Các công ty phương Tây đang tỏ ra chậm chạp trong việc bảo vệ hoạt động của họ tại thị trường Trung Quốc khỏi căng thẳng gia tăng trong quan hệ thương mại và địa chính trị giữa nước này với phương Tây, mặc cho lời kêu gọi của chính phủ về “giảm rủi ro” (de-risking).
“Giảm rủi ro” là một khái niệm đã thay thế cho “phân ly” (decoupling) như một “từ khoá ngoại giao” của năm nay. Theo tờ Financial Times, sự thay thế này là dấu hiệu cho thấy phương Tây đang tìm kiếm một cách tiếp cận bớt mang tính chất đối kháng hơn để quản lý quan hệ với Trung Quốc. Tuy nhiên, doanh nghiệp phương Tây vẫn chưa đưa ra được chiến lược rõ ràng để đưa “giảm rủi ro” thành một khái niệm thực chất.
Mỗi doanh nghiệp một cách giảm rủi ro
Một số công ty như hãng đồ chơi Mỹ Hasbro đã chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc, nhưng phần lớn doanh nghiệp phương Tây vẫn đang cân nhắc các lựa chọn khác nhau, từ giảm đầu tư một phần, trì hoãn kế hoạch đầu tư, cho tới tìm phương án để bảo vệ hoạt động của họ tại Trung Quốc tránh khỏi nguy cơ gián đoạn, chẳng hạn bằng cách chỉ phục vụ duy nhất thị trường Trung Quốc.
“Châu Âu vẫn đang nghĩ xem giảm rủi ro là gì và làm thế nào để thực thi khái niệm đó trên thực tế. Trong 1 năm qua, đã có nhiều cuộc thảo luận của khu vực tư nhân về chiến lược địa phương hoá như một cách để giảm rủi ro, nhưng phải cần tới nhiều năm để việc đầu tư như vậy mang lại kết quả”, chuyên gia cấp cao Agathe Demairas của Hội đồng Quan hệ đối ngoại châu Âu nhận định.
Việc Trung Quốc đóng cửa để chống Covid trong gần 3 năm và cuộc chiến tranh Nga-Ukraine đã làm gia tăng tính cấp bách của vấn đề, vì phương Tây vốn dĩ đã lo ngại về vị thế thống trị của Trung Quốc trong chuỗi cung ứng và về cuộc đối đầu giữa Washington và Bắc Kinh.
Đã bắt đầu xuất hiện những dấu hiệu về sự dịch chuyển sản xuất dài hạn khỏi Trung Quốc. Một báo cáo năm nay của Hội đồng Thương mại châu Âu (EuroCham) ở Trung Quốc cho thấy 11% trong số doanh nghiệp châu Âu được khảo sát đã dịch chuyển đầu tư khỏi Trung Quốc; 22% đã quyết định hoặc đang cân nhắc hành động như vậy. Cuộc khảo sát này đánh dấu lần đầu tiên kể từ năm 2016, chưa đầy một nửa số doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết có kế hoạch mở rộng hoạt động tại Trung Quốc trong năm nay.
Cũng theo khảo sát của EuroCham, 12% doanh nghiệp Mỹ cho biết đang cân nhắc chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc và 12% khác đang thực hiện kế hoạch dịch chuyển khỏi Trung Quốc.
“Phần đông các công ty không có lựa chọn thay thế cho Trung Quốc. Họ phải tìm cách để hoạt động trong một môi trường có độ rủi ro cao hơn nhiều”, chuyên gia Trey McArver của công ty tư vấn Trivium China nhận định.
Hai công ty công nghệ lớn của Mỹ là Apple và Intel đã phân bổ các khoản đầu tư tương lai vào các quốc gia khác như Ấn Độ hoặc các nước Đông Nam Á nhưng vẫn duy trì nhà máy ở Trung Quốc. Đây là một chiến lược phòng ngừa được biết đến với tên gọi “Trung Quốc +1”.
Tuy nhiên, chiến lược được ưa chuộng hơn cả là “Trung Quốc cho Trung Quốc”, trong đó hoạt động của doanh nghiệp tại Trung Quốc được tổ chức lại, nhằm mục đích chỉ sản xuất hàng hoá cho tiêu thụ tại thị trường nước này.
Hãng dược Anh-Thuỵ Điển AstraZeneca đang vạch kế hoạch tách riêng chi nhánh tại Trung Quốc và niêm yết cổ phiếu của công ty con này tại thị trường Hồng Kông, một phần nhằm cách ly công ty con này khỏi các động thái pháp lý mà Bắc Kinh có thể nhằm vào doanh nghiệp nước ngoài. Theo các hướng dẫn mua sắm công mà Chính phủ Trung Quốc đề ra, các cơ quan và thực thể nhà nước, bao gồm bệnh viện, phải tăng cường mua hàng từ các thương hiệu trong nước.
