Dù mới xuất hiện trên sàn thương mại điện tử Amazon từ đầu năm, doanh số các mặt hàng của Sunhouse luôn tăng trưởng trung bình 160-200%/tháng tại thị trường Bắc Mỹ. Một số sản phẩm thậm chí còn trong tình trạng "cháy hàng" thường xuyên.
Đây là kết quả vượt mức kỳ vọng đối với một doanh nghiệp sản xuất mới chập chững bước ra thị trường quốc tế, chưa kể còn ít kinh nghiệm và chuyên môn bán hàng trực tuyến như Sunhouse.
Tăng trưởng vượt bậc
Theo ông Lê Tùng, giám đốc marketing của tập đoàn này, việc hợp tác với Amazon là bước đi đầu tiên cho quá trình thương hiệu tiếp cận trực tiếp người tiêu dùng quốc tế, thay vì thông qua trung gian xuất khẩu hay bán lẻ. Ông tin rằng một khi được đón nhận tích cực trên nền tảng này, cơ hội vươn ra các thị trường mới sẽ khả quan hơn.
"Nếu doanh nghiệp tự đơn phương tìm hiểu về một thị trường thì sẽ mất đến vài năm. Tuy nhiên, nếu bắt tay với những nền tảng thương mại điện tử (TMĐT) xuyên biên giới thì con đường ra quốc tế sẽ được rút ngắn đáng kể", ông nhìn nhận.
Nhiều sản phẩm "made in Vietnam" đang được xuất khẩu trực tuyến với doanh số tăng mạnh. Ảnh: AnEco.
Tại một hội thảo mới đây, bà Trần Thị Yến Phi, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại & Dịch vụ DSW cũng cho biết từ doanh thu 3.000 USD cho đơn hàng xuất khẩu đầu tiên qua sàn TMĐT Alibaba, sau một năm tổng doanh số đã tăng lên 260.000 USD. Đà tăng trưởng này cho phép doanh nghiệp tự tin đặt mục tiêu xuất khẩu được 3,5 triệu USD trong thời gian tới và tiếp tục thâm nhập thị trường EU.
Chia sẻ với báo chí, ông Trần Tuấn Dũng - nhà sáng lập thương hiệu thủ công mỹ nghệ cói xiên đan lát Chicnchill - cho rằng lợi điểm của các sàn TMĐT xuyên biên giới không chỉ là sự am hiểu thị trường quốc tế mà còn là giải pháp tối ưu chuỗi cung ứng toàn cầu. Qua đó, doanh nghiệp có thể tinh gọn nguồn lực và thời gian vận hành để tập trung phát triển thương hiệu và chất lượng sản phẩm.
Kết quả, start-up đạt tốc độ tăng trưởng doanh thu lên đến 700% sau năm đầu tiên tham gia Amazon. Các năm tiếp theo, ông đặt mục tiêu tăng trưởng 200-300%/năm, đồng thời mở rộng thị trường đến các nước châu Âu.
Thậm chí, với An Phát Holdings, doanh số xuất khẩu online các sản phẩm phân hủy sinh học mang thương hiệu AnEco trong 7 tháng đầu năm nay đã tăng gấp 5 lần con số của năm đầu tiên mở bán 2021. Ông Nguyễn Lê Thăng Long, phó tổng giám đốc tập đoàn ước tính doanh số cả năm có thể gấp 15-20 lần năm ngoái.
Hàng nghìn doanh nghiệp lên sàn quốc tế
Thống kê của Amazon Global Selling Việt Nam cho thấy trong vòng 12 tháng từ 1/9/2021 đến 31/8/2022, gần 10 triệu sản phẩm "made in Việt Nam" đã được bán ra trên nền tảng này. Trong đó, 5 ngành hàng bán chạy nhất là dụng cụ nhà bếp, đồ gia dụng, may mặc, sản phẩm chăm sóc sức khoẻ và cá nhân, tiện ích gia đình.
"Nếu số lượng nhà bán hàng Việt Nam trên Amazon năm 2021 tăng 15% so với năm 2020, thì so sánh năm 2022 và 2021 cho mức tăng đến 80%.
Điều này không phải do nhu cầu mua hàng Việt Nam trên Amazon tăng cao, mà vì thị trường quốc tế còn nhiều tiềm năng để Việt Nam khai thác. Doanh nghiệp Việt cũng ngày càng sẵn sàng hơn cho việc tham gia TMĐT xuyên biên giới", ông Gijae Seong, Giám đốc Amazon Global Selling Việt Nam nói.
Trong khi đó, ông Vũ Thế Tùng, phụ trách phát triển thị trường Alibaba.com tại Việt Nam lại đặt kỳ vọng lớn vào xu hướng chuyển đổi số của các doanh nghiệp. Đến năm 2025, nền tảng này muốn hợp tác với hơn 10.000 doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam.
Doanh nghiệp Việt ngày càng coi trọng TMĐT xuyên biên giới. Ảnh: AGS.
Một khảo sát do AlphaBeta thực hiện mới đây với hơn 300 doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa tại Việt Nam cho thấy có đến 88% đơn vị nhận định TMĐT rất quan trọng trong hoạt động xuất khẩu. Họ tin rằng doanh số bán lẻ trực tuyến xuyên biên giới sẽ cao hơn doanh số bán lẻ trực tuyến trong nước.
Cũng từ đây, AlphaBeta dự báo doanh thu từ xuất khẩu thương mại điện tử B2C tại Việt Nam sẽ tăng trưởng 20% mỗi năm trong giai đoạn 2021-2026, ước đạt 256.100 tỷ đồng vào năm 2026. Đơn vị này cho rằng nếu coi thương mại điện tử B2C là một ngành hàng xuất khẩu, đây sẽ là ngành hàng thế mạnh thứ 5 tại Việt Nam trong 5 năm tới.
Hay nói như ông Gijae Seong, nếu xét đến tổng kim ngạch xuất khẩu hơn 300 tỷ USD của Việt Nam năm 2021, thì tổng doanh số bán hàng trực tuyến xuyên biên giới còn rất nhỏ. Do đó, dư địa cho xuất khẩu "online" còn rất lớn.
Điều quan trọng, theo ông, là doanh nghiệp phải thay đổi tâm thế, xác định các nền tảng TMĐT xuyên biên giới là một mô hình kinh doanh hoàn toàn mới để xây dựng một đội ngũ vận hành riêng và đầu tư nguồn lực một cách nghiêm túc.
Còn từ phía nền tảng, có thể thấy Amazon lẫn Alibaba.com những năm gần đây đều đẩy mạnh hợp tác với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số thuộc Bộ Công Thương (iDEA) và Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) để tổ chức nhiều chương trình đào tạo, hỗ trợ doanh nghiệp trong nước để không chỉ bán được hàng mà còn xây dựng thương hiệu hàng Việt.