Theo thông tin từ Cục Thống kê tỉnh Hải Dương, chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 8/2023 trên địa bàn tỉnh tăng 2,1% so với tháng trước.
Trong đó, công nghiệp chế biến chế tạo tăng 2,4%; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng tăng 0,2%. Một số sản phẩm có lượng sản xuất tăng đáng kể như: Thức ăn chăn nuôi tăng 2,8% (do giá các sản phẩm chăn nuôi đã tăng trở lại, người chăn nuôi có lãi nên nhu cầu tiêu thụ tăng) Sản phẩm bằng plastic tăng 2,1%; Xe ô tô từ 5 người trở lên tăng 47,5%; bộ dây điện cho xe có động cơ tăng 26,6%, điện sản xuất tăng 55,9%, nước sạch tăng 8,3%.
Tính chung 8 tháng đầu năm, chỉ số sản xuất công nghiệp của tỉnh tăng 7,5% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, công nghiệp chế biến chế tạo tăng 6,1%; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng tăng 19,4%.
Bên cạnh các ngành tăng trưởng tương đối cao, ổn định, một số lĩnh vực tiếp tục giảm, chưa có dấu hiệu phục hồi. Sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại và ngành sản xuất kim loại giảm lần lượt 5,5% và 1,8% do hoạt động đầu tư, xây dựng sụt giảm nên nhu cầu tiêu thụ vật liệu xây dựng ở mức thấp.
Sản xuất than cốc giảm 21,8% vì nhu cầu sản xuất thép giảm nên nguyên liệu phụ vụ giảm theo. Nguyên nhân chính là do Công ty CP Thép Hòa Phát sụt giảm sản lượng thép làm cho nhu cầu than cốc giảm theo.
Ngành may mặc, giày dép, sản xuất gỗ, sản xuất đồ chơi do các thị trường xuất khẩu chính như Mỹ, EU, Nhật Bản… đều giảm do tình hình lạm phát cao và sức mua giảm. Hiện nay, thị trường thế giới chưa có tín hiệu phục hồi, nên đa số các doanh nghiệp trong các ngành này thiếu hụt đơn hàng.
Đáng chú ý, lĩnh vực sản xuất xe có động cơ trên địa bàn tỉnh có dấu hiệu tăng mạnh, với việc số lượng xe lắp ráp của Công ty TNHH Ford Việt Nam trong tháng 8 tăng 43% so với tháng trước, tổng kết 8 tháng năm 2023 tăng tới 22,3% so cùng kỳ 2022.
Công ty TNHH Ford Việt Nam cũng là đơn vị đứng top đầu danh sách 7 đơn vị trọng điểm nộp ngân sách lớn của Hải dương, với số nộp ngân sách gần 2.355 tỷ đồng, gấp gần 3 lần so với cùng kỳ năm 2022, chiếm 69% tổng số nộp ngân sách của nhóm 7 doanh nghiệp trọng điểm.
Ngành sản xuất và phân phối điện tăng 19,4%, một trong những nguyên nhân khiến sản xuất điện tăng cao là do nhu cầu sử dụng điện trong các tháng cao điểm nắng nóng của quý II.
Dù hiện nay các nhà máy thuỷ điện đã hoạt động ổn định trở lại, nhưng sản lượng nhiệt điện sản xuất của Tỉnh vẫn ổn định (khoảng 0,9 đến 1 tỷ KWh/tháng) do nhu cầu sử dụng điện trong các khung giờ cao điểm vẫn duy trì khá cao.
Với hoạt động hiệu quả như trên, ngành sản xuất phân phối điện tỉnh Hải Dương cũng là ngành có số nộp ngân sách rất cao, đơn cử là Công ty TNHH Điện lực Jaks Hải Dương có số nộp ngân sách gần 476 tỷ đồng, đứng thứ 2 toàn tỉnh, vượt 43% so với cùng kỳ năm 2022.
Theo thống kê mới nhất từ Cục Thuế Hải Dương, tổng kết 8 tháng năm 2023, 07 doanh nghiệp công nghiệp trọng điểm của tỉnh nộp ngân sách nhà nước gần 3.413 tỷ đồng, chiếm 31,5% tổng số thu ngân sách nội địa vượt 62% so với cùng kỳ năm 2022.
Tuy nhiên, Ở góc nhìn rộng hơn theo đánh giá chung từ lãnh đạo tỉnh Hải Dương, kết quả tăng trưởng sản xuất công nghiệp 8 tháng năm 2023 của tỉnh như trên cũng chỉ được xếp ở mức trung bình.
Tại phiên họp UBND tỉnh thường kỳ tháng 9 (lần 1) mới đây, đại diện Cục Thống kê tỉnh đã phân tích, chỉ ra nhiều yếu tố ảnh hưởng đến mục tiêu phát triển kinh tế chung, cũng như phát triển công nghiệp của tỉnh trong những tháng cuối năm, đồng thời khẳng định mục tiêu tăng trưởng kinh tế 9% của tỉnh Hải Dương khó có thể đạt được.
Trên cơ sở đó Chủ tịch UBND tỉnh Triệu Thế Hùng yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Cục Thống kê, Sở Công thương rà soát, đánh giá, đề xuất phương án tăng trưởng phù hợp với tình hình thực tế trên quan điểm không điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng của cả nhiệm kỳ nhưng cần linh hoạt, phù hợp với thực tiễn của từng năm và bảo đảm tính khả thi.