Nhiều doanh nghiệp gỗ chia sẻ, xuất khẩu thời lạm phát còn khó khăn hơn cả trong thời gian Covid-19. Hiện tình hình cụ thể của doanh nghiệp như thế nào, thưa ông?
Trong thời gian Covid-19, công ty có sự tăng trưởng tốt, năm 2020 tăng trưởng 50% và năm 2021 tăng trưởng gần 100%. Sang năm 2022, 2023, kim ngạch xuất khẩu chững lại và hiện đang đi xuống. Doanh số và lượng bán hàng hiện có sự sụt giảm trên 30% so với cùng kỳ năm ngoái.
Một điều khó khăn khác mà doanh nghiệp gặp phải là khi lượng hàng tiêu thụ thấp xuống thì buộc phải bán giá thấp hơn so với năm ngoái. Đây là bối cảnh chung của doanh nghiệp trong ngành.
Chúng ta phải nhìn thực tế vào vấn đề là ngành gỗ đã dần dần phát triển trong hơn 20 năm vừa rồi và giai đoạn 2020-2021 có sự đột phá. Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp có sự đột phá khác thường hoặc có một chiến lược kinh doanh tốt mà chúng ta phải nhìn nhận hai năm đó chúng ta hưởng nhiều lợi thế từ Trung Quốc đóng cửa sản xuất, giảm lưu thông, xuất khẩu hàng hóa. Nhân cơ hội đó chúng ta đã có thêm rất nhiều khách hàng và thị trường mới, hầu hết các doanh nghiệp gỗ có sự phát triển. Hiện nay khi Trung Quốc mở cửa trở lại thì ngay lập tức doanh nghiệp của ta gặp khó khăn.
Trước những khó khăn về thị trường xuất khẩu, giải pháp hiện tại doanh nghiệp đang triển khai là gì?
Chúng tôi có hai nhóm giải pháp, trong đó nhóm đầu tiên là xúc tiến bán hàng. Trong đó, chúng tôi chủ động đa dạng sản phẩm. Hiện nay chúng tôi có ván ép, đồ gỗ dùng 1 lần, sản phẩm cán gỗ. 3 sản phẩm này có tốc độ lên xuống của thị trường không đồng thời, dù hàng công nghiệp có sự suy giảm nhưng đồ gỗ dùng 1 lần thì vẫn có sự tăng trưởng. Đây là bí quyết giúp duy trì cho công ty không bị khó khăn.
Về thị trường, hiện nay chúng tôi mở rộng ra các thị trường mới là Úc và New Zealand, nâng tổng số thị trường của công ty lên con số 38. Lợi thế của chúng tôi là dòng sản phẩm đồ gỗ tiêu dùng là dòng sản phẩm nơi nào cũng cần chứ không phụ thuộc vào một thị trường nào cả. Nước nào có xu hướng giảm rác thải nhựa thì chúng tôi bán vào để đa dạng hóa thị trường.
Đối với khách hàng, trước đây doanh nghiệp bán rong, ai cần thì mua. Khi suy giảm thì các nhà cung cấp khi không có độ sâu về quan hệ thì loại hết. Do đó hiện nay chúng ta phải làm sao đi vào chuỗi cung ứng của họ, trở thành danh sách nhà cung cấp mà họ tuyển lựa. Kể cả khi nhu cầu suy giảm thì các doanh nghiệp trong hệ thống của họ sẽ được ưu ái để có các đơn hàng. Còn với các doanh nghiệp bán rong thì khi gặp khó khăn sẽ khó để xoay xở vì không biết bám vào đâu cả. Để làm được điều đó, doanh nghiệp phải cải thiện mình và phải thay đổi, nỗ lực rất nhiều.
Đối với sản xuất, chúng tôi có nhà máy sản xuất. Khi thị trường khó khăn thì xuất hiện xu hướng mới là ta sẽ có rất nhiều các đơn hàng nhỏ và đòi hỏi giao hàng nhanh. Vậy thì chúng tôi thu nhỏ module lại để làm sao đáp ứng được nhanh nhất các nhu cầu. Không phải ta cứ đi theo các đơn hàng lớn mà các đơn hàng nhỏ này cũng có thể giúp doanh nghiệp có thêm doanh thu.
