Thị trường vốn trong nước đang gặp nhiều thách thức khi kênh trái phiếu bị tắc nghẽn, kênh tín dụng ngân hàng bị siết chặt hay huy động vốn trên thị trường chứng khoán cũng gặp khó khăn khi thị trường không thuận lợi.
Trong bối cảnh thiếu hụt dòng tiền trong nước, dòng vốn ngoại đang nổi lên trở thành "cứu cánh" cho các doanh nghiệp để có dòng tiền hoạt động sản xuất kinh doanh, bổ sung nguồn lực nền tảng cho những kế hoạch trong tương lai.
Dồn dập vay ngoại tệ
Khối công ty chứng khoán Việt Nam đang có những tín hiệu khá tích cực trong việc huy động dòng tiền từ nước ngoài, thậm chí là vay vốn tín chấp, không tài sản đảm bảo với giá trị lên đến hàng trăm triệu USD.
Mới đây, Chứng khoán Kỹ Thương (TCBS) đã ký kết thành công hợp đồng vay hợp vốn tín chấp trị giá 125 triệu USD (khoảng 3.000 tỷ đồng), từ các định chế tài chính hàng đầu như SMBC, CTBC Bank, Taishin và Chứng khoán Maybank.
Đây đã là lần huy động vốn quốc tế thành công thứ 3 của TCBS trong năm nay, nâng tổng giá trị huy động vốn nước ngoài lên hơn 300 triệu USD (khoảng 8.000 tỷ đồng) trong một, cao nhất ngành chứng khoán.
Các tổ chức quốc tế vẫn mạnh dạn rót vốn tín chấp hàng trăm triệu USD vào các công ty chứng khoán Việt Nam. Ảnh: VCSC.
Chứng khoán VNDirect đầu tháng 11 cũng thông báo ký kết hợp đồng vay hợp vốn tín chấp giá trị 75 triệu USD (tương đương hơn 1.800 tỷ đồng), cùng quyền tăng hạn mức vay lên tối đa 200 triệu USD từ các định chế tài chính nước ngoài.
Ông Nguyễn Vũ Long, Tổng giám đốc VNDirect, cho biết đây là nguồn lực quan trọng để củng cố nền tảng vốn, mở rộng cung cấp sản phẩm dịch vụ cho khách hàng và qua đó giảm thiểu rủi ro từ thị trường vốn trong nước.
Chứng khoán Bản Việt (VCSC) cuối tháng 10 cũng công bố một hợp đồng vay vốn với hạn mức 105 triệu USD và quyền được mở rộng lên tới 150 triệu USD (gần 3.700 tỷ đồng) từ các đầu mối chính là Maybank Kim Eng và O-Bank.
Những khoản vay tín chấp của các công ty môi giới trên cho thấy nhà đầu tư nước ngoài vẫn khá tin tưởng vào thị trường chứng khoán Việt Nam, cũng như đánh giá cao sự uy tín và triển vọng của các công ty chứng khoán nội địa.
Không riêng nhóm ngành chứng khoán, đại gia ngành bán lẻ và thực phẩm Masan Group cũng vừa nhận giải ngân thành công toàn bộ khoản vay hợp vốn trị giá 600 triệu USD (gần 15.000 tỷ đồng), được sắp xếp bởi BNP Paribas, Credit Suisse, HSBC và Standard Chartered Bank.
Đây là khoản huy động hợp vốn nước ngoài kỳ hạn 5 năm có giá trị lớn nhất từ trước đến nay trong lĩnh vực kinh tế tư nhân tại Việt Nam. Khoản vay bằng USD có lãi suất khá hấp dẫn chỉ khoảng 6,7% mỗi năm.
Tập đoàn nông nghiệp Lộc Trời thông báo về gói vay vốn 100 triệu USD từ 6 ngân hàng quốc tế và một nhà băng nội địa để đầu tư mở rộng sản xuất lúa chất lượng cao. Đây là bước đầu trong tham vọng huy động một tỷ USD cho kế hoạch phát triển một triệu ha lúa chất lượng cao.
Chuỗi kinh doanh cầm đồ F88 huy động thành công khoản vay có bảo đảm trị giá 50 triệu USD từ Quỹ Tài chính CLSA Capital Partners. Số tiền thu về dùng để phát triển mạng lưới và tăng trưởng quy mô kinh doanh.
