Tại hội thảo “Thực phẩm bảo vệ sức khỏe chính thống Hàn Quốc”, chuyên gia nước này nhận định rằng các mặt hàng nông sản của Việt Nam có chất lượng cao. Tuy nhiên, nhiều sản phẩm vẫn chưa thể thâm nhập sâu vào thị trường quốc tế. Đây là thiệt thòi lớn cũng như một bài toán khó đối với nhiều doanh nghiệp xuất khẩu nông sản.
Doanh nghiệp cần nâng tầm phân khúc
Ông Park Mincheol, Giám đốc Tổng công ty Phân phối Nông thủy sản và thực phẩm Hàn Quốc (aT) khu vực ASEAN, cho biết Việt Nam có rất nhiều nông sản tươi ngon, có chất lượng tốt. Hiện tại, người tiêu dùng Hàn Quốc rất thích một số loại trái cây nhiệt đới của Việt Nam.
“Tuy nhiên, nếu các sản phẩm đó muốn thâm nhập sâu vào thị trường Hàn Quốc, doanh nghiệp Việt Nam phải chuyển hóa nông sản thành các sản phẩm đã qua chế biến. Hàng nông sản tươi bảo quản rất khó, việc di chuyển cũng tốn nhiều chi phí khác”, ông Park Mincheol chia sẻ.
Vị này nhấn mạnh rằng các doanh nghiệp cần chế biến nông sản tươi thành các sản phẩm cao cấp để phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng xứ sở kim chi. Nếu thực hiện được điều đó, các nông sản của Việt Nam có thể đi xa hơn, không chỉ xuất khẩu sang Hàn Quốc mà còn các thị trường khác trong khu vực và trên thế giới.
Ở chiều hướng ngược lại, ông Park Mincheol cho biết trong năm 2022, Việt Nam là thị trường lớn thứ tư của Hàn Quốc về xuất khẩu nông sản và thực phẩm, tăng 17% so với năm 2021.
Đặc biệt, lượng nhập khẩu các sản phẩm từ nhân sâm tại Việt Nam tăng tới 50%. Điều này cho thấy người tiêu dùng Việt có nhu cầu lớn đối với thực phẩm Hàn Quốc.
“Sau đại dịch Covid-19, người dân Việt Nam ngày càng quan tâm nhiều hơn đến các sản phẩm chăm sóc sức khỏe, đặc biệt là nhân sâm. Các sản phẩm khác như đông trùng hạ thảo, nấm linh chi… cũng đều là những sản phẩm nhận được sự yêu mến của người tiêu dùng Việt Nam”, ông Park Mincheol chia sẻ.
Các khó khăn trong việc nhập khẩu những sản phẩm chăm sóc sức khỏe từ Hàn Quốc vào Việt Nam gần như đã được giải quyết sau khi hai quốc gia thông qua các hiệp định thương mại tự do (FTA). Những rào cản về thuế quan và các thủ tục thông quan cũng đã được tháo gỡ so với trước đây, mối quan hệ ngoại giao giữa hai nước cũng đã được nâng lên.
Công thức thành công của nhân sâm Hàn Quốc
Chia sẻ về nguyên nhân khiến nhân sâm ở Hàn Quốc trở nên vang danh, ông Park Mincheol cho biết củ sâm tươi sẽ được chế biến, gia công thành nhiều mặt hàng cao cấp, phù hợp với nhiều lứa tuổi khác nhau, từ trẻ em, thanh niên đến người cao tuổi…
“Sâm Hàn Quốc cũng trải qua một quá trình nghiên cứu rất lâu. Chúng tôi sẽ phải phân tích các thành phần có trong sâm và chứng minh được hiệu quả của các thành phần đó. Điều này giúp chúng tôi có thể quản lý chất lượng của các sản phẩm hồng sâm liên quan”, ông Park Mincheol chia sẻ.
Các sản phẩm bảo vệ sức khỏe không thể có giá thành thấp mà vẫn đảm bảo chất lượng
Ông Park Mincheol, Giám đốc Tổng công ty Phân phối Nông thủy sản và thực phẩm Hàn Quốc khu vực ASEAN
Lý giải về mức giá cao của mặt hàng nhân sâm, Giám đốc aT khu vực ASEAN cho biết những sản phẩm chăm sóc sức khỏe thường phải sử dụng nguồn nguyên liệu quý và đắt nhất. Vì vậy, giá thành của sản phẩm cũng khó có thể đạt mức thấp.
“Các sản phẩm bảo vệ sức khỏe không thể có giá thành thấp mà vẫn đảm bảo chất lượng. Đây là việc đòi hỏi các mặt hàng chất lượng cao và an toàn”, ông Park Mincheol bình luận.
Riêng về các sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe, Bộ An toàn Thực phẩm và Dược phẩm Hàn Quốc (MFDS) đã chứng nhận 316 loại lưu hành, trong đó có 33 loại phục vụ cho sức khỏe làn da, 33 loại giảm mỡ trong cơ, 27 loại cho sức khỏe xương khớp, 24 loại giảm đường máu… Mức tăng trưởng của thị trường này trung bình hàng năm ước tính khoảng 15,9%.