Tờ Financial Times (FT) cho hay trong khi ngân hàng trung ương khắp nơi trên thế giới đang đau đầu chống lạm phát thì Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới lại đối mặt với nguy cơ hoàn toàn ngược lại: giảm phát.
Báo cáo chính thức cho thấy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của nước này đã đi ngang trong tháng 6/2023 so với cùng kỳ năm trước còn chỉ số giá sản xuất (PPI) thì giảm mạnh nhất kể từ năm 2016. Điều này hoàn toàn trái ngược với lạm phát đạt 9,1% ở Mỹ trong tháng 6 so với cùng kỳ năm trước bất chấp động thái nâng lãi suất liên tiếp của Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED).
Thậm chí ngay cả Nhật Bản, nền kinh tế từng chìm vào giảm phát và giảm tốc trong nhiều năm thì nay cũng có lạm phát 3,2% trong tháng 5/2023.
Tờ FT cho hay trong khi các nền kinh tế phát triển phải vật lộn vì giá năng lượng tăng cao sau xung đột Ukraine, đi kèm với đà lên giá của lương thực thì Trung Quốc lại kiểm soát được những mặt hàng này, qua đó ngăn chặn đà tăng lạm phát.
Trớ trêu thay, nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới lại đang đối mặt với cái bẫy giảm phát khi sức mua yếu, đầu tư giảm vì những dư chấn từ lệnh giãn cách đại dịch Covid-19.
Hiện các chuyên gia kinh tế đang chờ đợi báo cáo GDP quý II/2023 sẽ được công bố vào tuần tới của Trung Quốc để đánh giá thêm tình hình.
“Điểm chính ở đây là nhu cầu nội địa Trung Quốc rất yếu và nó giải thích cho mọi ý kiến tiêu cực hiện nay”, chuyên gia kinh tế trưởng Alicia Garcia Herrero của Natixis khu vực Châu Á Thái Bình Dương nhận định.
Một mình một kiểu
Vào tháng 12/2022, Trung Quốc là nền kinh tế lớn cuối cùng trên thế giới thực sự mở cửa để chấm dứt chuỗi ngày dài siết chặt giãn cách chống dịch Covid-19.
Cũng tương tự như các nền kinh tế khác, chính quyền Bắc Kinh đã thực hiện hàng loạt chính sách nới lỏng tiền tệ lẫn tài khóa để hồi phục kinh tế hậu đại dịch. Vào năm 2020 khi đại dịch bùng phát, Trung Quốc đã phát hành 1 nghìn tỷ Nhân dân tệ trái phiếu, tương đương 140 tỷ USD, đồng thời thực hiện thâm hụt ngân sách cao đến 3,6% GDP và giảm 30 điểm phần trăm lãi suất để ổn định kinh tế.
Năm 2022 khi đại dịch đã dần qua đi, Trung Quốc bơm 1,4 nghìn tỷ USD vào nền kinh tế thông qua các ngân hàng quốc doanh, đồng thời nới lỏng để chính quyền các địa phương phát hành thêm trái phiếu, đồng thời hạ thêm 20 điểm phần trăm lãi suất nhằm kích thích kinh tế hồi phục.
Thế nhưng phần lớn những khoản hỗ trợ của Trung Quốc lại chủ yếu đổ vào đầu tư cho cơ sở hạ tầng, cắt giảm thuế cho doanh nghiệp hơn là chi tiền trực tiếp cho người dân chi tiêu.
Điều này khác với Mỹ khi chính quyền Washington cũng thực hiện nới lỏng chính sách tiền tệ nhưng các khoản hỗ trợ được quy thành tiền chảy trực tiếp vào túi người dân cũng như quy đổi thành ích lợi cho người lao động bị mất việc.
Chính điều này đã tạo nên sự khác biệt giữa Trung Quốc với phần còn lại của thế giới trong công cuộc chống lạm phát.
