Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp
Trước đó, triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khoá, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 15/2022/NĐ-CP về việc giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng xuống còn 8%, áp dụng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất thuế giá trị gia tăng 10%, áp dụng từ ngày 1/2/2022 đến hết 31/12/2022. Nghị định được kỳ vọng là một chính sách hỗ trợ thiết thực cho cả doanh nghiệp và người dân.
Thực tế, chính sách giảm thuế giá trị gia tăng là chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với người dân do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Và không thể phủ nhận rằng chính sách này sẽ giúp đỡ các doanh nghiệp, người dân giảm bớt một phần khó khăn về kinh tế và đồng thời cũng tạo đà phục hồi trước ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, Nghị định đang cận kề ngày hết hiệu lực, trong khi hàng loạt những khó khăn thách thức vẫn đang bủa vây doanh nghiệp.
Bà Phạm Thị Ngọc Thủy, Giám đốc điều hành Văn phòng Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV), cho biết: “Không chỉ thiếu đơn hàng, các doanh nghiệp hiện giờ đang phải đối mặt với khó khăn chưa từng có trong hoạt động sản xuất kinh doanh do thiếu vốn. Vấn đề càng trở nên nghiêm trọng do dòng tiền của các doanh nghiệp đã cạn kiệt sau hơn 2 năm dịch bệnh, ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng phục hồi và phát triển bền vững của doanh nghiệp”.
TS.Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia cho hay, việc Việt Nam đưa ra các chính sách hồi phục, phát triển kinh tế được thế giới đánh giá cao trong đó có các chính sách về giãn, hoãn, giảm thuế. Dự đoán tình hình thế giới, trong nước sẽ còn nhiều khó khăn trong năm 2023, TS.Cấn Văn Lực đề xuất nên tiếp tục giãn, hoãn, giảm thuế, phí để hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp hồi phục và phát triển.
“Mong mỏi của doanh nghiệp, các hiệp hội là thực thi chính sách tốt hơn nữa. Bởi lẽ năm 2023 sẽ khó khăn hơn. Thế giới sẽ khó khăn, các nước rơi vào suy thoái do lãi suất và khủng hoảng năng lượng. Điều đó khiến thị trường xuất khẩu thu hẹp và thu hút FDI cũng sẽ khó khăn. Trong bối cảnh kinh tế thế giới như vậy, cần triển khai nhanh và quyết liệt hơn các gói hỗ trợ. Trong đó, chính sách tài khóa tiếp tục là chủ lực, cần phải tính toán xem liệu có tiếp tục giảm thuế phí nữa hay không? Việc đó cần được bàn từ bây giờ vì nếu để muộn sẽ phê duyệt muộn gây khó khăn cho doanh nghiệp” – TS.Cấn Văn Lực nêu.
Theo đó, TS.Cấn Văn Lực đề xuất, nên tiếp tục đề xuất giãn, hoãn, giảm một số khoản thuế, phí. Bởi số lượng doanh nghiệp tạm thời đóng cửa từ đầu năm đến nay vẫn tăng cao. Điều này cho thấy một bộ phận doanh nghiệp của chúng ta vẫn đang rất khó khăn. Đồng thời, phải phối hợp thật tốt giữa chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ, giá cả đề ổn định kinh tế vĩ mô.
Đồng quan điểm, bà Phạm Thị Ngọc Thủy cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ cần sớm tháo gỡ khẩn cấp các khó khăn cho doanh nghiệp tiếp tục phục hồi và phát triển. Theo đó, Ban IV đề nghị Chính phủ tập trung, để hỗ trợ nỗ lực phục hồi của doanh nghiệp, đặc biệt với các doanh nghiệp tư nhân trong nước trong bối cảnh doanh nghiệp đối diện với khó khăn rất lớn về dòng tiền, đề xuất Chính phủ xem xét kéo dài tới hết năm 2023 một số chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đã phát huy hiệu quả thiết thực trong giai đoạn đại dịch Covid-19.
