HĐQT Tổng CTCP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) vừa thông qua nghị quyết về việc tạm ứng cổ tức năm 2023 bằng tiền mặt với tỷ lệ 15%, tức cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu SAB sẽ nhận về 1.500 đồng. Với hơn 1,28 tỷ cổ phiếu đang lưu hành, ông lớn ngành bia này dự kiến phải chi ra 1.920 tỷ đồng để thanh toán cho cổ đông.
Đáng chú ý, nhờ sở hữu gần 53,6% vốn Sabeco, cổ đông lớn nhất - Công ty Vietnam Beverage (thuộc ThaiBev) - sẽ nhận về 1.030 tỷ đồng cổ tức vào đầu năm sau. Nếu được thanh toán đủ lượng cổ tức với tỷ lệ 35% theo kế hoạch đề ra năm nay, tập đoàn của tỷ phú Thái Lan Charoen Sirivadhanabhakdi có thể nhận về hơn 2.630 tỷ đồng tiền tươi.
Ông chủ Thái nhận cổ tức nghìn tỷ/năm
ThaiBev hoàn tất thương vụ thâu tóm Sabeco vào cuối năm 2017 sau khi công ty liên quan là Vietnam Beverage đấu giá thành công hơn 343 triệu cổ phần với giá 320.000 đồng/cổ phiếu. Tổng giá trị thương vụ lên đến 110.000 tỷ đồng (tương đương 5 tỷ USD thời điểm đó) và trở thành sự kiện M&A đắt giá nhất trong ngành bia châu Á.
Kể từ khi về tay người Thái, Sabeco chia cổ tức rất “thoáng tay”.
Trước năm 2017, tỷ lệ chi trả cổ tức bình quân của Sabeco thường dao động trong khoảng 20-30%. Tuy nhiên, từ 2017 đến nay, tỷ lệ chi trả cổ tức của công ty này đã tăng lên mức 35-50%, và tất cả đều được thanh toán bằng tiền mặt. Điều này đồng nghĩa mỗi năm, cổ đông Thái Lan đều đặn nhận về hàng nghìn tỷ đồng từ Sabeco.
Lũy kế đến nay, chủ thương hiệu Bia Sài Gòn đã đem về cho cổ đông Thái Lan khoảng 9.280 tỷ đồng tiền cổ tức.
Lãnh đạo đương nhiệm của Sabeco cũng bày tỏ tự hào với tỷ lệ trả cổ tức như hiện nay. Trong báo cáo thường niên 2022, Chủ tịch HĐQT Koh Poh Tiong khẳng định công ty sẽ tiếp tục cam kết đầu tư vào các cơ hội nhằm thúc đẩy tăng trưởng dài hạn và tối đa hóa giá trị cho cổ đông. Định hướng này cho phép Sabeco mang đến cho cổ đông khoản thu nhập cổ tức bền vững và tăng dần theo thời gian, phù hợp với triển vọng tăng trưởng dài hạn của công ty.
Đều đặn chia cổ tức tiền mặt tỷ lệ cao mỗi năm, nhưng về kết quả kinh doanh, nhà đầu tư không khó nhận ra doanh nghiệp bia hàng đầu Việt Nam đang hụt hơi.
Lũy kế 9 tháng đầu năm nay, Sabeco chỉ ghi nhận doanh thu thuần 21.940 tỷ đồng và lãi sau thuế 3.288 tỷ đồng, giảm lần lượt 12% và 24% so với cùng kỳ năm trước.
Với kế hoạch doanh thu cả năm 40.272 tỷ đồng và lãi ròng 5.775 tỷ đồng, công ty mới hoàn thành lần lượt 54% và 57% chỉ tiêu dù đã gần hết năm.
Thực tế, việc Sabeco suy giảm doanh thu đã được dự báo từ lâu khi hãng liên tục chịu sức ép từ yếu tố khách quan như dịch Covid-19 hay các quy định hạn chế sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông. Hậu đại dịch, xu hướng thắt chặt chi tiêu của người dân và áp lực cạnh tranh với đối thủ, đặc biệt là các ông lớn ngoại như Heineken khiến doanh số Sabeco chậm lại.
