Ngày 1/12, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có công điện yêu cầu Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Công Thương, các bộ ngành, địa phương yêu cầu các đơn vị kinh doanh xăng dầu lập hóa đơn điện tử theo từng lần bán hàng và kết nối dữ liệu với cơ quan thuế trong tháng 12 này.
Trường hợp doanh nghiệp không thực hiện hoặc cố tình không thực hiện sẽ bị kiểm tra, xử lý.
Tuy nhiên trước yêu cầu này, nhiều doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu cho biết họ khó có thể thực hiện được ngay vì chi phí quá lớn trong bối cảnh kinh doanh khó khăn, thua lỗ kéo dài.
Nhẩm tính chi phí để thiết lập hóa đơn điện tử và kết nối dữ liệu từ cột bơm xăng đến cơ quan thuế, chủ một doanh nghiệp xăng dầu ở Lâm Đồng cho biết phải tốn hơn 420 triệu đồng chi phí đầu tư ban đầu.
"Đặc thù kinh doanh bán lẻ xăng dầu là bán trực tiếp cho người dân sử dụng, hầu hết không có nhu cầu lấy hóa đơn. Mặt khác, đa số lượt bán thường có giá trị bình quân khoảng 10.000-50.000 đồng. Trong khi đó, một hóa đơn điện tử có chi phí 500-700 đồng sẽ gây khó khăn thêm cho doanh nghiệp", ông phân tích.
Chưa kể, theo vị này, nếu buộc phải xuất hóa đơn điện tử đúng quy chuẩn phải có thông tin khách hàng sẽ dẫn đến việc ảnh hưởng thời gian, công việc của khách.
Nếu áp dụng xuất hóa đơn điện tử sau mỗi lần bán trong thời điểm chiết khấu về mức 0 đồng, doanh nghiệp lo sẽ lỗ tới tiền tỷ mỗi năm.
Tương tự, ông Giang Chấn Tây, Giám đốc Công ty TNHH MTV Bội Ngọc cho biết hàng nghìn doanh nghiệp bán lẻ đang gặp khó khăn khi thực hiện hóa đơn điện tử từng lần bán.
"Nếu thực hiện quy định này, hầu hết doanh nghiệp phải bỏ các đầu số điện tử của trụ bơm đang còn sử dụng để gắn đầu số điện tử mới tương thích với việc gắn được máy in. Điều này rất lãng phí khi các đầu số này vẫn còn giá trị sử dụng lâu dài", ông nhìn nhận.
Do đó, ông kiến nghị cho phép doanh nghiệp bán lẻ thực hiện xuất hóa đơn điện tử như hiện nay (cuối ngày mới xuất hóa đơn tổng bán trong ngày) mà không cần xuất theo từng lần bán.
Trước đó, Bộ Công Thương cũng cho rằng việc áp dụng ngay quy định hóa đơn điện tử và kết nối với cơ quan thuế sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp, thậm chí có thể dẫn tới đứt nguồn cung, ảnh hưởng thị trường xăng dầu.
Bộ tính toán trường hợp mỗi cửa hàng có 4 cột bơm xăng, chi phí cho thiết bị in khoảng 3 triệu đồng một cột bơm thì cần đầu tư 12 triệu đồng. Với 17.000 cửa hàng bán lẻ hiện nay, chi phí này khoảng hơn 200 tỷ đồng. Ngoài ra còn chi phí trang bị chip đồng bộ, kết nối máy tính để xuất hóa đơn theo từng cột bơm nhiên liệu.
Hiện nay, cả nước có khoảng 17.000 cửa hàng bán lẻ xăng dầu, theo quy định sẽ phải thực hiện lộ trình sử dụng và kết nối hóa đơn điện tử với ngành thuế.
Nhưng đến nay mới chỉ có "ông lớn" Petrolimex áp dụng với hơn 2.700 cây xăng. Các doanh nghiệp đầu mối khác đang nghiên cứu giải pháp kỹ thuật để triển khai.