệp phụ trợ, chế biến chế tạo, chuỗi liên kết…
Thứ hai, kéo dài chính sách hỗ trợ về tài chính, thuế đến hết năm 2023. Đồng thời, cải cách trình tự, thủ tục thuế, chế độ kế toán cho doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ theo hướng đơn giản, tạo thuận lợi, qua đó hỗ trợ kịp thời doanh nghiệp trước áp lực về giá, chi phí sản xuất, sinh hoạt tăng cao.
Thứ ba, nhanh chóng ban hành chính sách hỗ trợ mua bán trực tuyến dành riêng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa và 5,2 triệu hộ kinh doanh nhằm hỗ trợ đối tượng này thích ứng với sự thay đổi mạnh mẽ, nhanh chóng từ giao dịch mua, bán hàng hóa trực tiếp sang online, giúp họ tồn tại và phát triển.
Đây được cân nhắc như một giải pháp đặc biệt, bởi phần lớn doanh nghiệp siêu nhỏ và tiểu thương được xác định là công cụ thoát nghèo gắn chặt với vấn đề an sinh xã hội.
Thứ tư, thực hiện hỗ trợ qua hình thức mua sắm công đối với gói thầu xây dựng dưới 5 tỷ đồng và mua sắm hàng hóa dịch vụ dưới 3 tỷ đồng sử dụng ngân sách phải dành cho các nhà thầu là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ.
Đối với những gói thầu đòi hỏi năng lực khoa học, công nghệ quá cao hoặc giá gói thầu xây dựng trên 5 tỷ đồng và mua sắm hàng hóa dịch vụ trên 3 tỷ đồng, thì ưu tiên các nhà thầu có sử dụng nhà thầu phụ là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ.
Thứ năm, triển khai nhanh chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp đổi mới sáng tạo theo quy định. Nếu được hỗ trợ đầy đủ, khu vực này sẽ khởi nguồn cho đổi mới sáng tạo trong kinh doanh, cũng chính là phương án khả thi nhất cho Việt Nam có thể đưa ra các kết quả nghiên cứu khoa học, công nghệ từ các viện, trường vào thực tế.
Thứ sáu, tạo cơ chế thuận lợi để khuyến khích các nhà đầu tư tư nhân trong nước mạnh dạn đầu tư thành lập các khu, cụm vườn ươm tạo doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ để cung cấp các dịch vụ hỗ trợ kỹ thuật cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Thứ bảy, tiếp tục đẩy mạnh việc triển khai thực hiện Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trên hai phương diện ban hành chính sách pháp luật và thực thi”.
“Vừa qua, khi khủng hoảng về giá cước vận tải biển xảy ra, tăng đến 5-7 lần nhưng lợi nhuận phần lớn rơi vào “túi” các hãng tàu lớn của nước ngoài, đội tàu biển Việt Nam chưa được hưởng lợi nhiều. Cùng với đó, thời gian tới, Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh phát triển hệ thống cảng biển bên cạnh các khu kinh tế lớn, do đó, để tận dụng tối đa sức mạnh và hệ sinh thái, việc hỗ trợ phát triển đội tàu biển, trong đó có đội tàu container và cảng biển mang thương hiệu Việt Nam là hết sức cần thiết.
Hiện nay, ngoài cơ chế hỗ trợ đã được Chính phủ, bộ ngành quan tâm, chúng tôi cho rằng để phát triển đội tàu cần hoàn thiện chính sách về mua sắm, đấu thầu. Việt Nam hiện là nước nhập khẩu lớn một số mặt hàng như than, từ 40-70 triệu tấn/năm, hay xuất khẩu clinker, xi măng trên 25 triệu tấn/năm. Tuy nhiên, đội tàu Việt Nam còn khá nhỏ bé so với đội tàu thế giới nên khó cạnh tranh với đội tàu thế hệ mới của các đối tác nước ngoài khi đấu thầu. Do vậy, rất cần cơ chế dành quyền vận tải cho 20-30% sản lượng xuất, nhập khẩu một số mặt hàng cho đội tàu Việt Nam, trên cơ sở giá thắng thầu. Nhiều quốc gia như Indonesia, Philippines đều áp dụng cơ chế này.
