Cuộc khủng hoảng đa tầng đã đẩy nền kinh tế thế giới rơi vào tình trạng suy giảm trên diện rộng. Nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, là mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Đi kèm với lợi thế đó là mức độ tổn thương và chịu tác động cũng rất lớn.
Các khu vực doanh nghiệp đang tìm mọi cách để duy trì hoạt động, đảm bảo công ăn việc làm cho người lao động, cố gắng vượt qua khó khăn với sự kiên định và niềm tin - thị trường sẽ dần tốt lên.
Ông Trịnh Đức Kiên, Phó Giám đốc Công ty TNHH Kẻ Gỗ, cho biết hiện sức mua của tại thị trường lớn giảm sâu, người dân thắt chặt chi tiêu, những sản phẩm không thiết yếu như đồ gỗ thường bị hạn chế mua sắm. Công ty Kẻ Gỗ đã chuyển đổi từ gỗ ván ép sang làm dao thìa dĩa gỗ. Tuy nhiên số đơn hàng cũng chưa được như kỳ vọng. Doanh nghiệp đang hy vọng đến cuối năm, khi các quy định cấm đồ nhựa dùng một lần chính thức có hiệu lực, đơn hàng sẽ nhiều hơn.
Theo đánh giá của một số chuyên gia quốc tế, chi phí sản xuất của doanh nghiệp Việt Nam cao và chi phí cho người lao động cũng đang cao. Mặc dù lương người lao động thực tế không được tăng lên bao nhiêu, nhưng chi phí cho người lao động từ phía doanh nghiệp chi là khá lớn.
Bà Đỗ Thị Thúy Hương, Phó chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam, Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam, thông tin: “Các doanh nghiệp hiện giờ đang phải đóng 1/3 chi phí lương là doanh nghiệp phải gánh chịu, có đến 30% đóng vào bảo hiểm xã hội, quá lớn. Đây là mức gần như cao nhất trong khu vực, chúng ta chỉ sau Trung Quốc thôi, còn các nước lân cận như Malaysia chỉ có 18%, Thái Lan 12%. Nếu như chúng ta không xem xét hạng mục này thì doanh nghiệp Việt rất kém sức cạnh tranh. Cũng có thể thấy là đơn hàng dục dịch của các ông lớn công nghệ đã chuyển sang nước lân cận, nơi mà có giá lao động rẻ hơn.”
Trước những vấn khó khăn và thách thức của các khu vực kinh tế và cộng đồng doanh nghiệp, nhiều ý kiến chuyên gia đã tiếp tục kiến nghị cần quyết liệt giảm thiểu các thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh nhằm tạo động lực cho doanh nghiệp vượt qua khó khăn.
Ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký, VCCI đề xuất: “Chúng tôi mong tiếp tục có các giải pháp mạnh mẽ, dài hạn hơn về thể chế. Những quy định pháp luật, thủ tục hành chính hiện tại cũng đang trì hoãn, đang gây ra những chi phí rất lớn và giảm thiểu tính cạnh tranh của doanh nghiệp”.
Không chỉ phải nỗ lực vượt qua khó khăn chung của bối cảnh, khó khăn nội tại của doanh nghiệp, khó khăn khi hoàn thành nghĩa vụ hành chính mà với các doanh nghiệp, các ngành hàng xuất khẩu từ Việt Nam sang các thị trường lớn, đặc biệt là Châu Âu, những tiêu chuẩn, quy định mới của chuỗi cung ứng liên quan đến phát triển bền vững cũng cần phải đáp ứng ngay.
Ông Nguyễn Hải Minh Phó Chủ tịch EuroCham kiến nghị: “Hiện quy định về carbon và quy định mới về chống phá rừng đều của các quốc gia, khu vực đang thay đổi rất nhiều. Những thay đổi này ảnh hưởng đến nhiều nhóm ngành nghề của Việt Nam, kể cả dệt may, da giầy, thủy sản hay là những mặt hàng khác thế mạnh của Việt Nam. Trong thời gian tới Chính phủ cần có khung chính sách hoặc là những chương trình để hỗ trợ nâng cao năng lực hiểu biết cho các hiệp hội ngành hàng cũng như là cho doanh nghiệp Việt Nam để có thể bắt kịp được các xu thế đó”.
Với tổng cầu trong nước, mặc dù đã có sự cải thiện và tăng trưởng về chỉ số tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng. Hiệu quả của việc giải ngân vốn đầu tư công thời gian qua cũng tạo động lực tăng trưởng cho các lĩnh vực của nền kinh tế, tiêu biểu như khu vực công nghiệp, xây dựng.
Các chính sách tiền tệ kết hợp với chính sách tài khóa cũng đang thẩm thấu và phát huy tác dụng. Tuy nhiên, để cải thiện và kích thích tổng cầu trong nước cũng như tạo động lực cho hoạt động đầu tư, nhất là đầu tư tư nhân và thương mại nội địa, nửa cuối năm và năm 2024, rất cần khơi thông và phát triển thị trường bất động sản, trái phiếu.
Ông Phạm S, Phó Chủ tịch tỉnh Lâm Đồng kiến nghị: “Trước hết, rà soát lại những ngành có ảnh hưởng lớn đến tổng cầu, trong đó có thị trường bất động sản là một trong những vấn đề đặt ra kìm hãm phát triển chung, thì phải có chính sách tạo động lực cho phát triển. Cần chính sách sát hơn đặc biệt chính sách tín dụng và ngân hàng để cho thị trường bất động sản phục hồi trở lại sẽ góp phần tăng trưởng tổng cầu Việt Nam trong năm 2023”.
Trước hàng loạt những thách thức của nền kinh tế toàn cầu, của Việt Nam và thấu hiểu khó khăn của các cộng đồng doanh nghiệp, tại cuộc họp chính phủ thường kỳ tháng 6 năm 2023, nhìn lại kết quả hoạt động của nền kinh tế 6 tháng đầu năm, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chỉ đạo quyết liệt thực hiện 10 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới.
Trong đó, Thủ tướng nhấn mạnh, tập trung tháo gỡ khó khăn, khắc phục ngay tình trạng sản xuất kinh doanh trì trệ, khôi phục và tìm kiếm thị trường, đơn hàng mới; yêu cầu từng bộ, ngành, địa phương phải chủ động rà soát, có biện pháp, hành động cụ thể để hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư một cách kịp thời, thiết thực và hiệu quả.
Đây là mệnh lệnh, cũng là tinh thần đồng hành và tạo động lực cho cộng đồng doanh nghiệp - lực lượng xung kích nhất của nền kinh tế vượt qua khó khăn, chủ động ứng phó với các thách thức, kiên định và bền bỉ kiến tạo các giá trị phát triển vững bền.