Trên sàn chứng khoán, cổ phiếu SAB của Sabeco đang được giao dịch quanh mốc 65.500 đồng/đơn vị, giảm 26% so với đầu năm và 48% so với mức cao nhất trong năm.
Gà đẻ trứng vàng
Một doanh nghiệp Việt khác cũng đang trở thành “gà đẻ trứng vàng” cho ông chủ Thái là CTCP Nhựa Bình Minh (HoSE: BMP). Đây là doanh nghiệp có tỷ lệ trả cổ tức hàng năm tương đối cao, đỉnh điểm lên tới 84% cho năm 2022, tức dành gần như toàn bộ lợi nhuận sau thuế năm kinh doanh này để thanh toán cho cổ đông.
Trong tháng này, Nhựa Bình Minh cũng sẽ tạm ứng cổ tức đợt 1 bằng tiền mặt với tỷ lệ 65% cho cổ đông, tương ứng mỗi cổ phiếu nhận về 6.500 đồng.
Với gần 82 triệu cổ phiếu đang lưu hành, Nhựa Bình Minh sẽ chi khoảng 532 tỷ đồng để trả cổ tức cho cổ đông. Trong đó, riêng tập đoàn mẹ là SCG (Thái Lan) dự kiến nhận về hơn 290 tỷ đồng.
Năm 2018, Nawaplastic Industries (công ty con của SCG) đã hoàn tất mua lại cổ phần Nhựa Bình Minh, qua đó nâng sở hữu lên 50,9%. Sau nhiều đợt chi tiền nâng sở hữu, gần nhất là đầu tháng 3 năm nay, tỷ lệ của cổ đông xứ chùa vàng tại doanh nghiệp nhựa Việt đã tăng lên xấp xỉ 55%.
Lũy kế đến nay, Nawaplastic cũng đã nhận về xấp xỉ 1.600 tỷ đồng tiền cổ tức từ Nhựa Bình Minh.
Trong năm 2022, Nhựa Bình Minh ghi nhận doanh thu đạt 5.825 tỷ đồng, tăng 28% so với năm trước đó và vượt kế hoạch đề ra. Lợi nhuận sau thuế ghi nhận 694 tỷ đồng, tăng 225%, vượt 55% kế hoạch.
Còn 9 tháng đầu năm nay, công ty ghi nhận doanh thu thuần đạt 3.702 tỷ đồng, giảm 16% so với cùng kỳ, trong khi lãi sau thuế tăng hơn 75% lên 785 tỷ đồng. Dù doanh thu mới hoàn thành 58% kế hoạch đề ra đầu năm nhưng lợi nhuận của nhà sản xuất nhựa này đã vượt chỉ tiêu 20%.
Không chỉ nắm giữ đa số vốn ở Nhựa Bình Minh, Tập đoàn SCG còn hiện diện trong một doanh nghiệp Việt khác là CTCP Bao bì Biên Hòa (HoSE: SVI) thông qua công ty con TCG Solutions.
Được thành lập năm 1968, Bao bì Biên Hòa là một trong 5 nhà cung cấp bao bì lớn nhất khu vực phía Nam, chuyên cung cấp bao bì cho Unilever, Pepsico, Nestle. Doanh nghiệp này có quy mô 3 nhà máy trực thuộc, công suất 100,000 tấn/năm, liên tục đạt mức tăng trưởng bình quân 20-25%/năm.
Cuối năm 2020, cổ đông Thái Lan đã mua thành công 12,1 triệu cổ phần SVI, tương ứng 94,11% vốn. Năm nay, doanh nghiệp này cũng thông qua kế hoạch trả cổ tức với tỷ lệ 23,4%, đồng nghĩa cổ đông Thái sắp nhận về hơn 28 tỷ đồng.
Ngoài ra, nhóm doanh nghiệp có sự hiện diện của các cổ đông Thái như Vinamilk (HoSE: VNM); Fimex (HoSE: FMC); Tập đoàn FPT (HoSE: FPT)... đều là những doanh nghiệp thường xuyên chia cổ tức tiền mặt cho cổ đông.