Liên quan đến việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp bất thường để quyết định giảm thuế xăng dầu, đại diện các hiệp hội, doanh nghiệp, người dân và lái xe đồng tình với quyết sách này với mong muốn được chia sẻ, giảm bớt khó khăn trong hoạt động kinh doanh và đời sống sinh hoạt. Phóng viên Báo Công Thương đã có cuộc trao đổi với đại diện một số hiệp hội, doanh nghiệp, người dân xung quanh quyết định giảm thuế này.
Ông Bùi Văn Quản - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP. Hồ Chí Minh: Doanh nghiệp bớt áp lực bù lỗ
Từ lúc tăng giá xăng dầu tới nay, cơ cấu giá thành vận tải đã tăng lên ít nhất 16 - 17%. Điều này gây áp lực lớn cho doanh nghiệp vì phương tiện nào sử dụng dầu nhiều thì lỗ nhiều, sử dụng ít thì lỗ ít. Do vậy trong kỳ điều hành sắp tới vào ngày 11/7 nếu giá xăng giảm 1.000 đồng, doanh nghiệp sẽ giảm bớt phần nào việc bù lỗ trước đây (hiện doanh nghiệp đang lỗ khoảng 10%, nếu giá xăng giảm sẽ bớt lỗ còn 6%).
Sở dĩ doanh nghiệp vận tải đang chấp nhận “bù lỗ” vì hợp đồng với chủ hàng thường được đàm phán theo quý, theo năm nên không thể vì giá xăng tăng mà ngay lập tức điều chỉnh. Tuy nhiên, dù ít dù nhiều, lần giảm giá xăng này cũng là động thái tích cực của Chính phủ, Bộ, ngành trong hỗ trợ doanh nghiệp nói chung, và ngành vận tải nói riêng.
Ông Dương Trí Thanh - Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần quản lý G7 taxi: Doanh nghiệp vận tải “gồng mình” khi giá xăng dầu tăng
Doanh nghiệp rất hoan nghênh và ghi nhận những chia sẻ của Chính phủ, Bộ, ngành trong hỗ trợ doanh nghiệp nói chung và ngành vận tải nói riêng khi vừa rồi đã có hỗ trợ về giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng, dầu về mức sàn. Là một đơn vị vận tải có gần 2.000 xe taxi, những tác động của giá xăng dầu tăng cao rất “khủng khiếp”. Điều này gây áp lực lớn, doanh nghiệp vận tải phải “gồng mình” khi giá xăng dầu tăng, vì xe nào chạy nhiều sử dụng xăng dầu nhiều thì lỗ càng nhiều, nhưng chạy ít thì không có thu nhập.
Việc tăng giá xăng dầu khiến chi phí của doanh nghiệp đội lên gấp hai, gấp ba. Trong bối cảnh dịch Covid-19 mới được kiểm soát, áp lực chi phí khiến không ít doanh nghiệp vận tải trong đó có G7 vấp phải khó khăn. Do đó, sau 2 năm vượt qua đại dịch Covid-19, đến đợt tăng giá xăng lần này, G7 taxi đã cân nhắc và đi đến việc thay đổi giá cước nhưng mức tăng không đáng kể, chỉ điều chỉnh tương đương với mặt bằng chung hiện tại. Như vậy, doanh nghiệp và người lái xe đang phải chia sẻ khó khăn với người tiêu dùng trước việc nhiên liệu tăng giá nhằm bảo đảm ổn định thị trường.
Vì vậy, chúng tôi vẫn mong Nhà nước có các giải pháp dài hơi hơn, bền vững hơn để giữ bình ổn giá xăng dầu nhằm giúp các doanh nghiệp giảm bớt một phần khó khăn.
Ông Vũ Đức Thắng - Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Vận tải bưu chính Việt Nam: Tiết kiệm được hàng trăm triệu từ việc giảm giá xăng
Chúng tôi hiện đang có 150 xe tải nhỏ, chuyên chạy các tuyến đường trong nước và đi tuyến Campuchia. Trung bình mỗi tháng, công ty phải chi gần 2 tỷ đồng cho chi phí nhiên liệu nên khi giá xăng dầu tăng là gánh nặng lớn với doanh nghiệp, bởi doanh nghiệp không thể lúc nào cũng điều chỉnh giá vận tải cho khách hàng mà phải theo lộ trình, theo hợp đồng. Gần đây khi nghe thông tin Chính phủ từ đề xuất của Bộ Công Thương giảm thuế môi trường với xăng dầu, doanh nghiệp rất phấn khởi.