Tiếp tục gia hạn chính sách thuế VAT 2%
Để giải bài toán “khó” hiện nay cho doanh nghiệp, một trong những giải pháp tác động nhanh và trực tiếp tới doanh nghiệp và người tiêu dùng được nhiều hiệp hội đề cập là cần tiếp tục phát huy hiệu quả từ chính sách giảm thuế VAT 2%. Cụ thể, Hiệp hội Lương thực thực phẩm TP. Hồ Chí Minh (FFA) vừa có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc xem xét gia hạn chính sách giảm thuế VAT 2% đến 31/12/2023.
Theo FFA chỉ ra, tình hình kinh tế Việt Nam năm 2023 sẽ có thuận lợi, khó khăn, thách thức đan xen nhưng khó khăn nhiều hơn. Đặc biệt, những tháng cuối năm 2022 xuất hiện nhiều yếu tố bất lợi khi áp lực lãi suất tăng nhanh; thanh khoản hệ thống ngân hàng trở nên căng thẳng. Các thị trường trái phiếu, chứng khoán, bất động sản bộc lộ nhiều rủi ro; Giá nguyên liệu và chi phí vận chuyển tăng cao; nhiều doanh nghiệp bị cắt giảm đơn hàng. Trước tình hình đó, doanh nghiệp không thể tiếp tục đà phục hồi nếu không có sự hỗ trợ của Chính phủ, Bộ Tài chính.
Thứ hai, chính sách hỗ trợ lãi suất 2% từ nguồn ngân sách Nhà nước 40.000 tỉ đồng đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh sau nhiều tháng triển khai chỉ mới hỗ trợ được số tiền rất nhỏ. Bên cạnh đó, việc giải ngân gói hỗ trợ 350.000 tỉ đồng cho Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội cũng không được như kỳ vọng vì nhiều lý do. Do đó, việc gia hạn chính sách giảm thuế VAT 2% tiếp thêm động lực giúp doanh nghiệp lương thực thực phẩm giải bài toán khó hiện nay một cách thiết thực nhất.
Tương tự Hiệp hội Bia rượu nước giải khát Việt Nam (VBA) cũng có công văn gửi Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài chính tiếp tục gia hạn chính sách giảm VAT 2% tới năm 2023. Theo VBA, năm 2022 khi dịch bệnh đã dần được kiểm soát cùng với đó là chính sách hỗ trợ mạnh mẽ từ Chính phủ gồm chính sách giảm thuế VAT, các doanh nghiệp trong ngành đã cho thấy những dấu hiệu phục hồi tích cực. Tuy nhiên, những tín hiệu tích cực về phục hồi mới chỉ là những dấu hiệu bước đầu.
Theo đó, chính sách giảm thuế VAT được coi là một biện pháp trợ lực tài chính mạnh mẽ của Chính phủ đối với nền kinh tế và có thể tạo động lực tốt cho sự phục hồi của doanh nghiệp, khuyến khích tiêu dùng. Do đó, VBA đề xuất Chính phủ xem xét kéo dài thời gian triển khai chính sách giảm 2% thuế VAT đến hết 31/12/2023 và có thể xem xét áp dụng đối với tất cả các doanh nghiệp.
Báo cáo Chính phủ về tình hình xây dựng, thực hiện dự toán ngân sách Nhà nước năm 2022 và năm 2023 mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng, năm 2023, dự báo còn rất nhiều khó khăn, thách thức, sức ép lạm phát cao, tỷ giá, lãi suất tăng cao; giá nhiều yếu tố đầu vào, chi phí sản xuất kinh doanh biến động mạnh… Trong khi cần tiếp tục giãn, giảm thuế, phí, lệ phí để hỗ trợ doanh nghiệp. Tuy nhiên, việc xây dựng dự toán thu, chi ngân sách Nhà nước năm 2023 cần thận trọng, chắc chắn, khả thi…