Petrolimex (PLX) vừa công bố BCTC hợp nhất quý 1/2023 với doanh thu thuần đạt 67.432 tỷ đồng (~2,9 tỷ USD), tăng 400 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2022. Song, chi phí giá vốn được tiết giảm đôi chút khiến lãi gộp tăng 28% đạt mức 3.559 tỷ đồng. Biên lãi gộp cải thiện nhẹ từ 4% đến 5%.
Trong kỳ, doanh thu từ hoạt động tài chính tăng mạnh 60% lên 514 tỷ đồng, chủ yếu nhờ lãi chênh lệch tỷ giá đóng góp tới 281 tỷ đồng cho doanh thu tài chính, chiếm 55% (gấp 2,4 lần cùng kỳ). Chi phí tài chính cũng gia tăng 27% lên 382 tỷ đồng.
Ngoài ra, các khoản chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp cũng tăng lần lượt 22% và 14%. Kết quả, Petrolimex ghi nhận lợi nhuận sau thuế đạt 667 tỷ đồng, tương ứng tăng 51% so với thực hiện quý 1/2022. LNST thuộc về công ty mẹ đạt 620 tỷ đồng, gấp hơn 2,5 lần so với cùng kỳ.
Tính đến thời điểm 31/3/2023, tổng tài sản của Petrolimex giảm 8% (tương đương hơn 5.800 tỷ đồng) xuống còn 68.639 tỷ đồng. Hàng tồn kho giảm 2.651 tỷ đồng, ghi nhận giá trị 14.581 tỷ đồng. PLX tích luỹ một lượng lớn tiền mặt và tiền gửi khoảng 16.369 tỷ đồng.
Về nợ, tổng nợ phải trả giảm 6.480 tỷ đồng xuống còn 40.213 tỷ, chiếm tỷ trọng cao nhất là phải trả người bán với giá trị ghi nhận 19.221 tỷ; theo sau là vay nợ ngắn hạn ghi nhận tới 13.552 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối của Petrolimex đến cuối quý 1/2023 đạt xấp xỉ 3.270 tỷ đồng.
Theo Báo cáo thường niên 2022, trong năm 2023 Petrolimex tiếp tục xác định tập trung gia tăng tại phương thức bán lẻ, phương thức mang lại lợi nhuận chính của ngành hàng trên cơ sở phát huy lợi thế thương hiệu, hệ thống rộng khắp các tỉnh thành.
Do đó, Petrolimex sẽ đặt trọng tâm việc sửa chữa và phát triển mới cửa hàng xăng dầu. Doanh nghiệp này dự kiến xây dựng mới 76 cửa hàng xăng dầu với giá trị đầu tư là 360 tỷ đồng, cải tạo nâng cấp cửa hàng 470 cửa hàng với giá trị đầu tư khoảng 950 tỷ đồng.