Theo thống kê của Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, trong 4 ngày qua, cả nước chỉ có khoảng 2,5 triệu lượt khách du lịch, giảm gần 17% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, nhiều tỉnh, thành miền Trung thu hút lượng du khách tăng cao so với cùng kỳ năm trước.
Tại Khánh Hòa, theo bà Nguyễn Thị Lệ Thanh, Giám đốc Sở Du lịch, tỉnh này đón trên 503.000 lượt khách tham quan và nghỉ dưỡng, tăng 41% so với cùng kỳ năm 2022. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt hơn 662 tỷ đồng.
Du khách tập trung ở các khu nghỉ dưỡng khép kín tại Bãi Dài, Dốc Lết và các đảo với công suất trên 90%. Nha Trang có công suất phòng hơn 70% (chủ yếu khách sạn 3 - 5 sao và tương đương). Khánh Hòa tung ra nhiều sản phẩm du lịch mới mẻ để hút khách như chèo SUP đón hoàng hôn trên sông Cái, bắn cung, xem phim, tiệc buffet hải sản...
Đà Nẵng ước tính đón 254.000 lượt khách, tăng 6,3% so với năm 2022. Trong đó, khách quốc tế đạt gần 79 ngàn lượt và khách nội địa đạt hơn 175 ngàn lượt. Tổng thu du lịch ước đạt gần 915 tỷ đồng. Một số khu điểm đón lượng khách lớn như Sun World Bà Nà Hills (hơn 47.000 lượt), Công viên Châu Á (hơn 12.000 lượt), Công viên suối khoáng nóng Núi Thần Tài (20.000 lượt), Danh thắng Ngũ Hành Sơn (khoảng 21.000 lượt)…
Ở các tỉnh phía Bắc, Hà Giang vẫn giữ vững ngôi vị là một trong những tỉnh thành có công suất phòng cao nhất nước. Trong hai ngày 2 và 3/9, công suất phòng toàn tỉnh đạt 95 - 100%. Vào ngày đầu và cuối kỳ nghỉ lễ, công suất phòng đạt 80 - 93%. Theo Sở Du lịch tỉnh, năm nay Hà Giang có nhiều hoạt động khác biệt so với những năm trước. Thành phố Hà Giang và các huyện Vị Xuyên, Quản Bạ đã đầu tư các xe chở hoa với chủ đề sắc thu, trong khi huyện Đồng Văn tổ chức lễ hội khèn Mông nhằm thu hút khách du lịch. Tổng thu du lịch đạt gần 178 tỷ đồng, bằng 59% so với dịp 30/4.
Thông tin từ Sở Du lịch Lào Cai, tổng lượng khách du lịch đến địa phương trong 4 ngày nghỉ lễ Quốc khánh năm 2023 tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2022 (tăng 167%) với hơn 300 ngàn lượt. Tổng thu từ du lịch của Lào Cai dịp này đạt khoảng 740 tỷ đồng. Riêng tại Khu du lịch Quốc gia Sa Pa, trong 4 ngày nghỉ lễ, tổng lượng khách du lịch đến với địa bàn đạt gần 100.000 lượt. Công suất phòng nghỉ trên địa bàn đạt từ 90 - 95%. Tổng doanh thu từ khách du lịch đạt trên 340 tỷ đồng, tăng hơn 57 tỷ đồng.
Tuy nhiên, nhiều tỉnh, thành ghi nhận lượng khách và doanh thu giảm mạnh so với kỳ nghỉ 30/4 trước đó. Điển hình, trong 4 ngày nghỉ lễ, toàn tỉnh Thanh Hóa đón 320.000 lượt khách, mang về doanh thu 663 tỷ đồng, công suất phòng đạt 29%. Riêng công suất phòng tại khu du lịch Pù Luông đạt 100%. Tuy nhiên, nếu so với dịp 30/4, cả lượng khách và doanh thu đều giảm mạnh, lần lượt bằng 26,6% và 24%. Dịp 30/4, Thanh Hóa đứng top hai về doanh thu du lịch với hơn 2.800 tỷ đồng và đón 1,2 triệu lượt khách, chỉ sau TP.HCM.