Vận tải đường biển xuyên biên giới với hai nước làng giềng là Lào và Campuchia cũng rất quan trọng. Hiện nay, các hãng vận tải khi sang Lào cần phải được một đại lý bên Lào chỉ định, sẽ làm tăng thêm chi phí. Do đó, Chính phủ và các bộ, ngành cần lưu tâm và tháo gỡ khó khăn này.
Để nền kinh tế phục hồi nhanh và phát triển bền vững, Chính phủ và các bộ, ngành tập trung vào hai vấn đề:
Thứ nhất, đẩy mạnh vận tải, phát triển chuỗi cung cứng vận tải, các thương hiệu vận tải.
Thứ hai, tăng tính kết nối dựa trên các nền tảng trung tâm logistics lớn, kết nối các hệ sinh thái của Việt Nam, đặc biệt hệ thống cảng biển quốc gia.
Ngoài ra, cần duy trì và đảm bảo giá xăng dầu ổn định như hiện nay, ít nhất cho tới quý 2/2023, tháo gỡ phần nào khó khăn cho doanh nghiệp. Thời gian tới, rất mong Chính phủ tiếp tục chỉ đạo sát sao, linh hoạt, phù hợp và chuẩn bị nhiều phương án khi phát sinh những vấn đề mới, trong bối cảnh mới”.
“Thời gian qua, doanh nghiệp bất động sản rất lo lắng nhưng Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã có những thông điệp rất kịp thời, như: không hình sự hóa các quan hệ dân sự kinh tế.
Thủ tướng đã truyền cảm hứng cho các doanh nghiệp với thông điệp: lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ, để bảo đảm hài hòa lợi ích của người dân và doanh nghiệp, không hy sinh tiến bộ công bằng, xã hội để chạy theo lợi ích.
Đó là liều thuốc tinh thần đối với doanh nghiệp, trong đó có cộng đồng doanh nghiệp bất động sản. Đối với thị trường bất động sản, cuối năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2022 đã thích ứng và từng bước phục hồi trở lại. Tuy nhiên, cũng chỉ bằng 44% so với năm 2017 là năm đỉnh cao. Bên cạnh đó, thị trường bất động sản đang có dấu hiện đáng lo ngại là tình trạng lệch pha cung cầu, rất thiếu nguồn cung nhà ở, nhất là nhà ở bình dân, nhà ở xã hội, nhà dành cho công nhân, người lao động. Tình trạng lệch pha về cung cầu và lệch pha về cung ứng thị trường dẫn đến giá nhà tăng liên tục trong 5 năm vừa qua.
Hiện nay, thị trường bất động sản có dấu hiệu phát triển chậm lại, trầm lắng, doanh nghiệp có dấu hiệu hụt hơi, giảm thanh khoản, khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng, nguồn vốn trái phiếu. Do vậy Hiệp hội Bất động sản kiến nghị một số giải pháp.
Thứ nhất, thực hiện phổ biến phương thức đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất công khai, minh bạch.
Thứ hai, đề nghị Chính phủ xem xét chấp thuận ý kiến của Ủy ban Nhân dân TP.HCM về việc áp dụng phương pháp sớm điều chỉnh biến động giá đất để tính tiền sử dụng đất đối với tất cả các dự án nhà ở thương mại, kể cả những dự án trên 30 tỷ đồng theo bảng giá đất.
Thứ ba, đề nghị thực hiện cơ chế hoán đổi các diện tích đất công nằm xen kẽ trong dự án nhà ở thương mại.
Thứ tư, đề nghị Ngân hàng Nhà nước thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng về việc không siết chặt tín dụng một cách bất hợp lý nhưng bảo đảm tăng cường giám sát, không buông lỏng thị trường nhà đất, để tiếp cận được tín dụng một cách thuận lợi hơn.
Thứ năm, đề nghị Bộ Tài chính sửa đổi Nghị định 153/2020/NĐ-CP để chấn chỉnh lại hoạt động phát hành trái phiếu để thị trường minh bạch, an toàn.
Thứ sáu, đề nghị sửa đổi Khoản 1, Điều 23, Luật Nhà ở để bổ sung thêm trường hợp nhà đầu tư có quyền sử dụng đất khác không phải là đất ở phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch sử dụng đô thị nhà ở”.