Khó khăn bủa vây doanh nghiệp xuất khẩu
Ông Cao Văn Đồng, Trưởng ban Xúc tiến thương mại của Hiệp hội gỗ Bình Dương, Tổng giám đốc Công ty TNHH Kettle Interiors chia sẻ: Đơn hàng xuất khẩu gỗ đang giảm từ 30-60% so với hồi đầu năm. Tại Bình Dương hiện có hơn 80% trên tổng số 1.500 doanh nghiệp buộc phải giảm giờ làm, giảm công suất để duy trì hoạt động.
Thực tế khó khăn của doanh nghiệp gỗ cũng là khó khăn chung hiện nay của các doanh nghiệp xuất khẩu dệt may. Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai - Trưởng đại diện Văn phòng Hiệp hội Dệt may Việt Nam tại TP. Hồ Chí Minh cho biết: Dưới ảnh hưởng của lạm phát, khủng hoảng năng lượng... trên toàn cầu đã kéo theo lượng đơn hàng về Việt Nam đang giảm mạnh. Điều đáng nói là không chỉ doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam mà ngay cả nhà nhập khẩu cũng đang tồn đọng lượng hàng lớn do sức mua giảm sút.
“Nếu cuối năm 2021 là thời hoàng kim của ngành dệt may thì tới giữa năm 2022 tình hình đã đảo chiều. Khó khăn nối tiếp nhau bởi ngoài đơn hàng sụt giảm, doanh nghiệp còn phải đối mặt với lãi suất cao khiến các nhà máy chịu áp lực lớn về tài chính. Chủ doanh nghiệp không biết có nên giữ công nhân không và bản thân họ cũng không biết chống chịu đến lúc nào”- bà Mai nói.
Tương tự với lĩnh vực thủy sản, ông Lê Bảo Toàn đại diện Công ty CP Thủy sản Minh Phú (Hậu Giang)- cho hay, một vài vài tháng gần đây, lượng hàng xuất khẩu của doanh nghiệp đi châu Âu, Mỹ giảm nhiều so với cùng kỳ năm trước. Thêm vào đó, lãi suất cho vay tăng cao khiến chi phí lãi vay của doanh nghiệp tăng theo, kéo giảm sức cạnh tranh. Trước tình hình trên, lãnh đạo Minh Phú đang đang chỉ đạo sát sao về sản xuất bám chặt vào đơn hàng, tập trung vào các mặt hàng có giá trị gia tăng để nâng cao lợi nhuận cho doanh nghiệp.
Ở tầm rộng hơn, theo báo cáo từ Bộ Công Thương, thị trường xuất khẩu đang bị thu hẹp. Một số mặt hàng chủ lực xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường EU, Mỹ đang đối mặt với các áp lực về điều tra phòng vệ thương mại, gian lận xuất xứ; thị trường châu Âu đang dựng lên các rào cản kỹ thuật liên quan đến môi trường, phát triển bền vững, chuyển đổi xanh..., khiến doanh nghiệp bị động và gặp nhiều bất lợi trong tiếp cận thị trường. Cùng với đó, Bộ Công Thương cũng cho biết hàng Việt Nam phải cạnh tranh gay gắt với sản phẩm xuất khẩu cùng loại của Trung Quốc trên thị trường EU, Mỹ, Nhật Bản, Đông Á… do Trung Quốc nới lỏng chính sách tiền tệ, đồng người tiêu dùng giảm giá mạnh khiến giá hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc rẻ hơn.
Chấp nhận lỗ để không cạn vốn
Trước tình hình trên, ông Hồ Quốc Lực - Chủ tịch HĐQT Công ty CP thực phẩm Sao Ta cho rằng, doanh nghiệp cần có chiến lược phát triển bài bản, tầm nhìn dài hạn. Trước mắt, thấy xu thế tiêu thụ giảm, doanh nghiệp cần giải phóng hàng tồn kho giá mềm, chấp nhận lỗ để không cạn vốn thì sẽ cầm cự được qua giai đoạn này.
Về lâu dài, doanh nghiệp cũng cần cắt giảm chi phí, nêu cao tinh thần tiết kiệm để giảm giá thành, nâng cao cạnh tranh. Mặt khác, trong xu thế hiện nay phải trang bị công nghệ mới, những công đoạn nào sản xuất chế biến có thể tự động, số hóa thì phải làm.
Trong khi đó, với doanh nghiệp dệt may, theo đại diện của Hiệp hội Dệt may Việt Nam - VITAS, không phải doanh nghiệp nào cũng bi đát bởi có một số lĩnh vực như đồng phục, đồ bảo hộ vẫn đang hoạt động tốt. Do đó, các doanh nghiệp trong Hiệp hội có xu hướng chia sẻ đơn hàng cùng nhau, đồng thời một số khác đang phải chấp nhận làm cả những đơn hàng đòi hỏi yêu cầu chất lượng cao hơn, số lượng nhỏ lẻ hơn và thời gian giao hàng ngắn hơn.
Cũng theo VITAS, bên cạnh chủ động của doanh nghiệp, Hiệp hội đã làm việc với các nhãn hàng để kêu gọi nhãn hàng mua hàng có trách nhiệm, giúp nhà xuất khẩu giải quyết khó khăn trong giai đoạn này. Ngoài ra, VITAS khuyến cáo doanh nghiệp linh động đa dạng hóa mặt hàng, hướng vào những thị trường có FTA để tăng cơ hội tiếp cận khách hàng.
“Trước giờ các doanh nghiệp dệt may quá tập trung vào xuất khẩu và bán B2B. Do vậy đã đến lúc doanh nghiệp phải bán B2C và doanh nghiệp có thể thực hiện khi sử dụng các sàn thương mại điện tử”- bà Nguyễn Thị Tuyết Mai nói.
Cùng với các giải pháp trên, các hiêp hội, ngành hàng và doanh nghiệp xuất khẩu cũng nhận định rằng, việc tham gia các hội chợ, triển lãm ở trong nước cũng như quốc tế trong thời điểm này là cần thiết. Bởi lẽ khi tham gia những hoạt động này, doanh nghiệp sẽ tìm kiếm được người mua hàng mới, từ đó mở rộng cơ hội xuất khẩu.