Doanh nghiệp vừa bước qua giai đoạn phục hồi hậu Covid-19, còn nhiều khó khăn, cần có nhiều biện pháp hỗ trợ kịp thời. Trong đó, cần cải cách thủ tục hành chính để cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao chất lượng chính quyền đô thị, tạo điều kiện cho doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận các chính sách.
Hậu Covid-19, doanh nghiệp cần hỗ trợ kịp thời
Hội nghị “Tiếp xúc, đối thoại doanh nghiệp thành phố năm 2022”, do Thành ủy, Hội đồng nhân dân, UBND, Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam TP.HCM tổ chức ngày 31/8/2022, đã thu hút sự tham dự của 240 doanh nghiệp và các hiệp hội ngành nghề, khu chế xuất, khu công nghiệp, khu nông nghiệp công nghệ cao và khu công nghệ cao TP.HCM.
Theo bà Nguyễn Thị Lệ, Chủ tịch Hội đồng nhân dân TP.HCM, thành phố luôn đồng hành cùng doanh nghiệp để sớm khôi phục kinh doanh.
Với phương châm “lắng nghe và hành động”, Hội đồng nhân dân thành phố đã ghi nhận nhiều ý kiến đóng góp của doanh nghiệp gởi đến chương trình. Trong đó, tập trung những vấn đề nóng mà thành phố đang nỗ lực giải quyết nhằm cải thiện môi trường đầu tư, giúp doanh nghiệp nhanh chóng tăng tốc sản xuất.
Chia sẻ ý kiến từ phía doanh nghiệp, bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TP.HCM (FFA), cho biết một trong những khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp hiện nay là nguồn vốn.
Thời gian qua, giá nguyên liệu đầu vào đã tăng tới 50%, doanh nghiệp cũng phải tăng vốn lưu động tương ứng. Cạn vốn, doanh nghiệp tìm đến ngân hàng, nhưng phải có tài sản bảo đảm. Thậm chí có tài sản bảo đảm cũng không được giải ngân do ngân hàng đã cạn room tín dụng.
"Ngân hàng nói tăng trưởng tín dụng cao nhưng ai là đối tượng được thụ hưởng? Tại sao những doanh nghiệp sản xuất kinh doanh lại khó tiếp cận vốn trong bối cảnh hiện tại, nhất là khi mà chúng tôi nỗ lực tham gia bình ổn giá, chia sẻ khó khăn với người lao động", bà Chi đặt câu hỏi.
Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TP.HCM cũng cho biết thêm rằng giá nguyên vật liệu tất cả các ngành đều tăng cao, đặc biệt, giá thức ăn của ngành chăn nuôi, giá nguyên liệu của ngành lương thực thực phẩm tăng từ 30-50%, kéo theo nhiều mặt hàng đều tăng giá. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp sản xuất trứng, gạo vẫn tham gia các chương trình bình ổn giá… Dù gần đây, giá một số mặt hàng được điều chỉnh tăng nhưng không bù đắp nổi với mức tăng khủng khiếp của chi phí nguyên liệu đầu vào.
“Doanh nghiệp vừa mới phục hồi hậu Covid-19 nhưng vẫn còn nhiều khó khăn, cần được hỗ trợ kịp thời”, bà Chi nói.
Vẫn "vấp" thủ tục hành chính
Chia sẻ tại hội nghị, bà Hồ Uyên, Chi hội trưởng Chi hội doanh nghiệp Khu Công nghệ cao TP.HCM (SBA), Giám đốc Đối ngoại Intel Việt Nam, cho biết thủ tục hành chính hiện đang đi ngược từ cơ chế “một cửa” thành “nhiều cửa”. Vì nhiều quy định pháp luật thay đổi, gây rất nhiều khó khăn cho doanh nghiệp, dễ phát sinh tiêu cực, hối lộ và tham nhũng.
Thời gian qua, có tình trạng doanh nghiệp tiến hành phê duyệt điều chỉnh quy hoạch tổng thể, dù là điều chỉnh cục bộ nhưng vẫn mất khoảng 2 năm mới xong, so với thông thường chỉ từ 3-6 tháng.
Quy định về hệ số sử dụng đất cho sản xuất tại Khu Công nghệ cao giai đoạn 2 tối đa là 50% (tại một số khu công nghiệp khác là 70%) đã khiến doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn khi muốn xây dựng công trình phụ trợ cho nhà máy, cơ sở sản xuất.
Chẳng hạn, doanh nghiệp xây dựng nhà xe với cọc sắt, mái tôn hoặc nhựa dẻo để bảo vệ tài sản và an toàn mưa nắng cho nhân viên, không xây tường bao nhưng vẫn bị tính vào mật độ xây dựng chung. Hay có doanh nghiệp phải chờ đợi cấp phép xây dựng nhà vệ sinh (cải tạo hoặc xây mới) trong nhà máy hiện hữu.
