Ngày 27/1, lãnh đạo UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết Công ty CP Đầu tư Khánh Hà (Tập đoàn Hà Đô) sẽ làm thủ tục trả lại 5 biệt thự cổ trên núi Cảnh Long - lầu Bảo Đại.
Công ty CP Đầu tư Khánh Hà là chủ đầu tư khu biệt thự nghỉ dưỡng cao cấp Bảo Đại, phường Vĩnh Nguyên, TP Nha Trang.
Trả rồi xin thuê lại
Động thái trên được thực hiện sau khi UBND tỉnh Khánh Hòa đề nghị Công ty Khánh Hà trả lại 5 biệt thự cổ, gồm: Nghinh Phong, Vọng Nguyệt, Bông Giấy, Phượng Vĩ và Cây Bàng, do người Pháp xây dựng cách nay đúng 100 năm.
“Sau khi doanh nghiệp chính thức trả lại 5 biệt thự cổ, UBND tỉnh sẽ họp bàn với sở, ngành liên quan để tìm cách tốt nhất duy tu, bảo tồn giá trị công trình văn hóa này. Quan điểm của tỉnh 5 ngôi biệt thự cổ sẽ là điểm đến du lịch văn hóa của địa phương”, lãnh đạo UBND tỉnh Khánh Hòa nói.
Trao đổi với Zing, ông Nguyễn Trung Kiên, Phó tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư Khánh Hà, xác nhận đang làm quy trình để trả lại 5 ngôi biệt thự cổ.
“Hồ sơ, thủ tục và tài sản liên quan 5 ngôi biệt thự doanh nghiệp sẽ trả lại cho UBND tỉnh Khánh Hòa nguyên vẹn. Tuy nhiên, sau đó doanh nghiệp sẽ làm hồ sơ đề xuất UBND tỉnh Khánh Hòa cho thuê lại 5 ngôi biệt thự cổ”, ông Kiên nói.
Theo ông Kiên, 5 biệt thự cổ là tài sản góp vốn của Nhà nước (Tổng Công ty Khánh Việt - Khatoco, đơn vị quản lý lầu Bảo Đại. Vì vậy khi thiết kế cũng như quy hoạch, dự án đều lấy 5 ngôi biệt thự làm điểm nhấn.
“Năm biệt thự là tâm điểm của dự án, nên nếu đơn vị khác quản lý sẽ phá vỡ kiến trúc, đồng thời sẽ xảy ra tình huống xung đột lợi ích. Từ đó phần thiệt thòi sẽ thuộc về 5 ngôi biệt thự cổ”, ông Kiên nói và cho biết công ty sẽ đề xuất thuê 50 năm đúng với thời hạn thuê đất của dự án.
Dự án đang dừng thi công
Tháng 7/2019, Zing có loạt bài cạo trọc di tích lầu Bảo Đại. Theo đó, tháng 10/1995, tỉnh Khánh Hòa công nhận khu biệt thự Cầu Đá - lầu Bảo Đại là “di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh”.
Từ đó đến nay, lầu Bảo Đại chưa được lập hồ sơ di tích để bảo tồn theo Luật Di sản, trong khi 5 ngôi biệt thự cổ hiện không còn nguyên bản do trải qua nhiều lần trùng tu, sửa chữa.
Tháng 9/2011, UBND tỉnh Khánh Hòa đồng ý giao di tích lầu Bảo Đại cho liên doanh Tổng Công ty Khánh Việt (Khatoco - đơn vị quản lý lầu Bảo Đại) và Tập đoàn Hà Đô thành lập Công ty CP Đầu tư Khánh Hà để thực hiện dự án khu biệt thự nghỉ dưỡng cao cấp Bảo Đại.
Đến tháng 8/2013, tỉnh Khánh Hòa thu hồi di tích lầu Bảo Đại từ Công ty Khatoco giao hẳn cho Tập đoàn Hà Đô, trong đó có cả 5 ngôi biệt thự cổ để làm dự án biệt thự nghỉ dưỡng đẳng cấp 5 sao,
Trong quá trình thực hiện chủ đầu tư đã có nhiều vi phạm, bị thanh tra Sở Xây dựng tỉnh Khánh Hòa xử phạt vi phạm hành chính, đình chỉ thi công vi phạm từ tháng 8/2017. Sau đó hai doanh nghiệp vẫn tiếp tục vi phạm và bị đình chỉ thi công (tháng 5/2018) cho đến nay.
Hiện, 5 ngôi biệt thự cổ đã xuống cấp nghiêm, một số hư hỏng ở mức nghiêm trọng.
Theo ông Nguyễn Trung Kiên, từ khi được cấp dự án, doanh nghiệp đã bỏ ra hơn 300 tỷ đồng đầu tư các hạng mục, tuy nhiên do nhiều lý do nên dự án bị dừng lại.
“Dự án không được triển khai nhiều năm khiến doanh nghiệp thiệt đơn, thiệt kép vì số tiền đã bỏ ra không hề nhỏ. Hiện, tất cả thủ tục liên quan dự án chúng tôi đã hoàn thành, nên mong muốn UBND tỉnh Khánh Hòa sớm có ý kiến, cho tiếp tục triển khai dự án để hoàn thành theo kế hoạch”, ông Kiên nói.
Khu biệt thự được người Pháp xây dựng năm 1923, để làm nơi ăn ở cho các nhà hải dương học. Từ năm 1940 đến 1945, hoàng đế Bảo Ðại và hoàng hậu Nam Phương thường đến đây nghỉ dưỡng nên cái tên lầu Bảo Đại có từ thời đó.
Tháng 10/1995, UBND tỉnh Khánh Hòa công nhận khu biệt thự lầu Bảo Đại là “di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh”.
Tháng 8/2018, di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh lầu Bảo Đại lần đầu được UBND tỉnh Khánh Hòa đưa vào danh mục kiểm kê di tích và yêu cầu lập hồ sơ để bảo tồn.