Tương tự, trong 4 ngày nghỉ lễ 2/9 vừa qua, Nghệ An đón 270.000 lượt khách, tổng thu du lịch đạt trên 500 tỷ đồng, công suất phòng đạt trên 50%. Tuy nhiên, kết quả này chỉ bằng 30% so với 780.000 lượt khách và 1.500 tỷ đồng dịp 30/4. Khánh Hòa đón hơn nửa triệu lượt khách, doanh thu đạt 662 tỷ đồng, công suất phòng đạt 69%. Con số này thấp hơn 850 tỷ đồng và 800.000 lượt khách mà tỉnh đón dịp 30/4.
Trong kỳ nghỉ lễ 2/9, tỉnh Kiên Giang nói chung và Phú Quốc nói riêng đều ghi nhận lượng khách giảm so với cùng kỳ năm 2022. Trong 4 ngày nghỉ lễ, tổng lượt khách đến tham quan du lịch trên địa bàn tỉnh đạt gần 127 ngàn lượt khách, giảm 32,9% so với cùng kỳ. Riêng Thành phố Phú Quốc đón 62,5 ngàn lượt khách, giảm 26,5% so với cùng kỳ. Lượng khách tới địa phương này sụt giảm khoảng 50% so với kỳ nghỉ 30/4 vừa qua.
Đặc biệt, TP. HCM ước đón 960.000 lượt khách trong 4 ngày nghỉ lễ, theo thống kê từ Sở Du lịch thành phố, doanh thu ước đạt 2.890 tỷ đồng, công suất phòng ước đạt 80%. Lượng khách tăng nhẹ so với dịp 30/4 (950.000 lượt), công suất phòng cao hơn 10% nhưng doanh thu thấp hơn, chỉ đạt 93%. Thủ đô Hà Nội cũng bùng nổ về lượng khách đến (640.000 lượt), doanh thu hơn 2.000 tỷ đồng, công suất phòng khách sạn đạt 59,5%. Cả ba chỉ số này tăng so với cùng kỳ 2022 nhưng lượng khách và doanh thu thấp hơn so với dịp 30/4.
Có thể nói, kỳ nghỉ lễ Quốc khánh kéo dài 4 ngày nhưng lượng khách du lịch không tăng cao như năm ngoái. Hầu hết các địa phương đều ghi nhận lượng khách và doanh thu sụt giảm đáng kể so với kì nghỉ 30/4 - 1/5 trước đó. Tổng Giám đốc Công ty du lịch Wondertour Lê Công Năng chia sẻ Covid-19 đến giờ vẫn ảnh hưởng đến ngành du lịch, sức mua của người dân vẫn giảm so với thời điểm trước dịch. Do đó, các công ty lữ hành ghi nhận lượng khách đặt 2/9 có tăng nhưng vẫn không đạt số lượng kỳ vọng.
Bên cạnh đó, kỳ nghỉ lễ 2/9 năm nay ghi nhận xu hướng nghỉ lễ tiết kiệm. Người dân thắt chặt chi tiêu, cắt giảm chi phí phương tiện công cộng, ưu tiên các điểm du lịch gần hoặc ngay tại nơi sinh sống. Kỳ nghỉ lễ Quốc khánh năm nay cũng ít hơn một ngày so với kỳ nghỉ dịp 30/4 trước đó, nên nhiều du khách đã đi chơi dịp hè sẽ không có kế hoạch đi du lịch tiếp.
Việc trẻ nhỏ chuẩn bị vào năm học mới cũng khiến các gia đình hạn chế đi chơi xa hoặc du lịch dài ngày. Nguyên nhân cuối cùng được cho là bởi thời tiết ở một số điểm đến miền trung và nam như Đà Nẵng, Bình Định, Phú Quốc không thuận lợi do ảnh hưởng của cơn bão Saola, dẫn đến việc du khách hủy kế hoạch du lịch vào phút cuối.