Tại hội nghị tổng kết cuối năm, Tổng công ty Viễn thông MobiFone cho biết doanh thu công ty mẹ MobiFone tính theo phương pháp ghi nhận “doanh thu theo dung lượng thực tế sử dụng” ước đạt 28.329 tỷ đồng. Qua đó giúp doanh nghiệp lãi trước thuế 2.713 tỷ đồng.
Năm 2022, MobiFone bám sát chiến lược phát triển của Tổng công ty đến năm 2030 với 3 trụ cột chủ lực gồm hạ tầng số, giải pháp số/nền tảng số và dịch vụ nội dung số.
Cụ thể, công ty đã triển khai phát triển thuê bao song song với tăng cường rà soát, quản lý, chuẩn hóa thông tin thuê bao theo quy định của Nhà nước. Để bù đắp cho sự sụt giảm doanh thu các dịch vụ viễn thông di động, MobiFone tập trung đẩy mạnh doanh thu data, dự kiến mức tăng trưởng gần 27% so với thực hiện năm 2021.
Từ tháng 4/2022, MobiFone cho ra mắt MobiFone Pay và Mobile Money. Hết năm, MobiFone dự kiến phát triển 600.000 tài khoản đăng ký sử dụng các dịch vụ với doanh thu bán hàng trên 550 tỷ đồng.
Thống kê đến tháng 12/2022, tổng số khách hàng Mobile Money đạt gần 3 triệu. Trong đó số lượng khách hàng ở nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa là hơn 2 triệu khách hàng, chiếm 70%.
MobiFone cũng đẩy mạnh định hướng “Make in MobiFone” và sản xuất công nghiệp, mang lại doanh thu tăng trưởng trên 60% so với 2021.
Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ TTTT Phạm Đức Long nhận định dịch vụ viễn thông truyền thống đang bị bão hòa với mức độ cạnh tranh khốc liệt. Các doanh nghiệp chủ yếu cạnh tranh về giá và chất lượng không được cải thiện nhiều.
Nhìn chung, thị trường viễn thông năm 2022 chỉ tăng trưởng 1,6% trong khi những thị trường đã có dấu hiệu tăng trưởng chậm lại. Những con số từ các doanh nghiệp đầu đàn cũng cho thấy sự suy giảm của dịch vụ viễn thông truyền thống. Do đó, thị trường viễn thông trong năm 2023 có thể chứng kiến nhiều thách thức.
Thứ trưởng đề nghị MobiFone cần chú trọng duy trì dịch vụ cốt lõi là viễn thông di động, bao gồm siết chặt và đẩy lùi nạn SIM rác, cuộc gọi lừa đảo và đảm bảo an toàn thông tin khách hàng. Đồng thời tận dụng công nghệ để tiết giảm chi phí vận hành đại lý bán lẻ, sản xuất thẻ cào vật lý thanh toán viễn thông, sản xuất sim vật lý.
Năm nay, Bộ TTTT cũng dự kiến triển khai đấu giá 5G. Tuy nhiên, thứ trưởng nhận định trạm 5G đòi hỏi số lượng lớn trong khi số lượng thiết bị hỗ trợ 5G chưa nhiều. Do vậy, các nhà mạng nên chia nhau đầu tư hạ tầng và dùng chung để giảm chi phí cũng như phủ rộng mạng 5G.
Theo hướng dẫn của Bộ Tài chính và Bộ Thông tin và Truyền thông, áp dụng từ năm 2022, các chỉ tiêu doanh thu, lợi nhuận được hạch toán theo phương pháp ghi nhận “doanh thu theo dung lượng thực tế sử dụng” thay vì phương pháp ghi nhận “doanh thu tại thời điểm thu tiền bán thẻ trả trước”.