Một số cái tên đáng chú ý khác như Novaland đang lên kế hoạch vay 40 triệu USD từ các ngân hàng ở nước ngoài. Công ty bất động sản An Gia chấp thuận việc vay khoản vay ngắn hạn 10 triệu USD từ The Shanghai Commercial & Saving Bank, Ngân hàng HSBC mới cấp khoản tín dụng thương mại xanh dành cho công ty gỗ Phú Tài với trị giá hơn 170 tỷ đồng...
Ngân hàng cũng chạy đua
Không chỉ khối doanh nghiệp đẩy mạnh việc tìm kiếm nguồn vốn ngoại để cân bằng rủi ro phụ thuộc vào nguồn vốn trong nước, các ngân hàng cũng đang tham gia mạnh mẽ vào kênh huy động tiềm năng này.
Ngân hàng VPBank mới đây ký kết thành công thỏa thuận vay hợp vốn trị giá 500 triệu USD từ 5 định chế tài chính lớn gồm ADB, SMBC, JICA, ngân hàng ANZ và Chứng khoán Maybank.
Nguồn ngoại tệ thu về sẽ dùng để đáp ứng các nhu cầu tài chính của doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME), doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ tại Việt Nam; đồng thời hỗ trợ các dự án xã hội nhằm cải thiện cơ sở hạ tầng cơ bản.
Ngân hàng tư nhân này trước đó cũng nhận được giải ngân cho khoản vay hợp vốn quốc tế khác 600 triệu USD hồi tháng 4. Lãnh đạo đơn vị này tin rằng việc đa dạng hóa nguồn vốn sẽ củng cố tiềm lực vững mạnh hơn trong bối cảnh thị trường tài chính nhiều biến động khó lường.
Khối ngân hàng cũng tranh thủ huy động hàng trăm triệu USD vốn ngoại. Ảnh: Hoàng Hà.
SeABank cũng được Tập đoàn Tài chính Phát triển quốc tế Mỹ (DFC) ký hợp đồng tài trợ cho khoản vay trị giá 200 triệu USD trong tháng 11, nhằm cấp khoản vay cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các dự án giải quyết vấn đề khí hậu.
Hồi đầu năm nay, SeABank còn được IFC và 5 quỹ đầu tư quốc tế khác cấp gói tín dụng trị giá 220 triệu USD nhằm hỗ trợ nguồn vốn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, do phụ nữ làm chủ và tài trợ chống biến đổi khí hậu.
Cũng trong tháng 11, Ngân hàng Quốc tế (VIB) hoàn tất nhận khoản vay trị giá 150 triệu USD (tương đương 3.700 tỷ đồng) từ IFC. Nhà băng này sẽ dành hơn 45 triệu USD để tài trợ cho các khoản mua nhà có giá trị khoảng 870 triệu đồng.
Tổng giám đốc VIB Hàn Ngọc Vũ nói khoản vay mới sẽ bổ sung vào trong cơ cấu vốn để đáp ứng tốt hơn nhu cầu của khách hàng cũng như tăng cường sự ổn định trước biến động của thị trường.
Hay vào nửa cuối tháng 6, Techcombank thông báo huy động thành công khoản vay hợp vốn trị giá lên tới 1 tỷ USD, khoản tín dụng trung dài hạn có trị giá lớn nhất của một định chế tài chính Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Nhóm 26 ngân hàng quốc tế danh tiếng đã tham gia cho vay trong giao dịch hợp vốn này. Techcombank tin rằng số tiền thu về đáp ứng tốt hơn nhu cầu vay vốn trung dài hạn của khách hàng khi nền kinh tế Việt Nam đang phục hồi sau đại dịch.
Như vậy, khối doanh nghiệp và ngân hàng đang chạy đua huy động vốn hàng tỷ USD từ các đối tác quốc tế gần đây, qua đó góp phần giải bài toán "đói vốn" đang hiện hữu trong thị trường nội địa.
Công ty xếp hạng tín nhiệm FiinRatings nhận định các đợt huy động vốn ngoại thành công càng cho thấy niềm tin của các tổ chức tài chính nước ngoài vào sự tăng trưởng dài hạn của các doanh nghiệp lớn ở Việt Nam, nếu như thông tin và hồ sơ tín dụng rõ ràng.
Theo đánh giá của một số chuyên gia kinh tế, việc tranh thủ được nguồn vốn quốc tế là giải pháp tích cực để tiếp tục duy trì "mạch máu" chảy liên tục cho doanh nghiệp dưới những áp lực thắt chặt vốn trong nước.