Trong tháng đầu năm 2023, doanh số chung của nhóm xe máy thương hiệu Honda ghi nhận mức sụt giảm đáng kể.
Doanh số giảm nhưng giá không giảm
Cụ thể theo báo cáo bán hàng do Honda Việt Nam cung cấp, chỉ có 222.545 xe máy của thương hiệu này được bán ra tại nước ta trong tháng 1, giảm 13,1% so với số liệu của tháng trước đó và thấp hơn 16% so với cùng kỳ năm ngoái.
Doanh số trong tháng 1 của Honda Vision – mẫu tay ga bán chạy nhất của hãng – cũng không nằm ngoài xu hướng nói trên khi lượng xe bán ra thấp hơn 10,3% so với tháng trước và giảm 5,7% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tuy vậy, giá bán thực tế tại đại lý của dòng xe tay ga được ưa chuộng hàng đầu Việt Nam vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
Theo tìm hiểu của Zing, giá bán của Honda Vision các phiên bản tại đại lý đang dao động trong khoảng 32,99-39,99 triệu đồng. Trong đó, mức giá rẻ nhất thuộc về Vision phiên bản Tiêu chuẩn, còn Honda Vision phiên bản Thể thao có giá bán 39,99 triệu đồng.
Trong số này, Honda Vision phiên bản Đặc biệt đang tạm hết hàng, trong khi khách quan tâm phiên bản Cao cấp chỉ có thể lựa chọn 2 phối màu trắng-đen và đỏ-đen.
Với dòng SH Mode, giá bán thực tế của phiên bản Tiêu chuẩn là 57,69 triệu đồng. SH Mode phiên bản Cao cấp có giá bán tại đại lý ở mức 66,19 triệu đồng, còn phiên bản Đặc biệt được mời chào với giá 67,99 triệu đồng.
Đối với phiên bản Thể thao, mức giá thực tế tại đại lý đang là 74,19 triệu đồng. Như vậy so với giá niêm yết chính hãng, Honda SH Mode đang bị đội giá gần 10 triệu đồng ở phiên bản cao cấp nhất.
Đại lý này cho biết đang tạm hết hàng Air Blade 160 cc. Với biến thể sở hữu động cơ 125 cc, giá bán bản Đặc biệt của Honda Air Blade là 43,39 triệu đồng, còn bản Tiêu chuẩn có giá 42,49 triệu đồng.
Đối với các dòng xe tay ga của Yamaha, giá niêm yết của Janus đang dao động từ 28,18 triệu đồng đến 32,76 triệu đồng. Như vậy giá thực tế của Janus có sự chênh lệch không quá nhiều ở phiên bản Tiêu chuẩn trong khi phiên bản Giới hạn được bán với giá thấp hơn niêm yết chính hãng.
Tại cửa hàng này, giá bán của Yamaha Grande thế hệ mới dao động từ 46,8 triệu đồng đến 53,6 triệu đồng, nghĩa là mức chênh lệch chỉ 1,7 triệu đồng so với giá niêm yết ở phiên bản cao cấp nhất.
“Lượng xe có sẵn khá nhiều nhưng sức mua chưa thấy cải thiện đáng kể”, nhân viên cửa hàng thừa nhận.
Nguồn cung sụt giảm
Theo thống kê từ Tổng cục Hải quan, Việt Nam đã hoàn thành nhập khẩu lượng xe máy và linh kiện, phụ tùng có tổng trị giá 52,37 triệu USD trong tháng đầu năm 2023. Số liệu này giảm 18,9% so với tháng 12/2022 và thấp hơn 11,2% so với tháng đầu năm 2022.
Trong khi đó, số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy trong tháng 1, ước tính nước ta đã hoàn thành sản xuất và lắp ráp 228,4 nghìn xe máy. Số xe lắp ráp nội địa vừa nêu chỉ tương đương 64,5% sản lượng trong tháng 12/2022 và rơi vào khoảng 67,9% so với những gì ngành xe máy Việt Nam đạt được ở cùng kỳ năm ngoái.
Theo báo cáo của Hiệp hội các nhà sản xuất xe máy Việt Nam (VAMM), doanh số của 5 thành viên trong năm 2022 đã đạt hơn 3 triệu xe, tăng trưởng 20,49% so với giai đoạn 12 tháng của năm 2021.
Sức bán nói trên tương đương với việc cứ mỗi ngày của năm 2022 trôi qua, người Việt Nam lại mua hơn 8.200 xe máy từ 5 thành viên VAMM, bao gồm Honda Việt Nam, Piaggio Việt Nam, Việt Nam Suzuki, SYM Việt Nam và Yamaha Motor Việt Nam.