Nội dung chính:
- Để hoàn thành mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công, các bộ, ngành, địa phương phải giải ngân thêm khoảng 262.000 tỷ đồng trong các tháng còn lại.
- Nhiều nhóm ngành được dự báo sẽ hưởng lợi từ việc tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công, tuy nhiên một số doanh nghiệp liên quan vẫn thiếu lạc quan về tình hình kinh doanh cuối năm.
Báo cáo gần đây của Bộ Tài chính cho thấy ước 10 tháng đầu năm, giải ngân vốn đầu tư công đạt 46% kế hoạch, tức khoảng 318.000 tỷ đồng. Trong khi đó, kế hoạch năm nay là 692.560 tỷ đồng, bao gồm 51.000 tỷ đồng vốn từ các năm trước chuyển sang.
Để hoàn thành mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công đề ra tại Nghị quyết 124 của Chính phủ (giải ngân được ít nhất 95% trên tổng kế hoạch 580.000 tỷ đồng Thủ tướng giao, 100% vốn ngân sách địa phương, tối thiểu 50% vốn Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội năm 2022), ít nhất 262.000 tỷ đồng vốn đầu tư công cần được rót vào các dự án trong các tháng còn lại của năm.
262.000 tỷ đồng tương đương với số tiền cho vay khách hàng trong 9 tháng của một số ngân hàng quy mô trung bình như SHB, LienViet Post Bank, HDBank…
Số tiền giải ngân trong các tháng cuối năm có thể sẽ là giải pháp then chốt kích thích kinh tế cũng như tác động lan tỏa đến các lĩnh vực khác trong dài hạn, theo Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV).
Nhiều dự án giao thông có thể được "rót" thêm vốn trong các tháng cuối năm.
Theo lập luận của KBSV, khi Chính phủ, các bộ ngành, địa phương tắc tốc giải ngân vốn đầu tư công, các nhóm ngành, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực vật liệu xây dựng sẽ được hưởng lợi. Trước hết là các doanh nghiệp khai thác đá xung quanh 12 dự án thành phần cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2 vừa được phê duyệt hay dự Cảng hàng không quốc tế Long Thành và một số dự án cao tốc khác…
Bên cạnh đó, nhóm xây lắp điện cũng sẽ được hưởng lợi, theo KBSV. Còn nhóm doanh nghiệp bất động sản nhà ở và bất động sản khu công nghiệp sở hữu quỹ đất nằm gần các dự án trọng điểm hay nhóm logistic, cũng nhiều khả năng được hưởng lợi gián tiếp tuy nhiên còn phụ thuộc vào việc triển khai các dự án và tiến độ bán hàng.
Doanh nghiệp không đặt nhiều kỳ vọng
Ông Nguyễn Văn Thanh, Tổng giám đốc CTCP Fecon, cho hay việc thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công trong các tháng cuối năm có thể giúp công ty được thanh toán 15-20% giá trị hợp đồng còn lại tại dự án hầm chui Lê Văn Lương, đẩy nhanh tiến độ một số dự án đang triển khai. Tuy nhiên, lãnh đạo Fecon cho rằng điều đó không đồng nghĩa với việc doanh nghiệp được hưởng lợi.
Tổng giám đốc Fecon cho biết khó khăn lớn nhất của các doanh nghiệp xây dựng khi tham gia vào dự án đầu tư công là chênh lệch giá định mức và thực tế.
“Phần lớn các dự án đầu tư công đều không được điều chỉnh đơn giá theo diễn biến thị trường. Giá lúc ký thầu thì thấp, trong khi giá nguyên vật liệu lại tăng quá nhanh. Doanh nghiệp thậm chí lỗ chứ chưa nói đến lãi”, Tổng giám đốc Fecon chia sẻ.
Fecon đang tham gia một số dự án đầu tư công như Hầm chui Lê Văn Lương, tuyến vành đai 3 Voi Phục - Ga Hà Nội... Ảnh: Hoàng Hải
Ông Thanh cũng lấy ví dụ, có dự án công ty đã tham gia từ 5-7 năm trước, trải qua nhiều lần biến động giá vật liệu xây dựng, nhân công… nhưng đến nay đơn giá trả cho nhà thầu vẫn không được điều chỉnh. Trước thực tế này, công ty tạm hoãn kế hoạch đấu thầu các dự án cao tốc từng được đặt ra tại Đại hội đồng cổ đông hồi đầu năm.
Là doanh nghiệp được dự báo hưởng lợi từ đầu tư công, song thông tin từ Tập đoàn Hòa Phát cho biết lượng thép cung cấp cho các dự án đầu tư công chiếm tỷ trọng rất nhỏ trong tổng sản lượng hơn 8 triệu tấn mỗi năm của công ty.
Thực tế, doanh thu hiện nay của Hòa Phát chủ yếu đến từ các dự án dân dụng, do đó, công ty đặt nhiều kỳ vọng vào sự phục hồi của thị trường bất động sản nói chung và khả năng khơi thông nguồn tín dụng trong thời gian tới.
Hòa Phát đã có quý kinh doanh thua lỗ đầu tiên sau hơn một thập kỷ. Trong riêng quý III/2022, công ty lỗ gần 1.800 tỷ đồng. Vào hồi tháng Năm, ông Trần Đình Long, Chủ tịch Hòa Phát dự đoán ngành thép sẽ trải qua giai đoạn “thê thảm” do lực cầu yếu.