Biến động tỷ giá gây ra nhiều thay đổi lớn trong kết quả kinh doanh của doanh nghiệp.
Việt Nam là một trong những quốc gia có nền kinh tế "mở" nhất thế giới. Năm 2021, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam xấp xỉ 670 tỷ USD, gần gấp đôi quy mô GDP (hơn 362 tỷ USD).
Mới đây, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã đưa ra quyết định "chưa từng có" khi tăng lãi suất thêm 0,75%, mức tăng cao nhất trong 28 năm qua, đưa mức lãi suất tham chiếu của Mỹ dao động từ 2,25% đến 2,5%.
Tuyên bố này ngay lập tức tác động đến tỷ giá, không ít doanh nghiệp Việt đã phải hạch toán các khoản lỗ hàng trăm, hàng nghìn tỷ đồng.
Lãi - lỗ tỷ giá “bóp méo” kết quả kinh doanh
Trong riêng quý II/2022, Tập đoàn Hòa Phát (mã HPG) đã lỗ 1.090 tỷ đồng do chênh lệch tỷ giá (sau khi trừ khoản lãi chênh lệch tỷ giá được hạch toán trong kỳ).
Lỗ chênh lệch tỷ giá đóng góp phần lớn trong khoản chi phí tài chính của Hòa Phát, đồng thời là một trong những nguyên nhân khiến lợi nhuận công ty giảm quá nửa trong quý II vừa qua.
Nhập khẩu nguyên liệu và dư nợ vay USD cao khiến Hòa Phát lỗ tỷ giá rất lớn. (Nguồn ảnh: Hòa Phát Group)
Lý giải nguyên nhân của tình trạng này, Hòa Phát cho rằng giá USD tăng mạnh (do chính sách thắt chặt tiền tệ của Mỹ) khiến các khoản dư nợ bằng đồng bạc xanh của tập đoàn được định giá lại cao hơn, phát sinh các khoản lỗ tỷ giá.
Bên cạnh đó, Hòa Phát cũng nhập khẩu nguyên liệu bằng đồng USD, chi phí hạch toán bằng Việt Nam đồng cũng bị tăng lên tương ứng.
Trong riêng quý II/2022, Hoàng Anh Gia Lai (mã HAG) - doanh nghiệp chuyên xuất khẩu trái cây sang Trung Quốc - đã lỗ tỷ giá 135 tỷ đồng, theo báo cáo tài chính hợp nhất của công ty.
Con số này phần lớn xuất phát từ khoản vay ngoại tệ trị giá hơn 254 tỷ đồng từ Ngân hàng Liên doanh Lào Việt. Nếu không lỗ tỷ giá, khoản lợi nhuận trước thuế của HAGL có thể đạt khoảng 392 tỷ đồng, thay vì mức 257 tỷ đồng được công bố.
Thu lợi từ xuất khẩu trái cây sang Trung Quốc, HAGL vẫn phải đối mặt với lỗ tỷ giá từ khoản vay ngoại tệ. (Nguồn ảnh: HAGL Agrico)
Tập đoàn Vingroup (mã VIC) cũng nằm trong số các doanh nghiệp chịu thiệt hại từ tình hình biến động tỷ giá. Trong riêng quý II/2022, lỗ chênh lệch tỷ giá của Vingroup hơn 1.014 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi 36,4 tỷ đồng cho khoản mục này. Lỗ tỷ giá đóng góp gần một nửa trong việc sụt giảm 2.209 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế trong quý II của Vingroup so với cùng kỳ (giảm từ mức 3.614 tỷ đồng xuống còn 1.405 tỷ đồng).
Trong khi nhiều doanh nghiệp lao đao với mức lỗ hàng nghìn tỷ do biến động tỷ giá, Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn (mã VHC) là một trong số các doanh nghiệp hiếm hoi được hưởng lợi nhờ biến động tỷ giá. 6 tháng đầu năm 2022, biến động tỷ giá đã mang lại khoản lãi ròng chênh lệch tỷ giá xấp xỉ 76 tỷ đồng cho doanh nghiệp cá tra hàng đầu Việt Nam. Lợi nhuận trước thuế lũy kế 6 tháng đầu năm ghi nhận 1.542 tỷ đồng, tăng gấp 3,5 lần so với cùng kỳ. Hoạt động xuất khẩu cá tra thu về nguồn ngoại tệ tạo ra mức lãi chênh lệch tỷ giá đáng kể, đóng góp vào lợi nhuận của công ty.
Vĩnh Hoàn là một trong số ít doanh nghiệp có lãi từ chênh lệch tỷ giá. (Nguồn ảnh: Zing News)
Chênh lệch tỷ giá gây ra nhiều thay đổi lớn trong kết quả kinh doanh của doanh nghiệp. Thực tế, rủi ro từ chênh lệch tỷ giá sẽ khác biệt giữa các doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp xuất nhập khẩu hoặc có khoản vay ngoại tệ lớn.
Bài toán giảm thiểu nguy cơ rủi ro từ biến động tỷ giá
Diễn biến tăng giá của đồng USD trong thời gian qua nằm ngoài dự đoán của các doanh nghiệp, thậm chí các quốc gia.
Từ đầu năm nay, tiền tệ của hầu hết các quốc gia đều mất giá so với đồng USD. Tuy nhiên, tỷ lệ mất giá tiền tệ giữa các nước sẽ khác nhau, đặc biệt ở những nền kinh tế lớn trên thế giới. Đơn cử, tỷ lệ mất giá của đồng Peso Mexico hay Dollar Canada chưa tới 4% nhưng Hàn Quốc, Anh hay khu vực đồng Euro lại hơn 10%. Thậm chí, đồng Yên Nhật có tỷ lệ mất giá xấp xỉ 17%. (Nguồn: FactSet).
Biến động của đồng USD đặt các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, hoặc giao dịch nguồn vốn (vay, cho vay) với nước ngoài trước thách thức kiểm soát rủi ro biến động tỷ giá.
Một doanh nghiệp có khoản lỗ tỷ giá hơn 1.000 tỷ đồng cho biết họ vẫn chưa thực sự kiểm soát những rủi ro này.
Công cụ quản lý rủi ro tỷ giá được biết đến nhiều nhất là hợp đồng giao dịch tiền tệ kỳ hạn (currency forward contract) - cho phép doanh nghiệp được mua/bán ngoại tệ với tỷ giá được chốt trong tương lai - nhằm tránh những biến động không thể dự báo.
Tuy nhiên, đây là công cụ hoàn toàn xa lạ với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, mặc dù ảnh hưởng của biến động tỷ giá lên kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp tương đối mạnh mẽ.
USD là đồng tiền chiếm khoảng 90% giao dịch ngoại hối toàn cầu. (Nguồn ảnh: Zing News)
Quá trình hội nhập và toàn cầu hóa khiến doanh nghiệp chịu ảnh hưởng từ biến động ngoại hối, nguy cơ rủi ro tỷ giá trở thành mối nguy với hầu hết các doanh nghiệp tại mọi nền kinh tế.
Trang bị các công cụ phòng ngừa rủi ro biến động tỷ giá cũng như các rủi ro khác trên thị trường quốc tế là việc mà các doanh nghiệp cần phải nghiêm túc tính đến, bởi những khoản lỗ mang lại có thể lên đến hàng nghìn tỷ đồng, bằng lợi nhuận của cả tháng/quý hoạt động của doanh nghiệp.