Hiện nay khi tổng cầu giảm thì sự cạnh tranh về giá sẽ khốc liệt hơn và bắt buộc ta sẽ phải thay đổi để giảm chi phí. Cách tốt nhất là tự động hóa nhanh nhất có thể. Chúng tôi đã đàm phán nhập thêm máy móc tự động hóa trong quý 3 để nâng cao sức cạnh tranh, năng cao khả năng tự động hóa, cắt giảm chi phí.
Còn các giải pháp xúc tiến thương mại đã được doanh nghiệp triển khai cụ thể hiện nay là gì và hiệu quả mang lại như thế nào, thưa ông?
Chúng tôi đánh giá cao việc Nhà nước thời gian qua đã có nhiều hoạt động tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp tìm kiếm thị trường, thúc đẩy bán hàng. Mới đây Bộ ngoại giao đã tổ chức một cuộc họp với các doanh nghiệp gỗ, trong đó huy động 30 đại sứ các nước. Cuộc họp đó đã bàn đến nội dung Chính phủ triển khai một chương trình ngoại giao kinh tế để các nhà ngoại giao ở nước ngoài thúc đẩy hỗ trợ doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp gỗ kết nối khách hàng, xúc tiến kinh doanh, hội chợ… hoặc có báo cáo tổng kết về thị trường. Đây là hoạt động nên duy trì để hỗ trợ doanh nghiệp.
Đối với doanh nghiệp, chúng tôi phải chủ động đi tìm khách hàng, tự đi xúc tiến ở Nhật Bản, Thái Lan. Trong năm nay, chúng tôi sẽ có thêm nhiều chuyến đi để tìm khách hàng, chào hàng.
Hiện nay có nhiều công cụ như quảng cáo online để khách hàng có nhu cầu tìm kiếm khách hàng. Đây cũng là công cụ rất tốt, phù hợp với các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Ngoài ra, chúng tôi có những hội nhóm với các dòng sản phẩm với nhau để có được cơ hội tăng khách hàng. Đây là cách làm hiệu quả vì doanh nghiệp có thể chia sẻ kinh phí, chia sẻ thông tin thị trường và có thêm cơ hội bán hàng.
Bất kỳ cuộc khủng hoảng nào cũng sẽ có điểm dừng. Và doanh nghiệp nào có sự chuẩn bị sẵn sàng về nguyên liệu, con người, mặt bằng, máy móc để “bắt sóng” phục hồi của thị trường sẽ thắng lớn. Ông bình luận gì về điều này? Hoạt động này ở doanh nghiệp của ông đã và đang được triển khai ra sao?
Đây không phải lần đầu chúng ta gặp khó vì trước đây doanh nghiệp cũng đã phải đối diện với nhiều khó khăn. Doanh nghiệp đều hiểu là chúng ta sẽ có những chu kỳ nhất định và sau mỗi một giai đoạn khó khăn sẽ là một chu kỳ phát triển mới. Khó khăn kéo dài bao lâu chúng ta không nói trước được nhưng đến thời điểm nào đó sẽ phải qua và ta phải chuẩn bị, duy trì “sức khỏe” đến thời điểm đó. Chắc chắn sau đó nhu cầu tiêu dùng sẽ tăng lên.
Chúng tôi đang chuẩn bị để đến thời điểm giữa quý 2/2024, thị trường sẽ bùng nổ trở lại. Chúng tôi đang mở rộng gấp đôi nhà xưởng tại Bắc Kạn để tăng quy mô sản xuất. Đây là thời điểm tốt để đánh giá năng lực của mình, phải tự động hóa nhiều công đoạn. Chúng tôi sẽ đầu tư máy móc để nâng cao năng lực sản xuất, đáp ứng thời gian giao hàng, giảm chi phí sản xuất.
Ngoài ra, tự nâng cấp bản thân vì không thể sản xuất như trước. Chúng tôi sẽ phải áp dụng hệ thống quản lý chất lượng, tiêu chuẩn mới mà trước đây chưa quan tâm lắm. Nếu muốn bán vào thị trường khó tính như EU hay Anh thì ta sẽ phải có những tiêu chuẩn cao hơn như Tiêu chuẩn BSCI về trách nhiệm xã hội với người lao động.
Nhìn chung, đây là giai đoạn khó khăn nhưng chúng tôi vẫn phải làm để chuẩn bị cho giai đoạn sắp tới.
Xin cảm ơn ông!