Bà Hồ Uyên kiến nghị UBND TP.HCM và cơ quan thẩm quyền cho phép Khu Công nghệ cao tiếp tục giữ vai trò cơ quan một cửa để có thể hỗ trợ doanh nghiệp nhanh chóng hơn; kiến nghị Ban quản lý hủy bỏ việc tính diện tích khu vực nhà để xe có mái lợp đơn giản vào mật độ xây dựng chung…
Nêu ý kiến về thủ tục hành chính, bà Lý Kim Chi cho rằng sau dịch nhiều sở ban ngành của TP.HCM cũng bộc lộ một số cách làm việc theo kiểu cũ. Rất mong thành phố siết chặt vấn đề kỷ luật, kỷ cương cải cách thủ tục hành chính, , tạo điều kiện cho doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận các chính sách.
“Cần có một bộ phận tiếp nhận ngay ý kiến của các hiệp hội khi phát sinh vấn đề, đồng thời tăng cường các buổi tiếp xúc với doanh nghiệp theo từng ngành nghề, qua đó trực tiếp lắng nghe và rà soát quy trình, thủ tục bất cập, gây phiền hà cho doanh nghiệp, từ đó mới tạo được bứt phá”, bà Chi nói.
Còn theo ông Phạm Phú Trường, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ TP.HCM, cải cách hành chính chưa thể làm hài lòng người dân và doanh nghiệp, triển khai chiến lược số chưa đạt kết quả như mong đợi, tốc độ giải ngân đầu tư công chậm… Trong khi chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người dân đã ban hành nhưng vẫn còn chậm… Những vẫn để trên đã ảnh hưởng đến quá trình phục hồi của nền kinh tế.
Trả lời kiến nghị của SBA, ông Nguyễn Anh Thi, Trưởng Ban quản lý Khu Công nghệ cao TP.HCM, cho biết Ban quản lý Khu Công nghệ cao đã thống nhất với UBND TP. Thủ Đức và các sở, ngành về cơ chế một cửa liên thông. Theo đó, Ban quản lý sẽ là đầu mối tiếp nhận, giải quyết hồ sơ để rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính cho doanh nghiệp.
Ngoài ra, việc điều chỉnh quy hoạch 1/2000 đang được thực hiện. Hiện đã có cơ chế phối hợp giữa ban quản lý, thanh tra sở Xây dựng và Quản lý trật tự đô thị địa phương, để linh động giải quyết cho các doanh nghiệp triển khai các công trình phụ trợ.
Ông Thi cũng thừa nhận vấn đề thực hiện thủ tục hành chính hiện rất phiền hà vì thẩm quyền nằm ở nhiều nơi.
Trước ý kiến của các doanh nghiệp, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM, yêu cầu các sở, ngành tại TP.HCM tiếp tục phải minh bạch hồ sơ, minh bạch trách nhiệm và sẽ công bố các giải pháp công nghệ để giải quyết những phản ảnh của doanh nghiệp nhanh chóng thời gian tới.
Ghi nhận nhiều ý kiến của doanh nghiệp
Tại hội nghị, lãnh đạo TP.HCM đã nhận được nhiều phản ánh của các doanh nghiệp gửi về.
Trong đó, về thủ tục hành chính: Doanh nghiệp đề xuất cần cung cấp thông tin nhanh và chi tiết đến các doanh nghiệp về thay đổi các chính sách, các quy định của pháp luật để doanh nghiệp chủ động thực hiện; công khai minh bạch thông tin, thủ tục và thời gian giải quyết, trả kết quả thủ tục hành chính…
Về chính sách đào tạo nguồn nhân lực - Lao động việc làm: Doanh nghiệp cho rằng cần nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lục và tạo thêm các kênh kết nối giữa doanh nghiệp và người lao động đang tìm kiếm việc làm…
Về chính sách Tài chính - Tín dụng - Thuế - Phí: Doanh nghiệp đề xuất cần tăng khả năng tiếp cận nguồn lực tài chính. Thành phố cần đề ra các giải pháp nhằm hỗ trợ người dân và doanh nghiệp được tiếp cận tín dụng công bằng, minh bạch, thúc đẩy kết nối ngân hàng và doanh nghiệp...
Về đất đai, quy hoạch, cơ sở hạ tầng: Doanh nghiệp mong muốn thành phố đẩy mạnh việc huy động đầu tư từ xã hội để khai thác hiệu quả tài nguyên đất và không gian đô thị; rà soát những quỹ đất hiện có, xử lý tài sản nhà đất sử dụng không hiệu quả...
Ngoài ra, doanh nghiệp cũng kiến nghị hỗ trợ nạo vét khơi thông tuyến hàng hải qua sông Soài Rạp để các tàu tải trọng lớn có thể cập cảng ở Khu công nghiệp Hiệp Phước, tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhập khẩu nguyên vật liệu phục vụ sản xuất....