Trên thị trường tiền tệ, đồng bạc xanh đã tăng suốt 4 tháng qua và mới chỉ hạ nhiệt, đẩy giá nhiều đồng tiền xuống đáy và khiến chi phí nhập khẩu tại các nước đang phát triển tăng vọt, Việt Nam cũng không ngoại lệ.
Rất nhiều doanh nghiệp ngành hàng không, thực phẩm và đồ uống (F&B), xăng dầu, bán lẻ... đều đang phải gồng mình chịu lỗ cho khoản chênh lệch tỷ giá.
Giá xăng, gas tăng theo USD
Việc tỷ giá USD/VNĐ tại các ngân hàng liên tục tăng cao trong những ngày gần đây khiến giá xăng dầu, gas trong nước chịu tác động.
Trong kỳ điều hành giá ngày 21/10, liên Bộ Công Thương - Tài chính cho biết ngoài tác động của giá xăng dầu thế giới, giá cơ sở mặt hàng xăng dầu trong nước còn chịu tác động của tỷ giá USD/VNĐ tại Vietcombank liên tục tăng (sau khi Ngân hàng Nhà nước liên tục điều chỉnh tăng tỷ giá trung tâm của hai đồng tiền tệ này).
"Giá mặt hàng xăng E5 RON 92 nếu không có tác động của yếu tố tỷ giá sẽ giảm nhẹ, tuy nhiên do tỷ giá tăng nên giá cơ sở của xăng E5 RON 92 đã tăng", liên Bộ Công Thương - Tài chính cho biết.
Giá cơ sở của xăng E5 RON 92 đã tăng theo tỷ giá USD/VNĐ. Ảnh: T.L.
Nói với Zing, lãnh đạo một doanh nghiệp đầu mối xăng dầu cho biết tỷ giá USD/VNĐ tăng mạnh khiến doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu gặp khó khăn. Thông thường, các doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu xăng dầu khi thanh toán với nhà cung cấp nước ngoài đều phải mua ngoại tệ của các ngân hàng thương mại để thanh toán.
"Nhưng gần đây tỷ giá tăng liên tục, có thời điểm khi nhập giá USD khoảng 23.500 đồng/USD nhưng khi thanh toán giá đã tăng vọt lên 24.000-25.000 đồng/USD khiến doanh nghiệp mất thêm rất nhiều chi phí", vị này cho hay.
Không chỉ mặt hàng xăng, giá gas cũng ảnh hưởng bởi tỷ giá quy đổi USD/VNĐ tăng mạnh. Ông Lê Quang Tuấn, Phó giám đốc Công ty CP Dầu Khí Thái Bình Dương, đánh giá việc tỷ giá USD/VNĐ tăng khiến doanh nghiệp chịu lỗ lớn: "Đầu tháng 10, tỷ giá là 24.010 đồng/USD thì đến nay đã tăng lên 24.885 đồng. Do đó, với mỗi bình gas 12 kg, công ty phải trả thêm gần 8.000 đồng vì chênh lệch tỷ giá giữa USD và VNĐ", ông dẫn chứng.
Ông Tuấn cho biết trong khi đó giá bán lẻ ngoài thị trường vẫn giữ nguyên khiến doanh nghiệp chịu lỗ. Chính vì vậy, trong giá gas điều chỉnh đầu tháng 11, các công ty sẽ phải tính phần chênh lệch tỷ giá này vào giá bán lẻ. Theo đó, giá bán lẻ gas tháng 11 dự báo tăng trên 8.000 đồng/bình 12kg.
Gồng lỗ
Các ngành kinh doanh khác như bán lẻ, hàng không cũng không tránh khỏi ảnh hưởng từ việc đồng USD tăng giá.
Chia sẻ với Zing, đại diện Gong Cha Việt Nam cho biết việc tỷ giá tăng mạnh thời gian qua khiến chi phí đầu vào của doanh nghiệp đội lên khoảng 10%, con số rất lớn với doanh nghiệp F&B.
"90% nguyên liệu để sản xuất đồ uống của Gong Cha được nhập khẩu từ Hàn Quốc, Đài Loan và tất cả hợp đồng đều được quy định thanh toán bằng đồng USD. Nguyên liệu này cùng một nhà máy, cùng một giá bán cho tất cả thị trường trên thế giới nên không thể thương lượng với đối tác. Nguyên liệu cùng theo tiêu chuẩn của Châu Âu nên có thời hạn sử dụng rút ngắn. Do đó, gần như công ty phải nhập khẩu hàng tháng", vị này cho biết.