Theo đó việc giảm giá xăng thời điểm này sẽ giúp chúng tôi tiết giảm bớt chi phí. Vì đối với các doanh nghiệp vận tải, chi phí xăng dầu chiếm tới hơn 35% tổng chi phí. Do đó, nếu giá xăng giảm từ 1.000 - 2.000 đồng/lít, doanh nghiệp sẽ giảm được 10% chi phí. Với mức giảm này, mỗi tháng công ty sẽ tiết giảm được gần 200 triệu đồng cho hoạt động sản xuất kinh doanh.
Bên cạnh đó, trong 3 tháng vừa qua, khi giá xăng dầu tăng cao, bản thân doanh nghiệp cũng chưa có điều chỉnh tăng giá đối với khách hàng. Do đó, nếu giá xăng giảm doanh nghiệp sẽ tiết kiệm được nhiều chi phí cho cả bản thân doanh nghiệp cũng như khách hàng.
Ông Trương Đình Hòe - Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam: Củng cố niềm tin cho doanh nghiệp
Với doanh nghiệp thủy sản hiện nay, xăng dầu chiếm chi phí khá lớn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Theo đó, trong mỗi khâu như vận chuyển hay đóng gói hàng lên tàu… đều cần đến xăng dầu. Chưa kể, khi xăng dầu tăng thì giá thành các loại nguyên liệu đầu vào khác cũng tăng theo, dẫn tới chi phí của doanh nghiệp đội lên. Vì vậy, khi giảm giá xăng dầu sẽ tác động trực tiếp tới doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp bớt phần nào chi phí.
Quan trọng hơn, việc giảm giá xăng lần này còn cho thấy sự quyết liệt của Chính phủ trong kiểm soát lạm phát cũng như củng cố niềm tin rằng Chính phủ luôn đồng hành cùng người dân và doanh nghiệp. Bởi khi Chính phủ có biện pháp kiểm soát giá xăng ở mức hợp lý, sẽ giúp kiềm chế lạm phát ở mức thấp. Từ đó sẽ tạo môi trường tốt cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp .
Ông Lê Hoàng Chương - Giám đốc Nhân sự và Truyền thông C.P. Việt Nam: Góp phần giảm chi phí sản xuất, vận chuyển
Việc giảm thuế bảo vệ môi trường đối với các mặt hàng xăng dầu kể từ ngày 11/7 rất thiết thực trong bối cảnh hiện nay. Bởi lẽ xăng dầu là mặt hàng hàng thiết yếu quan trọng trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của C.P. Việt Nam.
Cụ thể, khi giá xăng giảm sẽ tác động tới giá thành nguyên liệu cũng như giá thành sản phẩm trong toàn bộ chuỗi cung ứng, sản xuất thực phẩm của công ty, giúp cho chi phí sản xuất bớt gánh nặng. Bên cạnh đó, về phương diện vận chuyển nội bộ, C.P. Việt Nam hiện đang sử dụng 700 chiếc xe ô tô để đưa đón nhân viên, chưa kể những nhân viên sử dụng xe máy cũng được hỗ trợ kinh phí xăng dầu hàng tháng. Do đó, khi xăng dầu giảm giá công ty sẽ trực tiếp tiết giảm được khoản chi phí “không nhỏ” mỗi tháng.
PGS.TS Phạm Văn Tài - Trưởng Khoa Thương mại quốc tế, Trường cao đẳng Kinh tế đối ngoại: Giúp người dân, doanh nghiệp “dễ thở” hơn
Việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội biểu quyết thông qua dự thảo Nghị quyết về điều chỉnh mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn để góp phần giảm giá các mặt hàng vừa mang tính chiến lược vừa mang tính thiết yếu này là quyết định kịp thời. Bởi lẽ mặt hàng xăng rất thiết yếu đối với tất cả các hoạt động sản xuất kinh doanh và hoạt động bình thường của xã hội. Do đó khi giảm dù ít hay nhiều cũng sẽ góp phần kiềm chế lạm phát, giúp người dân phần nào “dễ thở” hơn trong giai đoạn tất cả các chi phí đều tăng như hiện nay.