Chiến lược “Trung Quốc cho Trung Quốc” cũng bao gồm việc địa phương hoá chuỗi cung ứng. Hãng dược Đức Merck hồi tháng 5 tuyên bố sẽ mở rộng chuỗi cung ứng ở Trung Quốc để giảm bớt vào nguồn nguyên vật liệu thô từ bên ngoài nước này, nhất là từ Mỹ vì rủi ro dính các biện pháp trừng phạt.
Hiệp hội máy móc Đức VDMA đã phát hiện thấy rằng hơn 1/3 số thành viên đang tìm nhà cung ứng thay thế để có thể phục vụ cả thị trường Mỹ và Trung Quốc bằng những sản phẩm “trung tính” không có linh kiện Trung Quốc hay Đức.
Volkswagen, hãng xe mà thị trường Trung Quốc chiếm khoảng một nửa lợi nhuận, đã công bố các kế hoạch đầu tư với tổng trị giá 4 tỷ USD ở nước này trong 1 năm qua. Động thái này sẽ giúp nhà sản xuất ô tô Đức “có thêm quyền tự chủ và sức mạnh ra quyết định tại Trung Quốc hơn bao giờ hết” – theo ông Ralf Brandstatter, một thành viên Hội đồng Quản trị Volkswagen. Gần đây, ông Brandstatter nói thêm rằng bộ phận của công ty ở Trung Quốc “đang dần trở thành một trụ sở thứ hai” của hoạt động toàn cầu.
Trong khi Mỹ, Hà Lan và Nhật Bản đã áp các biện pháp hạn chế đối với việc cung cấp thiết bị sản xuất chip công nghệ cao cho các công ty Trung Quốc, một số khách hàng Trung Quốc muốn có những sản phẩm hoàn toàn không có linh kiện nước ngoài nhằm tự bảo vệ mình trước rủi ro có thêm các biện pháp trừng phạt trong tương lai – theo giới điều hành doanh nghiệp.
Hãng chip Pháp-Italy STMicroelectronics hồi năm 2021 đã tách riêng bộ phận kinh doanh và marketing tại thị trường Trung Quốc khỏi chi nhánh châu Á-Thái Bình Dương của công ty, cùng với toàn bộ bảng lương, bộ máy quản lý nhân sự và cấu trúc báo cáo của bộ phận này – nguồn thạo tin tiết lộ. Quyết định này nhằm mục đích tạo điều kiện dễ dàng hơn cho công ty tách riêng chi nhánh Trung Quốc trong trường họp cần thiết – nguồn tin cho biết.
Mối lo về luật quản lý dữ liệu ở Trung Quốc
Việc tăng cường tuyển dụng nhân sự tại Trung Quốc đã bắt đầu trong thời gian đại dịch, khi chính sách Zero Covid của Trung Quốc khiến các công ty đa quốc gia không thể cử nhân sự nước ngoài tới Trung Quốc làm việc. Đối với một số nhà điều hành doanh nghiệp là người nước ngoài đã làm việc lâu năm ở Trung Quốc, cuộc sống cũng có chiều hướng trở nên khó khăn hơn.
“Tâm lý bài ngoại đã lên tới mức cao nhất trong 30 năm tôi sống ở Trung Quốc. Tôi liên tục chứng kiến tâm lý này trên tin tức, trong các bình luận trên mạng xã hội, khi nói chuyện với mọi người và khách hàng. Tôi không thể giả điếc được”, một nhà điều hành doanh nghiệp công nghệ châu Âu đang lên kế hoạch rời khỏi Trung Quốc cho biết.
Các công ty tư vấn như McKinsey và Boston Consulting Group là vài trong số những doanh nghiệp đang tiến hành tách riêng hệ thống công nghệ thông tin (IT) của công ty tại Trung Quốc. Động thái này là một hệ quả của chiến dịch phản gián và luật bảo vệ dữ liệu ngày càng nghiêm ngặt của Trung Quốc, đòi hỏi các công ty phải có sự phê chuẩn của cơ quan chức năng sở tại mới được chuyển lượng dữ liệu lớn khỏi Trung Quốc.
Theo chuyên gia Samm Sacks của Paul Tsai China Center thuộc Trường Luật, Đại học Yale, rủi ro đối với doanh nghiệp phương Tây ở Trung Quốc đang đến từ nhiều phía, gồm những bấp bênh liên quan đến các quy định mới về dữ liệu, cũng như căng thẳng Mỹ-Trung và vấn đề Đài Loan.
Để tuân thủ các quy định của Trung Quốc, các công ty đang đi theo hướng tạo ra hệ thống IT riêng cho hoạt động tại Trung Quốc, và điều này dẫn tới việc các ê-kíp trong cùng một doanh nghiệp không thể sử dụng cùng một nền tảng để làm việc xuyên biên giới.
“Trung Quốc ngày càng được xem là một thị trường đặc biệt, vì các lý do về lưu trữ và xuất dữ liệu, cũng như rủi ro về các chuyến công tác của các nhà điều hành doanh nghiệp, bao gồm các thiết bị mà họ có thể mang theo”, ông Duncan Clark, người đứng đầu công ty tư vấn DBA China, nhận định.