Hiện, doanh nghiệp này đang rơi vào "thế khó", không thể tăng giá bán trong thời điểm này hoặc ít nhất trong 6 tháng tới vì không thể chuyển phần gánh nặng này sang người tiêu dùng khi nền kinh tế vừa mới phục hồi.
"Chúng tôi đang phải gồng mình bù lỗ cho khoản này, ước tính đến con số đơn vị hàng tỷ đồng", đại diện Gong Cha Việt Nam khẳng định.
Trong ngành hàng không, đại diện Vietravel Airlines cho biết hiện tại tỷ giá USD đã tăng cao hơn nhiều so với mức dự kiến của hãng là 23.500 đồng/USD. Trong khi đó, các đơn vị cung cấp xăng dầu tính dựa theo giá USD và hãng đang hạch toán theo giá VNĐ.
Vietravel Airlines phải gánh thêm 2 tỷ đồng chi phí nguyên liệu/tháng vì đồng USD tăng giá. Ảnh: T.L.
"Hiện tại giá một USD phát sinh thêm hơn 1.000 đồng so với trước đó. Điều này đồng nghĩa với việc Vietravel Airlines phát sinh thêm gần 2 tỷ đồng cho chi phí nguyên liệu trong một tháng".
Vị này chia sẻ thêm, trong việc mở đường bay quốc tế sắp tới, khi tiền vé được hãng thu và hạch toán bằng Đồng Việt Nam thì các chi phí khi thanh toán với các đối tác tại nước sở tại thông thường sẽ quy đổi về USD. Đây cũng là một bài toán khó đòi hỏi hãng phải tìm ra phương án tốt nhất trước tình hình tỷ giá USD hiện tại.
Ông Eric Trần, chủ sở hữu ViinRiic Galeries de farfums, cho biết: "Việc đồng USD tăng đã ảnh hưởng rất lớn đến giá sản phẩm nhập khẩu. Hiện, chúng tôi còn hàng dự trữ trong kho để tạm giữ giá nhưng trong tương lai, rất khó nói nếu đồng USD vẫn ở mức cao như hiện tại".
Ngoài ra, doanh nghiệp này còn bị ảnh hưởng vì hợp đồng thuê mặt bằng phải trả bằng USD quy đổi sang Đồng Việt Nam. Vị này ước tính mỗi mặt bằng đã tăng từ 200 đến 300 USD/tháng giá trị quy đổi khi đồng USD tăng giá.
Hy sinh một phần tài chính
Tiến sỹ, chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển nhận định: “Trong ít nhất 3-6 tháng tới, điều doanh nghiệp Việt Nam cần làm là cố gắng giữ vững đơn hàng và thị trường, đồng thời phải chấp nhận thiệt hại tài chính chứ không thể đặt ra mục tiêu có lời đối với các thị trường không sử dụng đồng USD”.
Trong bối cảnh hiện nay, ông Hiển cho rằng doanh nghiệp Việt vẫn dễ bị tổn thương bởi các chi phí nguyên liệu và nhiên liệu tăng cao hơn các nước như Thái Lan, Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản... Bởi vì Việt Nam hiện đa phần vẫn đang sản xuất các sản phẩm cấp thấp và cạnh tranh về giá.
Vì vậy, theo vị chuyên gia, doanh nghiệp Việt cần từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm lên, từ khâu sản xuất cho đến khâu chăm sóc khách hàng, từ đó hợp lý hóa sản xuất. Có như vậy, kết cấu giá thành của sản phẩm mới có thể chịu được chí phí nguyên liệu.
Trong ngắn hạn, vị chuyên gia khuyến nghị những doanh nghiệp sản xuất không nên vội vã tăng giá mà nên lập một quỹ dự phòng để giữ vững khách hàng. Tuy nhiên, nếu các công ty trong ngành cùng đồng loạt tăng giá thì nên chấp nhận và tăng giá từ từ. Trong những giai đoạn như hiện tại, chắc chắn đa số doanh nghiệp sẽ phải hy sinh một phần tài chính, rất ít bên có thể vừa đảm bảo lợi nhuận tăng trưởng mà không bị rủi ro tỷ giá.