Tuy nhiên, tôi cho rằng, Chính phủ vẫn cần có những biện pháp “mạnh tay” hơn trong điều hành xăng dầu và nếu có thể tính toán giảm được nữa vẫn nên giảm. Có thể việc giảm thuế ngân sách sẽ thất thu nhưng tính trên phương diện chung thì giảm thuế ngoài hỗ trợ người dân , còn hỗ trợ thiết thực cho doanh nghiệp phục hồi, từ đó góp phần kiểm soát lạm phát.
Bà Đào Nhị Hà - Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất - thương mại Quang Dương: Có ý nghĩa lớn cho doanh nghiệp
Công ty chúng tôi đang có hơn 10 đầu xe tải và container vận chuyển trong nước, trung bình mỗi tháng chi phí nhiên liệu rơi vào khoảng 600 triệu đồng. Như vậy, trung bình mỗi tháng 10 xe sẽ đổ hết khoảng 15.000 lít xăng.
Với mức giảm 1.000 đồng/lít, doanh nghiệp chúng tôi sẽ tiết kiệm được trên 20 triệu đồng/tháng. Mặc dù so với mức tăng trong thời gian qua thì mức giảm này không phải quá lớn nhưng ở thời điểm này bất kỳ sự giảm giá nào cũng có ý nghĩa với doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp dễ thở hơn.
Bà Lã Thị Kim Dung - chủ cửa hàng tạp hóa Kim Dung, huyện Hóc Môn, TP. Hồ Chí Minh: Sẽ giảm chi phí vận chuyển, giao hàng giảm đáng kể
Qua báo đài chúng tôi đều biết việc tăng giá xăng dầu là tăng theo tình hình chung của toàn thế giới. Tuy nhiên, với việc tăng liên tục và tăng ở mức cao như giai đoạn này khiến hộ kinh doanh nhỏ như chúng tôi rất khó khăn. Vì theo tôi thấy hiện nay, chi phí hàng hóa đang rất cao, khi giá xăng tăng thì mọi chi phí vận chuyển giao - nhận hàng hóa của tạp hóa như chúng tôi cũng bị tăng theo, vô hình chung phải tính vào giá thành sản phẩm giao cho người mua.
Khi được nghe thông báo sắp tới giảm giá xăng khoảng 1.000 đồng/lít tôi đã rất phấn khởi vì Chính phủ quan tâm, hỗ trợ cho người dân. Và nếu sắp tới giảm giá xăng, tôi sẽ cân đối cụ thể để giảm trực tiếp các chi phí vận chuyển, từ đó giúp người mua có giá tốt hơn.
Ông Phạm Minh Thiện - Tài xế lái xe taxi ở Hà Nội: Xăng dầu không chỉ là hàng hóa thiết yếu
Lái xe taxi gần 10 năm nay, năm nay tôi mới thấy giá xăng tăng cao đến vậy, vượt hơn 30.000 đồng/lít. Do xăng dầu không chỉ là hàng hóa thiết yếu mà còn là mặt hàng liên quan đến đầu vào của rất nhiều mặt hàng, tác động lớn đến nền kinh tế, do vậy, giá xăng dầu tăng hay giảm đều ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp từ việc giảm giá cả các loại mặt hàng, dịch vụ khác.
Qua báo đài đưa tin, người dân chúng tôi biết được thông tin Nhà nước quyết định giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng, dầu về mức sàn, giảm khoảng 1.000 đồng/lít, tôi đã rất phấn khởi vì Nhà nước quan tâm, hỗ trợ cho người dân. Tôi cũng hy vọng trong kỳ điều hành sắp tới giá xăng được điều hành giảm, như vậy các chi phí khác cũng sẽ không có diễn biến tăng cao.
Ông Nguyễn Thành Trung – người dân ở phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội: Hy vọng giá xăng được điều chỉnh phù hợp
Việc giá xăng dầu tăng có thể nói là theo xu hướng chung của thế giới, điều này cũng ảnh hưởng trước tiếp tới cuộc sống sinh hoạt và làm việc của người dân chúng tôi khi mà giá cả các mặt hàng thiết yếu cũng tăng theo.
Vừa rồi tôi có nghe được thông tin Nhà nước có chính sách hỗ trợ cho người dân, đây là điều tuyệt vời. Tôi cũng hy vọng kỳ điều hành xăng dầu sắp tới, giá xăng trong nước sẽ được điều chỉnh hợp lý để giảm bớt phần nào khó khăn cho người dân.