Ngày 21/4, Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA) tổ chức Hội nghị Hướng dẫn các giải pháp tháo gỡ, khắc phục những tồn tại, vướng mắc về PCCC trong hoạt động sản xuất kinh doanh.
Tại đây, đại diện Công ty Nidec (TP Thủ Đức) cho biết có ý định cải tạo một kho hàng 500 m2 từ trước Covid-19, tuy nhiên phải hoãn lại vì dịch bệnh. Điều đáng nói, từ tổng chi phí 800 triệu đồng ban đầu, nay nhà thầu điều chỉnh báo giá lên đến gần 5 tỷ đồng, phần tăng lên chủ yếu để đáp ứng các quy định mới về PCCC.
Theo vị này, hầu hết chi phí từ khâu thiết kế đến thi công, vật liệu, cũng như chi phí làm thủ tục xin cấp phép, kiểm định... đều tăng cao.
Chi phí đội lên quá cao
Cùng chung tình cảnh, ông Trần Văn Hùng, Chủ tịch Công đoàn Công ty Cơ khí Tân Thanh, cho hay sau khi tính toán phương án thiết kế và thi công, doanh nghiệp sẽ cần 1,5 tỷ đồng để xây dựng một nhà xưởng 2.000 m2, trong khi làm theo trước nay chỉ khoảng 1,2 tỷ đồng.
Đại diện cho hơn 200 doanh nghiệp logistics, ông Nguyễn Chí Đức - Ủy viên BCH Hiệp hội Logistics TP.HCM, đồng thời là Phó tổng giám đốc Công ty Nippon Express Việt Nam - cũng cho biết chi phí đầu tư cho công tác PCCC rất cao.
Đơn cử, ông kể một doanh nghiệp ở phường Trường Thọ, TP Thủ Đức được cơ quan PCCC yêu cầu đưa đầu phun nước chữa cháy vào từng hàng kệ trong kho. Ông cho rằng điều này không những gây khó khăn cho công nhân trong quá trình xếp dỡ hàng hóa, mà còn gây tốn kém lớn cho doanh nghiệp.
"Cả kho rộng 4.000 m2, mỗi hàng kệ khoảng 3-4 tầng, mà các đơn vị tư vấn đều báo giá khoảng 1,5 triệu đồng/m2, tính ra là 6 tỷ đồng. Nếu theo yêu cầu này, công ty tôi từ Nam ra Bắc có hơn 100.000 m2 diện tích kho kệ thì con số phải lên đến hàng trăm tỷ đồng, mà đó chỉ là chi phí của một doanh nghiệp", ông Đức nói.
Theo ông, những chi phí đầu tư này cuối cùng vẫn được tính vào giá thành dịch vụ, tức các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh khác phải gánh cùng. Trong khi đó, từ trước đến nay chi phí logistics ở Việt Nam vốn đã được đánh giá ở mức cao so với các nước khác, ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp.
Theo ông Lê Trọng Lập, Phó chủ tịch Hiệp hội các doanh nghiệp khu công nghiệp TP.HCM, trong quá trình soạn thảo các quy chuẩn, cơ quan chức năng cần xem xét khả năng chấp nhận của nền kinh tế, tức khi chi phí đầu tư bị đẩy lên cao, giá cả thị trường tăng vọt, liệu khách hàng có đủ khả năng chi trả hay không.
Các doanh nghiệp cho rằng vấn đề này càng cần phải cân nhắc kỹ trong bối cảnh sức khỏe tài chính của họ đều tổn hại nặng nề, trong khi thị trường chung cũng chưa hồi phục.
Cần sớm sửa đổi quy định
Tại hội nghị, Đại tá Huỳnh Ngọc Quan, Phó phòng Cảnh sát PCCC, CNCH Công an TP.HCM cũng cho biết chỉ trong giai đoạn 2020-2022 đã có 3 lần điều chỉnh quy chuẩn về PCCC.
"Chúng tôi là cơ quan quản lý trực tiếp, thường xuyên làm việc, mà hệ thống quy chuẩn ban hành liên tục như vậy còn khó cập nhật, chứ đừng nói đến đơn vị tư vấn thiết kế thi công", Đại tá Quan nói.
Dù vậy, ông cho hay Bộ Công an đã ban hành Công văn 1091 hôm 11/4 để tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong công tác bảo đảm an toàn PCCC. Công an TP.HCM ngay sau đó cũng có Công văn 1678 để triển khai cụ thể cho các lực lượng.
Điểm mới trong công văn này, theo Đại tá Quan, là cho phép cơ sở sản xuất xây dựng tại thời điểm nào thì áp dụng quy chuẩn phòng cháy chữa cháy tại thời điểm đó. Điều này có nghĩa chỉ những công trình đang xây dựng, trong quá trình thẩm duyệt mới phải áp dụng theo Thông tư 06.
Đồng thời, cơ quan này cũng rất hạn chế tạm đình chỉ, đình chỉ các cơ sở sản xuất kinh doanh, chỉ trừ các cơ sở karaoke có nguy cơ cháy nổ cao.
Đặc biệt, trong công văn lần này, ông Quang cũng cho biết việc thẩm định vật liệu xây dựng sẽ chuyển qua thẩm định đầu nguồn, tức ở phía nhà sản xuất, nhà nhập khẩu và thẩm định theo lô, thay vì kiểm định ở đơn vị thi công như trước.
Dù vậy, theo bà Lý Kim Chi, các doanh nghiệp vẫn lo lắng công văn này chỉ mang tính chất nội bộ ngành, về lâu dài vẫn cần sửa đổi các Thông tư để không gây khó khăn cho doanh nghiệp.
"Những tháo gỡ này chỉ dừng lại ở những doanh nghiệp đã xây dựng trước đó, với doanh nghiệp xây mới nếu thực hiện theo Thông tư 06 thì chi phí quá cao, ngay cả doanh nghiệp nước ngoài cũng 'lắc đầu'. Chưa kể một số quy định, quy chuẩn không thực sự cần thiết, có giải pháp thay thế tiết kiệm, hiệu quả hơn", bà Lý Kim Chi nói.
Lắng nghe các góp ý này, ông Quan cho biết sẽ giải quyết ngay những vấn đề thuộc thẩm quyền, đồng thời xin ý kiến các cấp cao hơn cho những vấn đề ngoài thẩm quyền.
"Hiện tại, Bộ Công an cũng đang yêu cầu các địa phương tổng hợp tất cả khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện. Đề nghị HUBA tổng hợp các ý kiến gửi về cho chúng tôi", ông nói.
Trao đổi với Zing, ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch HUBA cũng cho biết sẽ là đầu mối làm việc với hội viên và tương tác với cơ quan PCCC. Nếu cần, hiệp hội sẽ có các cuộc khảo sát thực tiễn tại từng doanh nghiệp cụ thể để nắm bắt tình hình tốt hơn.