Ngoài ra, trong khi các nền kinh tế nhanh chóng mở cửa trở lại để đón nhận người lao động thì Trung Quốc lại giãn cách quá lâu, khiến tỷ lệ thất nghiệp tăng cao còn doanh nghiệp thì đóng cửa hàng loạt, dẫn đến những tổn thương nặng hơn cho thị trường tiêu dùng, việc làm cũng như đầu tư.
Sự ảm đạm của thị trường cùng chính sách chấn chỉnh nền kinh tế khiến ngành bất động sản quan trọng của Trung Quốc chịu ảnh hưởng, đẩy giá nhà đi xuống và kéo lạm phát hạ nhiệt. Nhiều nhà đầu tư cũng như doanh nghiệp đã quyết định giảm công suất trước hàng loạt những báo cáo dự đoán u ám từ thị trường.
“Trung Quốc đang rơi vào cái bẫy mất niềm tin khi kinh tế khó khăn ảnh hưởng đến sức mua và đầu tư, qua đó tác động tiêu cực ngược lại thị trường, tạo thành một vòng luẩn quẩn”, báo cáo của Citibank ghi rõ.
Giảm phát
Hãng tin CNBC cho hay Phó thống đốc ngân hàng trung ương Trung Quốc (PBOC), ông Liu Guoqiang cho hay nhiều khả năng chỉ số CPI của nước này sẽ giảm trong tháng 7/2023. Mặc dù vậy, vị quan chức này khẳng định sẽ không có rủi ro giảm phát trong nền kinh tế Trung Quốc.
“Hiện nền kinh tế Trung Quốc không có giảm phát, và cũng sẽ không có nguy cơ này trong nửa cuối năm nay”, ông Liu nhấn mạnh.
Mặc dù vậy, ngân hàng HSBC cùng nhiều chuyên gia kinh tế lại cảnh báo về sự hồi phục của thị trường tiêu dùng sau những thông tin không mấy tích cực của CPI. Trong tháng 6, dù lạm phát tại Trung Quốc đi ngang nhưng chỉ số lạm phát cơ bản (đã trừ mặt hàng thực phẩm, năng lượng) lại giảm 0,1% so với tháng trước.
Trong khi đó, tờ Nikkei Asian Review thì nhận định thẳng Trung Quốc đang ngày càng đối mặt với nguy cơ giảm phát như những gì từng diễn ra ở Nhật Bản thập niên 1990.
Cụ thể, Nikkei cho rằng nền kinh tế Trung Quốc dù mở cửa trở lại nhưng các thông số đều không đạt như kỳ vọng trước đó. Quý I/2023 của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới dù tăng trưởng nhưng kém hơn so với dự đoán, hàng loạt các hoạt động kinh doanh đều giảm tốc mạnh ngoại trừ mảng dịch vụ.
Thậm chí, ngành bất động sản của thị trường này có khả năng đối mặt với rủi ro khủng hoảng kép, cả ở trong đại dịch lẫn hậu đại dịch.
Theo Nikkei, những mảng kinh doanh vừa và nhỏ hoặc tư nhân đều đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng sau 3 năm giãn cách vì đại dịch. Bởi vậy chủ doanh nghiệp khá cẩn trọng trong việc tuyển dụng lại cũng như mở rộng công suất hậu đại dịch.
Trong khi đó các hộ gia đình Trung Quốc không được nhận tiền trợ cấp trực tiếp như Phương Tây nên sức mua còn yếu, thay vào đó họ tập trung gửi tiết kiệm nhiều hơn. Điều này đã dẫn tới doanh số bán lẻ tại Trung Quốc vẫn thấp hơn 10% so với thời trước dịch, nhưng tỷ lệ tiết kiệm hộ gia đình lại cao hơn 3 điểm phần trăm so với năm 2019.
“Các chính sách kinh tế trước đây hiện đang dần có tác dụng. Chúng ta cần sự kiên nhẫn và niềm tin rằng nền kinh tế sẽ tiếp tục tăng trưởng bền vững”, Phó thống đốc Liu của PBOC trấn an mọi người.