Lãi tiền gửi, tiền cho vay đang mang lại nguồn thu cho các doanh nghiệp.
Theo dữ liệu từ FiinPro, các tập đoàn đầu ngành đều đang thu về khoản lãi tiền gửi, tiền cho vay hàng trăm, hàng nghìn tỷ đồng. Đơn cử, trong 6 tháng đầu năm nay, lãi tiền gửi, tiền cho vay của Vingroup lên tới 1.135 tỷ đồng, Hòa Phát đạt 896 tỷ đồng, Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) thu về 775,6 tỷ đồng, FPT và Vinamilk đều ghi nhận hơn 500 tỷ đồng cho danh mục này. Các doanh nghiệp này đều đã ghi nhận hàng nghìn tỷ đồng từ khoản lãi tiền gửi, tiền cho vay trong năm 2021.
Tiền mặt dồi dào
Cuối quý II/2022, Vingroup có số dư tiền mặt (tiền và tương đương tiền) đạt 42.230 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng hơn 8% tài sản doanh nghiệp. 6 tháng đầu năm 2022, dù lỗ thuần từ hoạt động kinh doanh gần 2.000 tỷ đồng, lãi tiền gửi, tiền cho vay hơn 1.000 tỷ đồng vẫn mang lại khoản thu nhất định cho Vingroup.
Khoản lãi từ tiền gửi, tiền cho vay của các doanh nghiệp lớn đang ngày càng tăng.
Là một trong những doanh nghiệp có nhiều tiền mặt nhất thị trường với hơn 20.325 tỷ đồng vào cuối quý II/2022, Hòa Phát cũng có khoản lãi tiền gửi, tiền cho vay tăng mạnh. 6 tháng đầu năm 2022, doanh nghiệp đứng đầu ngành thép đạt 896 tỷ đồng từ lãi tiền gửi, cho vay, tăng 67,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Chỉ trong vòng nửa năm, lãi tiền gửi, tiền cho vay đã bằng 75% kết quả cả năm 2021.
Tại ĐHCĐ thường niên năm 2022, Chủ tịch Hòa Phát - ông Trần Đình Long cho biết với quy mô doanh nghiệp lớn như hiện nay bắt buộc phải có ít nhất 20.000 tỷ đồng “tiền lỏng” – tiền sẵn sàng sử dụng để đảm bảo khả năng thanh toán ngay lập tức nhằm đảm bảo nguồn vốn phát triển và đầu tư.
Kể từ đầu năm nay, giá xăng liên tục tăng cao kỷ lục, nhờ đó doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đã có một mùa “bội thu”. Doanh thu quý II của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) đạt hơn 84,4 nghìn tỷ đồng, tăng gần 80% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, doanh nghiệp này lại bất ngờ báo lỗ sau thuế hơn 140 tỷ đồng do khoản trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho 1.259 tỷ đồng khiến lợi nhuận giảm sâu. Kéo theo lợi nhuận 6 tháng đầu năm chỉ đạt 257,8 tỷ đồng.
Lãi tiền gửi, tiền cho vay của Petrolimex có xu hướng tăng dần qua từng quý.
Với đặc thù kinh doanh chủ yếu thu tiền mặt, Petrolimex cũng là cái tên sở hữu khoản lãi tiền gửi, tiền cho vay tương đối lớn trên thị trường. Cuối quý II/2022, Petrolimex nắm giữ số tiền mặt xấp xỉ 5.237 tỷ đồng. Lũy kế lãi tiền gửi, tiền cho vay nửa năm của Petrolimex đạt gần 403 tỷ đồng, từ đó cải thiện phần nào kết quả kinh doanh của doanh nghiệp.
Một công ty trong ngành bất động sản cũng có mức lãi tiền gửi, cho vay lên đến hàng trăm tỷ đồng - CTCP Đầu tư và Phát triển Bất động sản An Gia (AGG). Kết thúc bán niên 2022, An Gia ghi nhận gần 131,4 tỷ đồng lãi tiền gửi, tiền cho vay, tăng 81,2% so với cùng kỳ.
Lãi tiền gửi, tiền cho vay 6 tháng đầu năm 2022 của An Gia bằng 73% kết quả cả năm 2021.
Tuy nhiên không phải doanh nghiệp nào cũng dồi dào tiền mặt khi cho vay và thu về khoản lãi khổng lồ. Hoàng Anh Gia Lai là một ví dụ. Cuối quý II/2022, công ty này chỉ nắm giữ 117 tỷ đồng tiền mặt, thấp hơn cả phần lãi cho vay thu được trong nửa đầu năm. Hoàng Anh Gia Lai vẫn chưa thoát khỏi gánh nặng nợ vay, khi chi phí lãi vay trong kỳ lên tới hơn 330 tỷ đồng.
Thận trọng khi phân tích dòng tiền
Tính đến tháng 6/2022, tiền gửi của tổ chức kinh tế trong hệ thống các tổ chức tín dụng đạt trên 5,8 triệu tỷ đồng, tăng 3,61% so với cuối năm 2021. Trong khi, tăng trưởng tiền gửi ngân hàng của các doanh nghiệp năm 2021 là 15,73%.
So với thời điểm cuối năm 2021, tỷ lệ tăng trưởng tiền gửi ngân hàng của các doanh nghiệp có xu hướng giảm mạnh, cho thấy khoản “tiền nhàn rỗi” của doanh nghiệp không còn dư giả như trước. Phục hồi kinh tế hậu Covid đòi hỏi các doanh nghiệp xem xét cân bằng chiến lược chi phí, đồng thời chuyển hướng đầu tư cho các yếu tố giúp tăng trưởng. Từ đó, dòng tiền được lưu chuyển vào các hoạt động đầu tư, kinh doanh để nhanh chóng tái thiết tình hình doanh nghiệp trong bối cảnh kinh tế toàn cầu còn nhiều bất ổn.
Đồng thời, hoạt động cho vay của các doanh nghiệp cũng đặt ra cho các cơ quan quản lý nhiều vấn đề. Mới đây, Hoàng Anh Gia Lai đã bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước phạt 245 triệu đồng vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán. Trong đó, hơn một nửa tiền phạt đến từ khoản giao dịch cho vay với bên liên quan là cổ đông cá nhân - ông Đoàn Nguyên Đức, là chủ tịch, đồng thời là cổ đông lớn nhất của công ty.
Ngoài ra, Hoàng Anh Gia Lai cũng cho các tổ chức, cá nhân liên quan công ty vay số tiền hàng nghìn tỷ đồng, từ đó ghi nhận hàng trăm tỷ đồng tiền lãi cho vay trong nửa đầu năm. Mặc dù cho vay các bên liên quan không vi phạm quy định về quản trị doanh nghiệp, nhưng nhà đầu tư cần thận trọng với những giao dịch như vậy.
Sở hữu nhiều tiền mặt hoặc các tài sản có tính thanh khoản cao (gửi ngân hàng không kỳ hạn) giúp doanh nghiệp cải thiện các hệ số khả năng thanh toán. Ngoài ra việc tận dụng nguồn tiền nhàn rỗi để sinh lời bằng các cho vay, cũng là một giải pháp an toàn, đặc biệt khi so với việc đầu tư chứng khoán trong thời gian vừa qua.
Tuy nhiên, nhà đầu tư cũng cần thận trọng khi phân tích tình hình tài chính của các doanh nghiệp cho vay số tiền khủng, đặc biệt với các doanh nghiệp đang có gánh nặng nợ vay.