Tổng CTCP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam - PVS là doanh nghiệp có vị thế dẫn đầu trong lĩnh vực xây lắp các công trình dầu khí ngoài khơi tại Việt Nam.
Điều này đã giúp cho công ty hưởng lợi từ Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện 8 - QHĐ8). QHĐ8 nêu bật ưu tiên phát triển các dự án mỏ khí lớn trong nước để cung cấp khí sản xuất điện như Lô B – Ô Môn và phát triển điện gió ngoài khơi trong cả ngắn và dài hạn.
Theo báo cáo tài chính quý 2, doanh thu của công ty đã tăng 23,6% so với cùng kỳ lên mức 4.711 tỷ đồng. Nguyên nhân chủ yếu là do mảng Cơ khí và Xây lắp (M&C) tăng cao hơn 63% so với cùng kỳ, đến từ sự đóng góp của các dự án điện gió ngoài khơi như Hai Long và Changhua ở Đài Loan.
Trong quý 2, PVS ghi nhận lợi nhuận ròng tăng 33 lần so với cùng kỳ lên 225 tỷ đồng nhờ chi phí quản lý doanh nghiệp giảm 34,2% so với cùng kỳ, thu nhập tài chính thuần tăng 23,6% so với cùng kỳ và 34 tỷ đồng hoàn nhập dự phòng bảo hành dự án.
Trong 6 tháng đầu năm, lợi nhuận ròng của công ty tăng 2 lần so với cùng kỳ lên 439 tỷ đồng. Như vậy, PVS đã hoàn thành 42% dự phóng cả năm.
Tình hình tài chính rất vững mạnh của PVS với vị thế tiền mặt ròng gần 9.400 tỷ đồng (tương đương 19.600 đồng/cổ phiếu) và tỷ lệ nợ vay ròng/Vốn chủ sở hữu là -72% vào cuối quý 2/2023. Điều này có thể giúp công ty hưởng lợi từ môi trường lãi suất cao.
Vào cuối quý 2 vừa qua, liên danh Semco Maritime và PTSC M&C đã trúng thầu EPC cho 4 trạm biến áp ngoài khơi (công suất 375 MW mỗi trạm) cho dự án Baltica 2 tại Ba Lan, đánh dấu bước nhảy vọt của PVS trong việc tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị điện gió ngoài khơi toàn cầu.
Cùng với hai dự án ở Đài Loan (Trung Quốc) là điện gió Hải Long và Changhua, lĩnh vực xây lắp điện gió ngoài khơi mang lại lượng backlog trị giá 590 triệu USD cho mảng M&C của PVS trong ba năm tới. Ngoài ra, PVS cũng đã tham gia đấu thầu nhiều dự án điện gió ngoài khơi ở nhiều khu vực trên thế giới như Nhật Bản, Hàn Quốc hay Trung Đông.
"Theo quan điểm của chúng tôi, nhờ mối quan hệ hợp tác với tập đoàn hàng đầu trong lĩnh vực điện gió – Orsted, PVS sẽ có thể trúng thêm nhiều hợp đồng trong lĩnh vực này trong những năm tới, từng bước trở thành một công ty tên tuổi trong chuỗi giá trị điện gió ngoài khơi toàn cầu...
Doanh thu mảng M&C sẽ tăng trưởng kép 30,4% trong giai đoạn 2023 - 2025, trở thành động lực tăng trưởng chính của PVS trong cùng thời kỳ", Công ty chứng khoán VnDirect phân tích.
Cuộc khủng hoảng năng lượng do căng thẳng địa chính trị vừa qua đã nêu bật tầm quan trọng của việc tự chủ nguồn cung năng lượng, qua đó có thể tiếp thêm động lực để các cơ quan quản lý đẩy mạnh hoạt động thăm dò và khai thác (E&P) tại Việt Nam, đặc biệt là trong bối cảnh hầu hết các mỏ hiện hữu tại Việt Nam đều đã đi vào giai đoạn cuối vòng đời khai thác, với sản lượng suy giảm tự nhiên giảm khoảng 15 - 25%/năm. VnDirect cũng cho biết, PVS sẽ là doanh nghiệp hưởng lợi chính từ việc hoạt động E&P tại Việt Nam dự kiến sẽ sôi động hơn kể từ năm 2024 trở đi.
VnDirect đánh giá: "Thực tế, chúng tôi nhận thấy nhiều dự án phát triển mỏ dầu khí quy mô vừa và nhỏ đã được bật đèn xanh và có những chuyển động đáng kể trong vài tháng qua, đơn cử như dự án Đại Hùng Giai đoạn 3, Kình Ngư Trắng hay Lạc Đà Vàng. Những dự án này sẽ cung cấp cơ hội việc làm tiềm năng cho các nhà cung cấp dịch vụ Dầu khí trong nước, trước hết là cho các nhà thầu EPCI như PVS".
Mặc dù có nhiều điều kiện thuận lợi trong nửa cuối năm, tuy nhiên, ngành dầu khí nói chung và PVS nói riêng cũng sẽ gặp không ít khó khăn. Đầu tiên là giá dầu thấp hơn kỳ vọng do việc giá dầu giảm sâu có thể làm suy yếu nền tảng cơ bản của ngành cũng như tâm lý thị trường đối với giá cổ phiếu dầu khí.
Bên cạnh đó, việc chậm trễ hơn nữa trong việc triển khai các dự án E&P, đặc biệt là một số dự án lớn như Lô B – Ô Môn, vì nó sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến khối lượng công việc tiềm năng cho các doanh nghiệp dịch vụ thượng nguồn cũng như nguồn cung dầu khí trong nước trong dài hạn