6 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 185,94 tỷ USD, tăng 17,3% so với cùng kỳ năm trước. Các doanh nghiệp đã có nhiều đơn hàng tới cuối năm. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp lại không thể tăng tốc sản xuất vì thiếu nguyên liệu .
Ông Đặng Văn Chung - Tổng Giám đốc Công ty Datalogic Việt Nam - cho biết: Đơn hàng nhiều, nhu cầu thị trường lớn nhưng doanh nghiệp lại không thể nhận thêm đơn mới do thiếu linh kiện điện tử. Không chỉ giao hàng thiếu, mà thời gian giao hàng phải kéo dài do việc tìm kiếm nguồn nguyên liệu thay thế tương đối khó khăn, dẫn tới doanh thu nhà máy hiện thấp hơn 15% so với kế hoạch đặt ra.
Cùng với ngành điện tử, dệt may, thủy sản, da giày, gỗ và các sản phẩm từ gỗ… cũng đang thiếu nguyên liệu. Theo ông Võ Quang Hà - Phó Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Thủ công mỹ nghệ Đồng Nai, nguồn cung gỗ từ châu Âu cho Việt Nam giảm sâu, trong thời gian ngắn, doanh nghiệp gỗ Việt Nam phải đối mặt với khó khăn kép là tìm nơi cung cấp nguyên liệu và giá nguyên liệu tăng phi mã.
"Giá nhập khẩu gỗ thông trong tháng 3/2022 là hơn 300USD/m3, tăng gần 100USD/m3 so với năm 2021. Trong thời gian qua, nguồn cung nguyên liệu gỗ từ những thị trường lớn như New Zealand giảm 80%, Argentina giảm 53%, Australia giảm 72% và châu Âu giảm hơn 90%" - ông Hà chia sẻ.
Không chỉ đứt gãy chuỗi nguyên liệu còn kéo theo đứt gãy chuỗi cung ứng cung - cầu khi chi phí sản xuất của các doanh nghiệp tăng cao. Năm 2022, ngành thủy sản đặt mục tiêu xuất khẩu 10 tỷ USD nhưng con số này đang có nguy cơ không hoàn thành mà nguyên nhân là thiếu nguyên liệu và chi phí giá nguyên liệu, thức ăn chăn nuôi tăng quá cao khiến nông dân bỏ ao, thu hẹp quy mô sản xuất.
Ông Nguyễn Anh Nhân - Giám đốc kinh doanh Công ty CP Gò Đàng - chia sẻ, hiện tại công ty không thiếu nguyên liệu, vẫn đảm bảo được sản xuất nhưng chi phí nguyên liệu tăng cao, chi phí thức ăn chăn nuôi tăng… nên giá thành cũng bị tăng cao, khó cạnh tranh.
Đề sống còn, các doanh nghiệp gỗ Đồng Nai đang tìm nguồn nguyên liệu trong nước và các nước khác để bù lại. Chẳng hạn, thay vì nhập ở châu Âu, theo ông Võ Quang Hà, doanh nghiệp tỉnh này đã chuyển qua nhập nhiều hơn từ Hoa Kỳ, song song đó đàm phán lại với các đối tác chuyển sang các loại gỗ khác có sẵn trong nước như gỗ tràm, cao su…
Tuy nhiên, lùi thời hạn giao hàng, cùng đối tác chia sẻ, tiết giảm chi phí… không phải là giải pháp lâu dài cho tình trạng thiếu nguyên liệu. Theo các chuyên gia, cần có chính sách vĩ mô để doanh nghiệp có thể tận dụng nguồn nguyên liệu trong nước, giúp doanh nghiệp chủ động nguyên liệu cho sản xuất lâu dài.
Liên quan vấn đề này, bà Cao Thị Kim Lan - Giám đốc Công ty CP Thủy sản Bình Định - bày tỏ: Vấn đề nguyên liệu cần có sự vào cuộc của Chính phủ làm sao ổn định giá xăng dầu, ổn định chi phí cho những chuyến đi biển của ngư dân để ngư dân bám biển, tiếp tục vươn khơi đánh bắt mới có thể đảm bảo nguồn cung nguyên liệu cho chế biến thủy sản.