Tư duy mới để tìm kiếm cơ hội phát triển mới
Năm 2006, khi chỉ mới ra mắt thị trường dịch vụ di động nội địa 2 năm, Viettel đã đặt những viên gạch đầu tiên trên con đường “go global” với điểm đến đầu tiên là Campuchia. Metfone chỉ mất 2 năm để từ vị trí thứ 8 vươn lên số 1 Campuchia, với 46% thị phần di động, 60% thị phần cố định băng rộng.
Màn “xuất quân” ngoạn mục tại Campuchia đã khởi nguồn cho một hành trình đặt dấu chân đến khắp Đông Nam Á và cả những lục địa xa xôi Mỹ - Phi. Tính đến cuối năm 2022, công ty có 58,7 triệu thuê bao và đứng top 1 về thuê bao trên 5/9 thị trường bao gồm Myanmar, Campuchia, Lào, Đông Timor, Burundi.
Việc thành công từ những khoản đầu tư vào thị trường nước ngoài trong suốt những năm qua của Viettel Global chính là một trong rất nhiều câu chuyện để kể về các doanh nghiệp đang mạnh mẽ khai phá mảnh đất mới, mở ra thêm nữa những không gian tăng trưởng.
Là “vua thép’’ tại Việt Nam, nhưng năm 2021, Hòa Phát đã không dừng lại ở “chiến thắng” đó mà xác định bất động sản sẽ là ngành kinh tế chủ lực tiếp nối. Hoà Phát đã lập CTCP Phát triển Bất động sản Hoà Phát với vốn điều lệ 2.000 tỷ. Thị trường sau đó đã liên tục chứng kiến cuộc đua săn quỹ đất của doanh nghiệp này với loạt dự án từ khu đô thị đến khu công nghiệp trải dài từ Bắc vào Nam.
Tương tự, 6 năm trước, khi các chuỗi dược vẫn còn bát nháo, sơ khai, một đơn vị bán lẻ là FPT Retail đã nhạy bén thấy cơ hội để khai phá miếng bánh màu mỡ này, để hiện có một chuỗi nhà thuốc Long Châu phủ sóng mạnh mẽ.
Tháng 11/2022, Long Châu cán mốc 1.000 nhà thuốc, đuổi kịp “đàn anh” Pharmacity. FPT Retail khẳng định “Long Châu là nhà thuốc có số cửa hàng lớn nhất Việt Nam tính đến hiện tại”. Giai đoạn 2019-2022, quy mô của Long Châu tăng gấp đôi mỗi năm, doanh thu tương ứng tăng quân bình 170%/năm.
Với ngành dược, không chỉ có những tên tuổi đứng ngoài mới nhìn thấy tiềm năng để lấn sân, mà cả những doanh nghiệp ngay từ đầu lựa chọn sứ mệnh phụng sự sức khoẻ của người tiêu dùng cũng không ngừng tìm hướng mới.
Sau 50 năm, bất chấp nhiều đối thủ “sinh sau đẻ muộn”, Traphaco vẫn giữ vị thế một trong số những công ty dược phẩm hàng đầu Việt Nam. Khi thị trường ngày càng nóng, năm 2021, Traphaco quyết định tái cấu trúc, tách mảng kinh doanh Đông dược và Tân dược. Đây là một bước ngoặt chiến lược để tăng cạnh tranh, thích ứng với những thay đổi nhằm hiện thực hóa mục tiêu "Giữ vững vị thế số 1 Đông dược - đầu tư phát triển Tân dược chất lượng cao.
Năm 2017, Traphaco đã khánh thành Nhà máy sản xuất thuốc tân dược hiện đại hàng đầu Việt Nam tại tỉnh Hưng Yên. Nhà máy được xây dựng trên diện tích 46.288 m2 với tổng vốn 477 tỷ đồng, gồm 3 phân xưởng và 5 dây chuyền sản xuất.
Với một bước đi táo bạo, Traphaco kỳ vọng, nhóm sản phẩm tân dược sẽ tạo ra những bước đột phá về doanh thu, đảm bảo hiện thực hóa tốc độ tăng trưởng kép 13,3% về doanh thu và 15% về lợi nhuận trước thuế trong 5 năm tới.
Với lực đẩy kép từ Đông dược và Tân dược, Traphaco dự kiến nhận chuyển giao công nghệ, sản xuất gia công ít nhất 100 sản phẩm mới, đem lại doanh thu ước tính 25 triệu USD. Trong đó, Tập đoàn dược phẩm Daewoong (cổ đông lớn của Traphaco) sẽ là đối tác chiến lược với kế hoạch chuyển giao ít nhất 70 sản phẩm thuốc tân dược đến năm 2025.
Công nghệ làm nên “cú lột xác” của doanh nghiệp 50 năm tuổi
Có thể nói, thành quả của hành trình khai phá những không gian tăng trưởng mới đã thể hiện tinh thần vươn lên và sự nhạy bén của đội ngũ Traphaco, Viettel Global, FPT Retail hay cả Hoà Phát… Nhưng để có được “trái ngọt”, sức sáng tạo, ý chí tìm tòi là chưa đủ, doanh nghiệp cần phải có khả năng quản trị cũng như ứng dụng công nghệ.
Traphaco đã chủ động đầu tư công nghệ dược phẩm hiện đại theo tiêu chuẩn quốc tế, tạo lợi thế dẫn đầu về Pharma 4.0 (công nghiệp dược trong cách mạng công nghiệp 4.0) tại Việt Nam. Đây chính là xu hướng mới trong các công ty dược phẩm hiện nay. Với công nghệ hiện đại, quá trình sản xuất sẽ được số hóa, được kiểm soát và đánh giá liên lục.
Với mục tiêu tiên phong trong xu hướng Pharma 4.0, Traphaco không ngừng tiếp cận và áp dụng những công nghệ tân tiến như: hệ thống ERP, phầm mềm BI và công nghệ DMS để giải quyết toàn diện những thách thức đặc thù trong ngành dược. Nhờ ứng dụng công nghệ trong quản trị hệ thống phân phối, công ty có thể tối ưu nhu cầu thị trường cũng như gia tăng giá trị và năng lực cốt lõi.
Với việc ứng dụng CNTT trong quản lý và vận hành sản xuất, nhà máy của Traphaco được đồng bộ và tự động hóa hoàn toàn cho các dây chuyền như: dây chuyền thuốc nhỏ mắt - mũi công nghệ kín hiện đại hàng đầu ngành dược, dây chuyền thuốc viên với hệ thống thiết bị công nghệ tự động, liên hoàn được vận hành nhờ cánh tay robot đạt chuẩn châu Âu.
Các dây chuyền thuốc nước, siro công suất lớn hoàn toàn đồng bộ và kết nối tự động. Dựa trên nguyên tắc “No touch, No dust” trong sản xuất (không có tác động con người không sinh bụi), toàn bộ dây chuyền hạn chế đến mức thấp nhất sự can thiệp của con người vào sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm.
Tiếp tục con đường khai phá cộng hưởng với sức mạnh công nghệ, để đạt được các mục tiêu đề ra trong năm 2023, Traphaco lựa chọn thông điệp của năm là “Tốc độ và số hóa, kết nối để thành công”.